Bất động sản 24h: Bị thổi giá quá đà, thành phố mới Thủ Đức loạn giá?
TP.HCM: Đất sốt cục bộ, loạn giá; Quý I/2021: Bất động sản Bình Dương được nhiều môi giới quan tâm... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua
TP.HCM: Đất "sốt" cục bộ, loạn giá
Hiện giá nhà đất tại TP.Thủ Đức đã tăng bình quân 30% so với đầu năm 2020, những nơi tăng giá cao do chưa có quy hoạch rõ ràng.
Tại một số nơi có giá tăng đột biến là khu vực nhà đất tại đường Lê Văn Việt (quận 9), giá dao động bình quân 120 – 140 triệu đồng/m2, mức tăng 50 -70% so với năm 2020, môi giới bất động sản Châu Minh Việt cho biết.
"Ở mức giá này, nhà đất tại quận 9 đắt tương đương quận 3. Vì một căn nhà đất tại đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) đang rao bán với giá 200-220 triệu đồng/m2. Giá nhà đất quận 9 cũng đắt hơn tại quận 11, chẳng hạn, tại đường Lò Siêu đang rao bán căn nhà diện tích 4mx16m, 1 trệt 3 lầu, giá 11 tỷ đồng, (tính ra giá 171triệu đồng/m2)", Việt nói.
Quý I/2021: Bất động sản Bình Dương được nhiều môi giới quan tâm
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2021 của batdongsan.com, trong số các tỉnh thành phía Nam bất động sản Bình Dương là thị trường được quan tâm nhất. Hiện tại mức độ quan tâm của nhà đầu tư bất động sản đến Bình Dương gấp đôi Long An, và vượt Đồng Nai.
Tuy nhiên, quý vừa qua, lượng quan tâm nhà đất Bình Dương không đột biến chủ yếu đến từ việc ba thị trường nóng là Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một có ít nguồn hàng mới chào bán. Sản phẩm nhà phố và đất nền cũng không đa dạng do đang khan hiếm quỹ đất triển khai và ảnh hưởng từ dịch Covid-19 vừa qua. Thay vào đó, nguồn cung mới tại Bình Dương đang chuyển dịch nhiều về khu vực các huyện ngoại thành như Bàu Bàng, Bến Cát, Tân Uyên, Dầu Tiếng. Điều này được phản ánh rõ khi mà nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại huyện Bàu Bàng tăng đến 30%, huyện Dầu Tiếng tăng 32% và Tân Uyên tăng 7%. Nguyên nhân là do các khu vực này hiện đang tập trung nhiều dự án mới, đi đôi với đó là những thông tin tích cực về quy hoạch.
Cũng trong quý I, Bình Dương chỉ đứng sau TP.HCM về lượng dự án mới được công bố ra thị trường. Theo đó, TPHCM ghi nhận 8 dự án mới, Bình Dương ghi nhận 4 dự án mới.
Giá bất động sản Bình Dương cũng tăng khá cao. Tính đến tính đến thời điểm cuối năm 2020, nhiều dự án mở bán tại TP. Thuận An và Dĩ An có giá bán tăng hơn từ 40 - 50% so với những dự án lân cận mở bán trước đó 2 năm. Trung bình từ 22 - 28 triệu/m2 (2018) lên mức 35 - 40 triệu/m2. Một số dự án còn chào bán với giá 40 - 45 triệu/m2, vượt nhiều dự án triển khai khu vực vùng ven TP.HCM như quận 8, Bình Chánh, quận 12 và cả ở khu vực quận 9. Thậm chí, khu vực trung tâm hành chính TP. Dĩ An nhiều chung cư chạm mức 60 - 70 triệu đồng/m2. Giá bán căn hộ tại đây bắt đầu tiệm cận với TP.HCM, vượt xa tầm với của đa số người lao động.
“Đòn” Covid-19 và sự cấp bách của việc sửa đổi chính sách đất đai
Năm 2020 vừa qua là một năm đầy biến động không chỉ với nền kinh tế nói chung, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường bất động sản trong nước bởi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đại dịch này khiến nhu cầu mua, bán suy giảm, nguồn cung thiếu hụt, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không có dự án mới hoặc không triển khai được dự án do vướng thủ tục cấp phép. Điều này đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Có thể thấy dịch bệnh Covid-19 bùng phát bất ngờ tại Việt Nam đã khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lao đao, chật vật xoay sở để có thể tiếp tục trụ vững trên thương trường. Điều này xảy ra bởi một phần do doanh nghiệp chưa có kỹ năng xử lý, đồng thời hệ thống pháp luật cũng chưa thực sự đồng bộ, linh hoạt.
Giải mã những cơn sốt đất đầu năm 2021
Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hiện tượng sốt đất đã dần trở nên phổ biến và xuất hiện khắp nơi, trải dài từ Bắc vào Nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Nhiều địa phương công bố, công khai các quy hoạch mới: Điều này xuất phát từ việc Luật Quy hoạch năm 2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, yêu cầu các quy hoạch phải đảm bảo sự xuyên suốt và thống nhất, công khai và minh bạch từ cấp Quốc gia, cấp vùng cho đến cấp tỉnh.
Đồng thời, chúng ta vừa bước qua một thập niên mới, nhiều đồ án quy hoạch tại các địa phương đã hết hạn nên phải tiến hành lập lại các đồ án quy hoạch mới để phù hợp với quy hoạch chung cấp cao hơn, phù hợp với hiện trạng đô thị và hướng đến một tầm nhìn mới gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Với thị trường bất động sản, việc điều chỉnh quy hoạch, thay đổi quy hoạch, công bố quy hoạch mới là chất xúc tác quan trọng nhất để kích thích thị trường tăng trưởng.
Đầu tư công cho hạ tầng được triển khai rầm rộ: Sau một năm tăng trưởng kinh tế ở mức thấp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều địa phương đã tiến hành đầu tư công rầm rộ cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn do dịch bệnh vẫn còn đang tiếp diễn. Một khi cơ sở hạ tầng được nâng cấp, giá trị và giá cả bất động sản cũng sẽ được kéo tăng theo.
Thu hút và xúc tiến đầu tư được triển khai mạnh mẽ: Sau kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp thành công tốt đẹp, bộ máy tổ chức chính quyền đã ổn định và vào cuộc quyết liệt trong việc thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế. Sự quan tâm, tham gia đầu tư của các doanh nghiệp lớn đã kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản tại các địa phương.
Bộ Tài nguyên – Môi trường thanh tra việc phân lô bán nền ở Lâm Đồng
Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa cho biết, sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai tại TP Bảo Lộc, TP Đà Lạt, huyện Lâm Hà và huyện Bảo Lâm. Đây là những điểm nóng nổi lên thời gian gần đây ở tỉnh Lâm Đồng về tình trạng “hô biến” đất nông nghiệp thành “dự án”.
Bên cạnh Lâm Đồng, đoàn cũng đang có mặt tại tỉnh Khánh Hòa để tập trung thanh tra vào 3 nội dung chính: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2013 đến nay; quá trình chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở và thương mại dịch vụ; vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi tách thửa tại 3 địa phương TP.Nha Trang, Diên Khánh và Cam Lâm.
Còn tại tỉnh Bình Thuận, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đất đai tại TP.Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bắc Bình.
Đáng chú ý, việc thanh tra lần này của Bộ Tài nguyên – Môi trường là không định kỳ, sau khi cơ quan này tiếp nhận những phản ánh tiêu cực từ dư luận về hoạt động phân lô bán nền. Đợt thanh tra này cũng được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành trong 30 ngày.
Sau quá trình thanh tra, đoàn công tác sẽ đánh giá công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn các tỉnh, nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những vi phạm về lĩnh vực đất đai; phát hiện tồn tại, bất cập về cơ chế chính sách để kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi phù hợp với thực tế.