Bất động sản 24h: Giá bất động sản Hà Nội sẽ tăng liên tục đến khi nào?
Giá bất động sản Hà Nội sẽ tăng liên tục đến khi nào?; Phó Thủ tướng chỉ đạo thu hồi 2 lô “đất vàng“ sau cổ phần hóa của Hãng Phim truyện Việt Nam... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Giá bất động sản Hà Nội sẽ tăng liên tục đến khi nào?
Mặc dù đã hình thành mức giá mới trong thời gian vừa qua tuy nhiên giá bất động sản tại Hà Nội còn dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới do tác động từ giá thép tăng kỷ lục, cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh triển khai và đặc biệt sự khan hiếm về nguồn cung.
Mới đây, trong báo cáo "Triển vọng ngành bất động sản dân cư năm 2021: Triển vọng tích cực" được phát hành, nhóm chuyên gia SSI cho rằng, xu hướng tăng giá của bất động sản Hà Nội năm 2021 sẽ tiếp tục nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. SSI kỳ vọng rằng tiến độ giải ngân sẽ được đẩy nhanh trong năm 2021 - điều này tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường. Cụ thể, chuyên gia SSI cho biết, năm 2020 giải ngân vốn của Bộ Giao thông vận tải đạt 35.600 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ và dự kiến sẽ đạt 46.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 28% so với năm 2020.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sửa đổi Luật Đất đai để thúc đẩy thị trường bất động sản tăng tốc, bứt phá
Luật Đất đai đóng một vai trò hết sức quan trọng, là kim chỉ nam cho các văn bản pháp lý liên quan, làm nền tảng cho các hoạt động diễn ra trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai, nhiều điểm bất cập, chồng chéo và không theo kịp thực tiễn phát triển thị trường đã dẫn đến những nút thắt về pháp lý, kìm hãm nguồn lực phát triển kéo dài trong nhiều năm qua. Điều này đòi hỏi sự xem xét, đánh giá một cách toàn diện trên góc nhìn tổng thể và dài hạn để có những giải pháp điều chỉnh phù hợp, nhất quán.
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp trong ngành bất động sản, quan sát những xu hướng phát triển trên thị trường, chúng tôi nhận thấy, có 5 vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm trong quá trình soạn thảo Luật Đất đai tới đây:
Thứ nhất, Luật Đất đai cần phân định rõ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đất đai với mục đích mang lại hiệu quả khai thác và sử dụng cao nhất, chứ không nên cứng nhắc.
Thời gian vừa qua, “đất công” là cụm từ rất nhạy cảm khiến nhiều cá nhân, tổ chức rơi vào vòng lao lý. Chính vì cái “gông” đất công mà nhiều nguồn lực đất đai đã bị lãng phí. Bên sở hữu đất công thì không có đủ năng lực, nguồn lực phát triển, để hoang phí tài sản trong một thời gian dài; trong khi bên có khả năng làm thì không tiếp cận được do nhiều rào cản pháp lý.
Không khó để tìm thấy nhiều khu đất "vàng" trong thành phố, các khuôn viên đất rộng, các nhà xưởng lớn... do các đơn vị Nhà nước quản lý nhiều năm bị bỏ hoang, xập xệ và khai thác không hiệu quả, nhìn vào rất xót xa. Do vậy, việc nghiên cứu quy định giao cho tư nhân quản lý, sử dụng đất công không khai thác hiệu quả là một giải pháp tốt, mang về nguồn thu lớn cho ngân sách và thúc đẩy nguồn lực đất đai phát triển.
Phó Thủ tướng chỉ đạo thu hồi 2 lô “đất vàng“ sau cổ phần hóa của Hãng Phim truyện Việt Nam
Ngày 27/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.
Cụ thể, thông báo cho biết, ngày 21/5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì họp về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Sau khi nghe ý kiến báo cáo của Thanh tra Chính phủ và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND TP. Hà Nội khẩn trương thực hiện thu hồi cơ sở nhà đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM xử lý, thu hồi cơ sở nhà đất tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 theo đúng Kết luận thanh tra số 447 ngày 30/3/2018 và số 1412 ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ.
Kịch bản nào cho thị trường bất động sản trước làn sóng Covid-19 mới?
Tính đến trưa 30/5, Hà Nội ghi nhận 171 ca nhiễm cộng đồng. Cũng trong ngày này, TP.HCM đã có quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo Chỉ thị 16 tính từ 0h ngày 31/5.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, số lượng ca cộng đồng tính từ ngày 27/4 đến trưa ngày 30/5 là 3.893 ca, xuất hiện tại 34 tỉnh thành. Tính chất phức tạp và quy mô trên diện rộng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được đánh giá sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
"Covid-19 với biến thể mới đang bùng phát trở lại và lây lan mạnh mẽ. Đây trở thành tác nhân ngăn cản hoạt động của nền sản xuất, tác động đến thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam.
Người dân lo ngại dịch bùng phát, không muốn tham gia giao dịch dẫn tới hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ có xu hướng giảm. Mặt khác, người dân có tâm lý lo ngại dịch bệnh căng thẳng, muốn tích trữ tiền tệ cũng như tài sản nên họ không muốn mở rộng hầu bao để chi tiêu. Vì thế, hoạt động tài chính tiền tệ có sự trầm lắng. Thị trường bất động sản cũng chịu tác động dựa trên những hệ luỵ này", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Bức tranh BĐS công nghiệp Hoà Bình: Nhiều lợi thế bứt tốc cho phát triển bền vững
Theo dự báo, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới. Chính phủ và địa phương đang nỗ lực thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Thống kê cho thấy, các khu công nghiệp (KCN) tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, gần đầu mối giao thông như Hà Nội, TP.HCM đã dần cạn kiệt quỹ đất. Nhà đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài đang hướng đến thị trường bất động sản công nghiệp vùng ven. Mặc dù không phải là trung tâm nhưng đây được xem là địa điểm lý tưởng khi hệ thống hạ tầng giao thông và tính kết nối giữa các tỉnh ngày càng được nâng cao.
Trong khi đó, quỹ đất KCN ngày càng được mở rộng để chờ đón các “ông lớn” chuyển dịch về Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành phố xác định phát triển công nghiệp chú trọng đến ứng dụng công nghệ cao và thân thiện môi trường. Điển hình, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hòa Bình định hướng phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển...
Thời gian vừa qua, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã đưa ra chủ trương hoàn toàn đúng đắn, với những quyết sách quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp phát triển bền vững. Cùng với đó, các sở, ban, ngành và địa phương đã rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các KCN trên địa bàn.