Bất động sản 24h: Giá nguyên vật liệu tăng mạnh, liệu giá bất động sản có lập đỉnh mới?

Giá nguyên vật liệu tăng mạnh, liệu giá bất động sản có lập đỉnh mới?; “sức đề kháng“ của doanh nghiệp địa ốc suy yếu trước làn sóng Covid-19... là những tin tức bất động sản được quan tâm nhất 24h qua.

Giá nguyên vật liệu tăng mạnh, liệu giá bất động sản có lập đỉnh mới?

Đầu năm 2021, thị trường bất động sản đã thiết lập một mặt bằng giá mới do hiện tượng tăng giá mạnh của đất nền thì nay với việc tăng giá chóng mặt của nguyên vật liệu xây dựng khiến nhiều khách hàng và nhà đầu tư lo lắng về giá nhà hình thành trong tương lai.

Ghi nhận tại thời điểm tháng 5/2021, giá thép vượt ngưỡng 20.000 đồng/kg, tăng 40-50% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, suốt nhiều tuần liên tục đầu quý II/2021, các doanh nghiệp ghi nhận đến 2 lần điều chỉnh giá thép.

Giá nguyên vật liệu tăng mạnh, liệu giá bất động sản có lập đỉnh mới? (Ảnh: Nhịp sống Kinh tế)  
Giá nguyên vật liệu tăng mạnh, liệu giá bất động sản có lập đỉnh mới? (Ảnh: Nhịp sống Kinh tế)  
Không chỉ thép tăng giá liên tục, theo thông tin từ nhà thầu, giá cát, xi măng...cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Theo đó giá cát đạt ngưỡng 210.000 đồng/m3 tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm, đỉnh điểm là giá cát vàng tăng đến 500.000 đồng/m3, còn lại một số vật liệu xây dựng khác tăng thấp nhất 20%.

Vật liệu xây dựng tăng giá ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản, bởi thép, cát, xi măng... là những vật tư cần thiết và chiếm tỷ trọng cao trong xây dựng. Chính vì thế, với giá thép như hiện nay, chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản sẽ sớm thiết lập nên một mặt bằng giá mới.

Nhìn lại toàn cảnh thị trường nhà ở bình dân 6 tháng đầu năm 2021

Thị trường căn hộ nửa đầu năm đã có một khởi đầu chậm hơn so với cùng kỳ trong những năm trước bởi diễn biến dịch bệnh, trong đó, nguồn cung phân khúc căn hộ bình dân cũng đang ở trạng thái “nhỏ giọt”.

Nửa đầu năm 2021, thị trường bất động sản ghi nhận sự sụt giảm rất lớn cả về quy mô, số lượng dự án, sản phẩm đưa ra thị trường và số lượng giao dịch. Đáng chú ý là tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ bình dân vừa túi tiền của khách hàng khiến cho phần lớn người có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp ở đô thị và người nhập cư khó mua nhà hơn so với thời điểm trước đây. Mặc dù các đơn vị nghiên cứu thị trường luôn dự báo nhà ở bình dân sẽ dẫn dắt thị trường nhưng cho đến thời điểm hiện tại phân khúc này vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn cung căn hộ, thậm chí nhà ở giá rẻ còn “mất tích” trên thị trường.

Còn nhớ, tại Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Cụ thể, căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2.

“Sức đề kháng“ của doanh nghiệp địa ốc suy yếu trước làn sóng Covid-19

Nếu làn sóng Covid-19 lần thứ 4 kéo dài, sức đề kháng của doanh nghiệp địa ốc sẽ suy giảm rõ rệt bởi thiếu nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động bộ máy.

Làn sóng Covid-19 mới đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh trên thị trường bất động sản khi mức độ báo động ngày càng gia tăng. Tốc độ lây lan nhanh chóng cùng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh gia tăng đặt ra cảnh báo lo ngại về tình trạng "sức khoẻ" của doanh nghiệp bất động sản.

Làn sóng Covid-19 mới được đánh giá là có mức độ nguy hiểm và tác động mạnh đến thị trường bất động sản.   
Làn sóng Covid-19 mới được đánh giá là có mức độ nguy hiểm và tác động mạnh đến thị trường bất động sản.   
Thực tế, trước đó, giới phân tích cho rằng, trải qua 3 lần bùng phát dịch bệnh, “sức khoẻ” của các doanh nghiệp sẽ gia tăng "sức đề kháng”.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu như không có doanh thu, tình hình dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp có nguy cơ đứng trước bờ vực phá sản. Chưa kể, trước đó, doanh nghiệp đã phải lao đao khi chi phí nuôi dưỡng bộ máy, phòng chống dịch tăng mạnh trong khi nguồn thu sụt giảm.

10 ý tưởng trang trí phòng ăn theo phong cách quý tộc với chi phí bình dân

Nhiều người ưa thích sự sang trọng cho không gian phòng ăn nhưng lại không có điều kiện để chi trả cho những món đồ nội thất đắt tiền hay làm mới những thiết kế đã lỗi thời. Có nhiều cách khác để phòng ăn của bạn vẫn có vẻ sang trọng như mong muốn mà không cần phải tốn quá nhiều tiền, chẳng hạn như làm giả những đồ trang trí đắt đỏ hay tự tạo ra những vật dụng theo phong cách riêng. 

Sau đây là 10 ý tưởng trang trí phòng ăn theo phong cách “quý tộc” với chi phí “bình dân” nhất.

Rao bán biệt thự, khách sạn giá trăm tỷ đồng ở TP.HCM

Thời gian gần đây, tại TP.HCM, không ít biệt thự, khách sạn, tòa nhà văn phòng trị giá hàng trăm tỷ đồng, trong đó có nhiều tòa nhà giá "khủng" trên dưới 500 tỷ đồng, được rao bán.

Một biệt thự trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 đang được rao bán với giá 170 tỷ đồng. Chủ căn nhà cho biết, diện tích nhà là hơn 330m2 và có "sổ hồng" riêng đầy đủ. Nếu không có dịch Covid-19, giá trị căn nhà còn cao hơn.

"Tôi bán căn biệt thự với giá 508 triệu đồng/m2. Bình thường, căn nhà này phải 530 triệu đồng/m2 (tức khoảng 177 tỷ đồng) thì tôi mới bán", chủ biệt thự nói.

Cách đó không xa, một biệt thự trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3) cũng đang được rao bán với giá 200 tỷ đồng. Căn biệt thự này có diện tích 340m2 và được xây dựng 1 trệt, 2 lầu.

Linh San (tổng hợp)

Theo Reatimes