Bất động sản 24h: Kéo giảm giá nhà bằng cách nào?
Kéo giảm giá nhà bằng cách nào?; Vì sao bất động sản Long Thành ngày càng hút vốn đầu tư?... là một số tin tức nổi bật 24h qua.
Kéo giảm giá nhà bằng cách nào?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa có báo cáo, trong đó công nhận giá nhà đất không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Bộ này cũng có nhiều chương trình để kéo giá xuống, nhưng thực tế giá nhà đất tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng trung bình mỗi năm tăng 10-30%.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho rằng giá nhà đất tăng mạnh chủ yếu tại các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM. Thực tế cho thấy đất để các doanh nghiệp có thể làm dự án tại TP.HCM hiện vừa hiếm vừa đắt, doanh nghiệp có tiền cũng khó tiếp cận được khoảng đất phù hợp với nhu cầu. Hoặc nếu có đất cũng khó mua được do giá đã bị đẩy lên rất cao những năm qua. Ngoài ra, quá trình làm thủ tục dự án BĐS thường kéo dài 3-5 năm, nên chi phí lãi vay của doanh nghiệp bị đội lên rất lớn. Tất cả chi phí này sẽ cộng vào giá thành làm tăng giá bất động sản.
Nhìn vào các con số nói trên, chỉ cần giảm 1-2 năm làm thủ tục cho doanh nghiệp, giá thành bất động sản sẽ giảm nhiều. Như vậy, muốn giảm giá BĐS cách tốt nhất là tăng nguồn cung, giảm giá đất và giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Các vấn đề này hiện nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương.
Vì sao bất động sản Long Thành ngày càng hút vốn đầu tư?
Được biết đến là một trong những khu vực bất động sản nóng của phía Nam, Long Thành (Đồng Nai) hội tụ nhiều yếu tố hình thành nên một thị trường bất động sản giàu tiềm năng. Từ các ông lớn bất động sản đến những nhà đầu tư nhỏ lẻ đều chọn mảnh đất này để "gửi vàng". Và sẽ không sai nếu nói rằng sự sôi động cũng như sức hút mãnh liệt của bất động sản Long Thành là nhờ sự đầu tư lớn vào hạ tầng.
Thống kê cho thấy, hiện nay Long Thành có nhiều tuyến đường cao tốc và quốc lộ trọng điểm đi qua địa bàn. Trong đó, quốc lộ 51 là tuyến chính có vai trò kết nối liên tỉnh giúp lưu chuyển hàng hóa đi khắp các tỉnh, thành Đông Nam Bộ và đến các cảng biển lớn để xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, tuyến này đang quá tải nên một số dự án mới đã được triển khai nhằm giảm áp lực giao thông cho cả khu vực.
Khảo sát mới đây của phóng viên tại các sàn giao dịch cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá đất tại các xã Lộc An, Long Đức... gần trung tâm huyện Long Thành đã tăng dao động từ 10 - 22% so với cuối năm 2019. Hiện, đất gần các khu vực trung tâm chợ mới Long Thành giá dao động từ 55 - 85 triệu đồng/m2. Đặc biệt, khu vực đường D3 ngay sát chợ mới Long Thành giá hiện nay đã hơn 100 triệu đồng/m2.
Con số tăng trưởng 2 - 3% GDP rất đáng ghi nhận!
Sáng 3/11, Quốc hội bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) nhắc lại, tháng 11/2019, khi Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch năm 2020, Covid-19 vẫn còn là khái niệm xa lạ, đến nay trên thế giới đã có 31 triệu người mắc với hơn 1 triệu người tỷ vong, đưa kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng và ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận, con số tăng trưởng 2 - 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh thế giới như trên. Kinh tế phát triển ổn định, GDP tăng trưởng dương, cán cân thương mại 9 tháng thặng dư 17 tỷ USD, dòng vốn FDI tăng trở lại, vốn giải ngân và vốn cam kết đều tích cực.
Đất nền bị "bỏ quên"
Khảo sát thị trường bất động sản TP HCM quý III/2020 của Savills Việt Nam cho thấy phân khúc đất nền đang bị "bỏ quên".
Theo đó, nguồn cung sơ cấp giảm 65% so với quý trước và 58% so với cùng kỳ năm trước, khi cả quý chỉ có 470 nền được tung ra. Lượng bán chỉ đạt 170 nền, mức thấp nhất kể từ năm 2016, giảm 70% so với quý II và 64% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, thị trường đất nền bị ảnh hưởng bởi 14 dự án dừng bán do vướng pháp lý. "Mảng đất nền trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư trong tình hình dịch bệnh bùng phát và vì các vấn đề về pháp lý..." - đại diện Savills Việt Nam nhận xét.
Phó giám đốc một công ty bất động sản chuyên về đất nền cho rằng thông thường khi kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng thì phân khúc đất nền dự án là ế nhất. Nguyên nhân chính là do đất nền đa phần ở vùng ven, ở các tỉnh nên người mua chủ yếu để đầu tư chứ không phải để ở.
Lao đao vì dịch, môi giới địa ốc quyết không bỏ nghề
Cơn bão Covid-19 đã đẩy thị trường bất động sản vào thời điểm “đóng băng” kéo dài. Những ảnh hưởng không nhỏ của cơn bão dịch bệnh và khoảng thời gian giãn cách xã hội đã khiến nhiều môi giới bất động sản rơi vào cảnh lao đao, thu nhập sụt giảm.
Anh Phạm Hưng (28 tuổi) từng là chuyên viên kinh doanh loại ưu của một công ty bất động sản nổi tiếng tại Hà Nội với thu nhập chưa tháng nào dừng dưới mức 8 con số. Thế nhưng, chỉ trong ít tháng khi Covid-19 ập đến, thu nhập của anh Hưng trở về con số 0.
Dẫu cho cơn biến động của thị trường bất động sản đã đẩy nhiều môi giới ra khỏi cuộc chơi, song, theo khảo sát, đây vẫn được coi là nghề hấp dẫn.
“Tôi chỉ làm nghề xe ôm tạm thời. Hiện tại, tôi vẫn thăm dò thị trường và tìm hiểu các dự án tiềm năng. Nếu thị trường sôi động, tôi sẽ quay trở lại đi làm”, anh Phạm Hưng quả quyết nói.
Lý giải điều này, anh Hưng cho rằng, dù sao đây là công việc có thể mang lại một khoản tiền lớn nếu như thị trường tốt. Hơn nữa, nhiều năm làm trong lĩnh vực bất động sản giúp anh có một tệp khách hàng và kinh nghiệm đàm phán chốt giá.