Bất động sản 24h: Nhận diện 2 địa phương đứng ngoài những xáo động của thị trường

Lộ diện hai khu vực giá bất động sản giảm sâu rồi bất động, trốn được cơn sốt đất sôi sục vừa qua; Cần mạnh tay đánh thuế biệt thự bỏ hoang... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Lộ diện hai khu vực giá bất động sản giảm sâu rồi bất động, "trốn" được cơn sốt đất sôi sục vừa qua

Trong khi thị trường bất động sản khắp cả nước sôi sục thì hai khu vực một thời từng "nóng bỏng" là Nha Trang và Vân Đồn dường như đứng ngoài cuộc.

Trong hơn 1 năm qua, lượng nhà đầu tư quan tâm đến thị trường bất động sản tăng cao không ngừng sau mỗi đợt bùng dịch. Đỉnh điểm, trong tháng 2/2021 lượng nhà đầu tư tìm kiếm thông tin về bất động sản đã tăng gấp 4 lần so với thời điểm tháng 1/2021. Tỷ lệ thuận theo con số này, giá đất tại nhiều khu vực tăng chóng mặt.

Ảnh minh hoạ  
Ảnh minh hoạ  
Giá đất tăng khắp từ Nam ra Bắc, bắt đầu từ TPHCM sau đó lan ra các khu vực lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Nẵng, Phú Quốc...Tại khu vực phía Bắc, giá bất động sản ở các huyện ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng tăng chóng mặt, nhiều nơi đạt mức tăng 50% chỉ sau vài tháng. Các tỉnh kế cận Hà Nội như Bắc Giang, Bắc Ninh...giá bất động sản cũng tăng nóng theo ngày.

Trong khi thị trường bất động sản khắp cả nước sôi sục thì hai khu vực một thời từng "nóng bỏng" dường như đứng ngoài cuộc chơi. Thị trường thứ nhất là Khánh Hòa đã nằm bất động suốt hơn 1 năm vừa qua do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và hậu thanh tra sai phạm các dự án. Thị trường thứ hai là Vân Đồn cũng trở nên lặng lẽ từ khi tạm dừng quy hoạch đặc khu.

Bộ Xây dựng bắt đầu cho phép xây căn hộ 25m2, cấm bố trí bếp trong Officetel

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 03/2021 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư bao gồm cả căn hộ lưu trú (condotel), các vấn đề kỹ thuật, diện tích căn hộ, phòng cháy chữa cháy (PCCC), thang máy… Trong đó, đáng chú ý, Thông tư 03/2021 quy định đối với văn phòng kết hợp lưu trú (Officetel), diện tích sử dụng không nhỏ hơn 25m2, trong đó diện tích của khu vực làm việc tối thiểu 9m2. Thông tư này cũng quy định không bố trí bếp trong văn phòng kết hợp lưu trú.

Bên cạnh đó, quy chuẩn trong Thông tư 03 quy định các yêu cầu kỹ thuật áp dụng khi xây mới, xây dựng lại nhà chung cư có chiều cao đến 150m hoặc có đến 3 tầng hầm, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng với mục đích sử dụng hỗn hợp.

Đối với yêu cầu quy hoạch – kiến trúc, Thông tư 03 yêu cầu căn hộ chung cư phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh và diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư là 25m2. Đối với dự án nhà ở thương mại, phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45m2 không vượt quá 25% tổng số căn hộ chung cư của dự án. Đối với căn hộ lưu trú, diện tích sử dụng không nhỏ hơn 25m2. Các yêu cầu khác quy định theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng về căn hộ lưu trú.

Về thang máy, Thông tư 03 quy định nhà chung cư phải đáp ứng 10 yêu cầu. Trong đó, nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp từ 5 tầng trở lên phải có tối thiểu 1 thang máy, từ 10 tầng trở lên phải có tối thiểu 2 thang máy và đảm bảo lưu lượng người sử dụng theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.

Mở cánh cửa bất động sản nghỉ dưỡng Hoà Bình

Cánh cửa phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” đang mở rộng cho Hòa Bình với các ưu thế và cơ hội nổi bật sau:

Thứ nhất, Hòa Bình có vị trí lý tưởng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” trong đó có mô hình căn nhà thứ hai cho một bộ phận cư dân Thủ đô Hà Nội. Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, TP. Hòa Bình nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 73km và tỉnh Hòa Bình thuộc vùng Hà Nội.

Thứ hai, địa hình và điều kiện tự nhiên Hòa Bình rất phù hợp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” với đồi núi trùng điệp, nhiều hang động như Thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên, những hang động thiên tạo đa dạng hình thù trên đỉnh Phù Bua...

Hòa Bình sở hữu một vùng hồ sông Ðà thơ mộng cho phép phát triển du lịch vùng lòng hồ và ven hồ, có đầy đủ vịnh, đảo và bán đảo đi đôi với hệ động thực vật quý hiếm được bảo tồn tốt. Các bản Mường, bản Dao, bản Tày rải rác ven hồ, ven thung lũng tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình như bản Nanh, bản Nưa của người Mường, người Dao và xen kẽ một số gia đình người Thái với những mái nhà sàn cổ đặc biệt hấp dẫn du khách và cả người dân đô thị ở Hà Nội.

Hòa Bình có mạng lưới sông suối phân bổ tương đối dày và đều khắp ở các huyện. Hòa Bình có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, mùa đông phi nhiệt đới khô lạnh, ít mưa còn mùa hè nóng, mưa nhiều. 

Đặc biệt, Hòa Bình có nhiều suối nước khoáng nóng, nổi bật là suối nước khoáng Kim Bôi với nguồn nước phun lên ở nhiệt độ 36°C, đủ tiêu chuẩn dùng làm nước uống, để tắm, chữa bệnh. Thung lũng Mai Châu với đồng lúa và những nếp nhà sàn được quy hoạch bảo tồn và còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Đà Bắc là một huyện vùng cao thích hợp cho du khách tham quan du lịch sinh thái và văn hóa với cảnh quan nguyên sơ yên ả, thơ mộng của thị trấn miền núi Tây Bắc. Lương Sơn ở cửa ngõ của Hòa Bình chỉ cách Hà Nội khoảng 40km với hệ thống giao thông thuận lợi nên tập trung rất nhiều khu du lịch sinh thái, địa điểm giải trí.

Cần mạnh tay đánh thuế biệt thự bỏ hoang

Khu đô thị mới là loại hình bất động sản không thể thiếu trong quá trình phát triển đô thị. Các khu đô thị mới là niềm hy vọng của người dân về một không gian sống mới chất lượng hơn, tiện ích hơn và đáng sống hơn. Đây là điều mà bất kể quốc gia nào cũng cần thực hiện tốt nếu muốn chuyển từ quốc gia đang phát triển lên phát triển, cải thiện bộ mặt đất nước.

Tuy nhiên, thực tế phát triển các khu đô thị mới ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, khi nạn đầu cơ, lướt sóng bủa vây khiến nhiều khu đô thị chưa phát triển đúng hướng. Điển hình nhất là tình trạng, một thời gian dài, đặc biệt là giai đoạn năm 2008 - 2012, nhiều chủ đầu tư tham gia xây dựng các khu đô thị mới như một phong trào nhưng cho đến thời điểm hiện tại, nhiều khu đô thị vẫn đang trong tình trạng dở dang với hàng loạt căn biệt thự bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Bất động sản 24h: Nhận diện 2 địa phương đứng ngoài những xáo động của thị trường - Ảnh 1

Đa phần các căn biệt thự bỏ hoang đều đã có chủ hoặc đã bán qua tay nhiều chủ nhưng mang tính chất đầu cơ, người mua không có nhu cầu sử dụng. Sau hàng loạt “cuộc đổi chác”, giá bị đẩy lên cao khiến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận.

Bình quân diện tích nhà ở trên đầu người có phần tăng lên trong nhiều năm qua nhưng thực chất là đang kéo giãn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong bức tranh đô thị. Người sở hữu cả nghìn mét vuông, người lại chẳng có mét nào.

Mặt khác, tại nhiều dự án, chủ đầu tư do không đủ năng lực tài chính nên triển khai dở dang, không đầu tư đồng bộ hạ tầng theo đúng quy hoạch, dẫn đến khó quy tụ dân cư về ở. Khu đô thị từ năm này qua năm khác vẫn trong tình trạng nhếch nhác, hoang hóa mà dư luận vẫn hay gọi là “những khu đô thị ma”.

Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ nguồn cung mới và M&A

Mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng tại một số địa phương trên cả nước, nhiều khu công nghiệp mới được thành lập và vài dự án công nghiệp trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Điều này cho thấy bất động sản công nghiệp không bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, nhận định đà tăng trưởng của bất động sản công nghiệp hưởng lợi tích cực từ các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) và nguồn cung bất động sản công nghiệp mới.

Thị trường đã chứng kiến các thương vụ mới trong trong năm 2021, điển hình là việc Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại Khu công nghiệp Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD.

Hay như vụ ESR Cayman Limited - nền tảng bất động sản hậu cần lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW) - nhà phát triển bất động sản công nghiệp và hậu cần hàng đầu Việt Nam đã công bố hợp tác thành lập liên doanh mới với mục tiêu sở hữu và cùng phát triển 240.000m2 tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 gần Thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Linh (tổng hợp)

Theo Reatimes