Lao đao vì dịch, môi giới địa ốc quyết không bỏ nghề

Dù phải trải qua khoảng thời gian “đóng băng” cùng thị trường bất động sản, nhiều môi giới vẫn bám trụ lại với nghề.

Lao đao vì dịch

Cơn bão Covid-19 đã đẩy thị trường bất động sản vào thời điểm “đóng băng” kéo dài. Những ảnh hưởng không nhỏ của cơn bão dịch bệnh và khoảng thời gian giãn cách xã hội đã khiến nhiều môi giới bất động sản rơi vào cảnh lao đao, thu nhập sụt giảm.

Anh Phạm Hưng (28 tuổi) từng là chuyên viên kinh doanh loại ưu của một công ty bất động sản nổi tiếng tại Hà Nội với thu nhập chưa tháng nào dừng dưới mức 8 con số. Thế nhưng, chỉ trong ít tháng khi Covid-19 ập đến, thu nhập của anh Hưng trở về con số 0.

Những tháng không khách mua, không doanh thu kéo dài khiến người đàn ông là trụ cột của gia đình không thể đảm đương gánh vác mọi chi tiêu. “Nếu cứ mãi kéo dài ngày tháng thất nghiệp, không có thu nhập trong khi chi tiêu gia đình khó tằn tiện, tôi đành phải tìm kế mưu sinh khác tạm thời”, anh Hưng nói.

Quyết định tạm rời công việc môi giới, anh Hưng chuyển sang làm nghề chạy xe ôm. Với anh, dẫu công việc này không thể đem lại nguồn thu nhập tốt như ở thời điểm làm môi giới bất động sản nhưng cũng đủ đem lại khoản tiền chi trả mỗi ngày. Và hơn hết, đây là công việc tạm thời trong khoảng thời gian thất nghiệp.

Thực tế, không chỉ có anh Hưng mà nhiều nhân viên môi giới buộc phải bỏ nghề. Theo chị P.T.H.Lan (32 tuổi, nhân viên môi giới tại một sàn bất động sản lớn tại Hà Nội), “6 tháng trôi qua, đến hiện tại phòng kinh doanh chỉ còn 60% người trụ lại. Nhiều sàn nhỏ có lượng nhân viên môi giới bỏ nghề rất lớn”.

Lao đao vì dịch, môi giới địa ốc quyết không bỏ nghề - Ảnh 1
Các môi giới bất động sản gặp không ít khó khăn trong mùa dịch.

“Tôi làm nghề môi giới đã được hơn 7 năm, nhưng lần đầu tiên thấy cảnh nhân viên trong nghề chật vật như thế này vì Covid-19. Thực sự trước đó, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ rằng 2020 sẽ là một năm khó khăn đến vậy bởi tâm lý của người dân vẫn coi bất động sản là kênh trữ tiền và có niềm tin vào thông tin tốt trên thị trường. Một số bạn tôi đã phải vừa làm môi giới, vừa làm thêm công việc như bán hàng online để kiếm kế sinh nhai qua mùa dịch”.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý I/2020 do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ. Đến cuối tháng 5/2020 cả nước chỉ còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản hoạt động cầm chừng, đã có hơn 800 sàn giao dịch tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa.

Nhân viên môi giới quyết không bỏ nghề

Dẫu cho cơn biến động của thị trường bất động sản đã đẩy nhiều môi giới ra khỏi cuộc chơi, song, theo khảo sát, đây vẫn được coi là nghề hấp dẫn.

“Tôi chỉ làm nghề xe ôm tạm thời. Hiện tại, tôi vẫn thăm dò thị trường và tìm hiểu các dự án tiềm năng. Nếu thị trường sôi động, tôi sẽ quay trở lại đi làm”, anh Phạm Hưng quả quyết nói.

Lý giải điều này, anh Hưng cho rằng, dù sao đây là công việc có thể mang lại một khoản tiền lớn nếu như thị trường tốt. Hơn nữa, nhiều năm làm trong lĩnh vực bất động sản giúp anh có một tệp khách hàng và kinh nghiệm đàm phán chốt giá.

Tương tự như anh Hưng, chị P.T.H.Lan cho biết, chị sẽ không bỏ nghề. Dù 2020 là một năm khó khăn, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt trong việc tìm kiếm khách hàng, song chị Lan cho rằng: “Đây cũng là giai đoạn rèn luyện sự kiên trì của mỗi người. Càng khó khăn, chúng tôi lại càng nghĩ ra và thử nghiệm các cách tìm kiếm khách hàng, chốt đơn. Các chiến lược marketing cho sản phẩm cũng thay đổi và cải tiến đáng kể. Nếu làm tốt thì trung bình mỗi tháng vẫn chốt được 1 - 2 giao dịch. Số tiền này cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt”.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á cho rằng, khi thị trường bất động sản thăng hoa giai đoạn 2016 - 2018, môi giới bất động sản có thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với những công việc khác nếu làm tốt. So với các ngành nghề khác, người làm công ăn lương mỗi tháng thu nhập 15 - 20 triệu đồng đã là ổn định và xếp loại khá giỏi.

Trong khi đó, ngành bất động sản nhân viên sale chỉ cần bán hàng bùng nổ đôi ba tháng có thể kiếm được 100 - 200 triệu đồng từ khoản phí môi giới. Vì dễ kiếm tiền khi thị trường nóng sốt nên nhân sự khắp nơi đổ về ngành này tìm vận may. Đến khi khó khăn ập đến, nhiều môi giới bất động sản tay nghề yếu hoặc non kinh nghiệm dễ bỏ cuộc và mất niềm tin. Nhưng, cơ hội vẫn dành cho những nhân viên chuyên nghiệp và tiềm năng.

Giới chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản đang bắt đầu ấm dần lên khi lượng giao dịch gia tăng đáng kể. Nhiều dự báo cho rằng, khi thông tin về thị trường trở nên tốt, môi giới địa ốc vẫn là một nghề hấp dẫn.

Kiều Trang

Theo Reatimes