Bất động sản 24h: Lý do nhà phố mặt tiền cho thuê “chìm trong khủng hoảng“

Lý do nhà phố mặt tiền cho thuê chìm trong khủng hoảng; Phú Quốc tái xuất dự án ma kiểu Alibaba; Ý kiến Bộ Xây dựng về 3km cáp treo nghìn tỷ nối chùa Hương - chùa Tiên... là những tin tức BĐS đáng chú ý 24h qua.

Lý do nhà phố mặt tiền cho thuê "chìm trong khủng hoảng"

Covid-19 đã lấy đi "ánh hào quang" của thị trường nhà phố mặt tiền cho thuê khi hành vi tiêu dùng thay đổi, khiến giá thuê rẻ chưa từng có.

Theo khảo sát, đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến thị trường nhà phố mặt tiền cho thuê theo hướng tiêu cực nhất trong vòng một thập kỷ qua. Kể từ dịch bệnh bùng phát năm 2020 đến nay, giá thuê nhà phố trên các tuyến đường lớn tại TP.HCM trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh mạnh. Giai đoạn đầu tiên diễn ra từ quý I đến đầu quý II/2020, khi cả nước giãn cách xã hội, việc kinh doanh tại các hàng quán là nhà mặt phố đồng loạt điều chỉnh giá 10 - 20% so với năm 2019, mức giảm cao nhất thời điểm này là 25%.

Đến khi đợt dịch thứ hai bùng phát trong năm 2020, giá thuê nhà phố mặt tiền tiếp tục lao dốc, đợt này điều chỉnh xuống 25 - 35%, cá biệt có một số mặt bằng đã treo biển giảm giá thuê đến 40% và tình trạng này kéo dài đến cuối năm.

Và đợt dịch bùng phát lần ba vào đầu năm 2021 đã đẩy giá thuê nhà phố mặt tiền vào giai đoạn rẻ chưa từng có. Giai đoạn này, mức giảm phổ biến 30 - 40% với nhiều gói thuê chia nhỏ diện tích hoặc chia theo sàn để dễ tiếp cận khách thuê hơn. Thậm chí có không ít căn nhà phố mặt tiền đã hạ nhiệt giá thuê đến 50% so với năm 2019 đối với khách bao trọn nguyên căn.

Nhà phố mặt tiền khu trung tâm quận 1, TP HCM chào thuê từ năm 2020 đến nay. Ảnh: Trung Tín.  
Nhà phố mặt tiền khu trung tâm quận 1, TP HCM chào thuê từ năm 2020 đến nay. Ảnh: Trung Tín.  
Phú Quốc tái xuất dự án ma kiểu Alibaba

Sau một thời gian tạm lắng, việc phân lô làm đường trên đất nông nghiệp kiểu Alibaba lại tái xuất ở thành phố đảo Phú Quốc.

Câu chuyện này đang diễn ra tại khu đất được giới thiệu là Center Phú Quốc thuộc chủ đầu tư SACOM Group. Theo giới thiệu từ chủ đầu tư, Center Group tọa lạc tại mặt tiền Tuyến tránh Dương Đông, nằm giữa trung tâm hành chính mới của TP Phú Quốc. Dự án này hứa hẹn một khu đô thị bậc nhất, rực rỡ, giàu tiềm năng kinh doanh và đáng sống nhất hiện nay.

“Dự kiến ra mắt sản phẩm giữa tháng 3, Center Phú Quốc thuộc chủ đầu tư SACOM Group thực sự là cú hích cho thị trường đầu tư phân khúc đô thị tại Phú Quốc. Dự án thỏa mãn cơn khát sở hữu mảnh đất vàng ngọc của hàng nghìn nhà đầu tư trong bức tranh nhập nhằng pháp lý hiếm có khó tìm như những năm qua”, thông tin quảng cáo trên website của dự án cho biết.

Trên một số diễn đàn, website về bất động sản, dự án Center Phú Quốc cũng được rao bán rầm rộ, công khai. Dự án này được giới thiệu là khu đô thị ngay trung tâm thị trấn Dương Đông, đẹp nhất thành phố Phú Quốc, nằm ở mặt tiền Tuyến Tránh. Dự án này có quy mô 77 nền, có giá từ 25 - 40 triệu đồng/m2, khu dân cư hiện hữu. Đặc biệt, môi giới thông tin, dự án này chuẩn bị mở bán, chủ đầu tư đang nhận giữ chỗ là 50 triệu đồng/nền.

Khi hỏi về pháp lý của những lô đất này, môi giới nói rằng, dự án đều có sổ riêng từng nền, đất trên sổ là đất trồng cây lâu năm. Hiện tại, Phú Quốc đang tạm ngưng cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp lên thổ cư. Do vậy, nếu muốn chuyển lên thổ cư, người mua phải chờ đến khi Phú Quốc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Dự án Center Phú Quốc thuộc chủ đầu tư SACOM Group, ra mắt sản phẩm giữa tháng 3.   
Dự án Center Phú Quốc thuộc chủ đầu tư SACOM Group, ra mắt sản phẩm giữa tháng 3.   
Ý kiến Bộ Xây dựng về 3km cáp treo nghìn tỷ nối chùa Hương - chùa Tiên

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc cho ý kiến thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư Tuyến cáp treo Hương Bình. Tuyến cáp treo có chiều dài gần 3km nối chùa Tiên (Hoà Bình) với chùa Vân Long (chùa Hương, Hà Nội).

Theo Bộ Xây dựng, căn cứ quy định của Luật Đầu tư năm 2020, tuyến cáp treo Hương Bình thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, dự án này cũng cần phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng.

Trong khi đó, theo tài liệu, quy hoạch chi tiết xây dựng tại các điểm đầu, điểm cuối của tuyến cáp treo đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 249 (ngày 25/1/2018) và UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6421 (ngày 31/12/2020).

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, dự án tuyến cáp treo Hương Bình nằm một phần trong khu di tích và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. 

“Vì vậy, khi nghiên cứu dự án nằm trong khu di tích và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn phải căn cứ vào các quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các quy định khác có liên quan, phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới”, Bộ Xây dựng nêu ý kiến.

Hà Nội xây Cung Thiếu nhi mới, “số phận“ hơn 8.000m2 cơ sở cũ tại quận Hoàn Kiếm sẽ ra sao?

Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tồn tại hơn nửa thế kỷ.  
Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tồn tại hơn nửa thế kỷ.  
Hà Nội vừa tiến hành lễ động thổ Cung Thiếu nhi mới với số vốn hơn 1.300 tỷ đồng. Đây là tin mừng cho thế hệ trẻ Thủ đô, nhưng "số phận" của Cung Thiếu nhi cũ sẽ ra sao cũng là điều dư luận đang quan tâm lúc này.

Hơn nửa thế kỷ qua, biết bao thế hệ người Hà Nội đã gắn bó với Cung Thiếu nhi Hà Nội như ngôi nhà tuổi thơ, bên cạnh tượng đài Vua Lý Thái Tổ và Hồ Gươm huyền thoại.

Tuy nhiên, qua gần 40 năm sử dụng, nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp... Do đó việc xây dựng Cung Thiếu nhi mới rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện Hà Nội chưa thông tin việc sau khi hoàn thành dự án Cung Thiếu nhi mới, hơn 8.000m2 cơ sở cũ tại quận Hoàn Kiếm được ví như khu đất kim cương sẽ được sử dụng ra sao? Đây là điều mà người dân đang rất quan tâm khi thực tế đã có nhiều khu vực đất công cộng bị chuyển đổi mục đích thành nhà cao tầng, khách sạn…

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, việc xây dựng Cung Thiếu nhi phải vừa đáp ứng nhu cầu, vừa cần thuận lợi cho đi lại. Cung Thiếu nhi cũ nằm ở khu vực trung tâm, đáp ứng được các điều kiện đó, tuy nhiên qua nhiều thập kỷ sử dụng, nay đã cũ kỹ và xuống cấp, không còn phù hợp với nhu cầu trong bối cảnh mới.

Việc xây cung mới là cần thiết, nhưng theo vị chuyên gia, cùng với tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số thì nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, phát huy tài năng, sở trường của con trẻ hiện đang rất lớn. Vì thế, phần đất cũ chỉ cần cải tạo, điều chỉnh để có thể tiếp tục trở thành công trình phúc lợi xã hội, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho thiếu niên ở khu vực trung tâm.

Viện KSND TP. Đà Nẵng yêu cầu tiếp tục điều tra để không bỏ lọt tội phạm

Khu tái định cư Hòa Liên 3, 4 bị sụt lún. Ảnh: Hữu Trà   
Khu tái định cư Hòa Liên 3, 4 bị sụt lún. Ảnh: Hữu Trà   
Viện KSND TP. Đà Nẵng vừa ký Công văn số 69/VKS-P1 gửi Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng yêu cầu tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài Công ty TNHH MTV VLXD-XL và KDN Đà Nẵng.

Công văn số 69/VKS-P1 phát hành ngày 1/3/2021 do Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Bung ký, có nội dung: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng ban hành quyết định tách vụ án hình sự số 02/CSĐT-KT ngày 4/7/2020 thuộc vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 298 và 360 Bộ Luật Hình sự, để đưa ra truy tố, xét xử các bị can Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Bường, Hoàng Cung Thượng Hiền, còn hành vi của một số tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài công ty tách ra, tiếp tục điều tra, xử lý sau".

Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) TP. Đà Nẵng đã ban hành cáo trạng truy tố và Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Đà Nẵng đã đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Bường, Hoàng Cung Thượng Hiền về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3, Điều 298 Bộ Luật Hình sự.

“Để đảm bảo giải quyết vụ án ở giai đoạn tiếp theo nhằm không bỏ lọt tội phạm và kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, Viện KSND TP. Đà Nẵng yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của một số tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng, Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng liên quan đến Công trình hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Hòa Liên 3, Hòa Liên 4 (H. Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), để xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, nội dung công văn 69/VKS-P1 nêu.

Linh Chi (tổng hợp)

Theo Reatimes