Bất động sản 24h: Mua đất nền sau cơn sốt đất còn an toàn?
Mua đất nền sau cơn sốt đất còn an toàn?; Doanh nghiệp địa ốc vừa làm vừa “hóng” dịch; Sửa đổi Luật Đất đai để giải câu chuyện tồn tại bất cập trong định giá đất... là những thông tin được quan tâm 24h qua.
Mua đất nền sau cơn sốt đất còn an toàn?
Nhiều nhà đầu tư (NĐT) chung câu hỏi: Liệu cơn sốt đất đi qua, tiếp tục đầu tư vào đất nền còn an toàn, hay sẽ có đợt xuống giá khi mà đang khá nhiều người “mắc kẹt” muốn bán ra?
Chia sẻ về câu chuyện, sốt đất thật hay ảo, ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D DKRA Vietnam cho hay, không khó để phân biệt sốt thật hay sốt ảo trên thị trường bất động sản.
Sốt ảo, chủ yếu xuất phát từ tin đồn, biên độ tăng giá khủng khiếp trong thời gian ngắn, nhu cầu sử dụng đất không có, đa số đến từ nhu cầu đầu cơ. Sốt ảo dựa vào các thông tin về hạ tầng, quy hoạch, siêu dự án nhưng chưa được kiếm chứng chính xác. Đó là thị trường của một nhóm nhà đầu cơ lợi dụng thông tin để tạo tâm lý đám đông. Sốt nhưng giao dịch, thanh khoản dự án lại là dấu chấm hỏi, đa số là lướt cọc, thời gian sốt nhanh và xuống cũng nhanh (khoảng 3 - 5 tuần), tuy vậy hậu quả của cơn sốt có thể kéo dài vài năm sau, hệ luỵ cho những người ở lại sau.
Khi được hỏi, sau cơn sốt, liệu đất nền còn là mảnh đất màu mỡ cho NĐT, ông Võ Hồng Thắng cho rằng, đất nền vẫn là phân khúc được nhiều NĐT lựa chọn từ trước đến nay. Không thể phủ nhận loại hình này đem lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với các phân khúc khác.
Tuy vậy, việc đầu tư đất nền trong bối cảnh tình hình khó khăn như này, NĐT cần xác định rõ là chiến lược đầu tư trung dài hạn, rất khó để lướt sóng lúc này. Khi dịch bùng phát như hiện nay, mặt bằng giá bất động sản cũng đã tăng cao, để sinh lợi thì NĐT phải đầu tư từ 3 - 5 năm.
Sửa đổi Luật Đất đai để giải câu chuyện tồn tại bất cập trong định giá đất
Giá đất là một trong những nội dung quan trọng bậc nhất của Luật Đất đai. Giải quyết được cơ chế định giá đất thì các quy định khác của Luật Đất đai sẽ được xử lý dễ dàng và thuận lợi. Tuy Luật Đất đai 2013 có nhiều tiến bộ so với Luật Đất đai 2003, đã tiếp cận và thể hiện đầy đủ vấn đề về tài chính đất đai theo cơ chế thị trường, nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và đảm bảo ổn định xã hội; đồng thời phù hợp với quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, sau 5 năm thi hành trong điều kiện quyền sử dụng đất trở thành một loại hàng hóa khá đặc biệt trong nền kinh tế thị trường và do những khiếm khuyết của bản thân Luật nên đã xuất hiện một số bất cập, trong đó lớn nhất là giá đất.
Để nâng cao năng lực quản lý đất đai về giá đất, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách về giá đất góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập với kinh tế thế giới. Giải pháp cho vấn đề định giá đất là phải vừa sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, vừa sửa đổi, bổ sung các Nghị định đã ban hành, đồng thời xây dựng các Nghị định, Thông tư mới cho những việc chưa được hướng dẫn thi hành. Nhanh chóng khắc phục tình trạng mâu thuẫn của Luật và văn bản dưới Luật. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần rà soát các Nghị định, Thông tư, đối chiếu với văn bản Luật để sửa đổi, bổ sung cho nhất quán và phù hợp với thực tiễn để việc thi hành Luật được nghiêm túc, đúng đắn hơn.
Khi định giá đất (cho đất bị thu hồi) phải có sự thỏa thuận của bên có đất bị thu hồi, tức là người có đất bị thu hồi phải là một bên trong quy trình định giá đất. Trường hợp không thỏa thuận được thì người bị thu hồi đất có quyền yêu cầu cơ quan thẩm định giá độc lập thẩm định lại. Giá đất được xác định phải dựa trên sự thỏa thuận với người sử dụng đất; trường hợp không thỏa thuận được về giá thì người bị thu hồi đất có quyền yêu cầu cơ quan thẩm định giá xác định giá, giá bất động sản xác định theo giá của cơ quan thẩm định giá đưa ra. Trường hợp một bên không đồng ý với giá của cơ quan thẩm định giá đưa ra có quyền yêu cầu tổ chức khác thẩm định lại giá, giá của cơ quan tổ chức đưa ra là giá để tính đền bù. Nếu các bên không thỏa thuận được có thể đưa ra tòa xem xét để phán quyết.
Doanh nghiệp địa ốc vừa làm vừa “hóng” dịch
Dịch bệnh Covid-19 quay trở lại đúng thời điểm các doanh nghiệp bất động sản đang tập trung giới thiệu sản phẩm ra thị trường sau quý I mang tính khởi động. Tuy không quá bất ngờ, nhưng thực tế này cũng khiến doanh nghiệp phải thay đổi “kịch bản”.
Đơn cử, Thắng Lợi Group có kế hoạch giới thiệu giai đoạn 2 dự án The Sol City tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, Long An vào đầu tháng 5 này. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trở lại buộc doanh nghiệp này phải lùi kế hoạch sang cuối tháng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cho biết, Công ty phải cân nhắc lại việc tung ra thị trường sản phẩm mới bởi sức mua giảm. Dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý khách hàng, khiến họ dè dặt xuống tiền.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc có dự án nghỉ dưỡng triển khai tại Phan Thiết cũng cho hay, theo kế hoạch, giữa tháng 5 này doanh nghiệp sẽ tổ chức sự kiện bán hàng tập trung cho dự án căn hộ nghỉ dưỡng tại Phan Thiết. Để chuẩn bị cho đợt mở bán này, doanh nghiệp đã “chạy” chương trình từ cuối tháng 4. Chi phí bỏ ra để quảng bá bán hàng mấy tỷ đồng mà dịch bỗng bùng phát trở lại, ban lãnh đạo doanh nghiệp phải hủy sự kiện, dời sang giai đoạn sau dịch (có thể là tháng 6 hoặc tháng 7/2021).
“Hủy bán hàng đồng nghĩa với tất cả các chi phí bỏ ra để phục vụ công tác truyền thông trước đó xem như đổ sông đổ bể, công sức của cả một ekip và thiệt hại về tài chính là không nhỏ. Sau khi hết dịch mà mở bán trở lại, chúng tôi vẫn phải bỏ kinh phí chạy truyền thông từ đầu, tức là chi phí sẽ bị đội lên gấp đôi, nhưng không thể làm gì khác hơn”, vị lãnh đạo trên nói.
Theo một số chuyên gia trong ngành, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, bất động sản là một trong những thị trường chịu thiệt nhiều nhất, bởi đây là sản phẩm đặc thù, tâm lý khách hàng là phải “mục sở thị” sản phẩm, rồi mới quyết định có xuống tiền hay không. Do đó, khi khó tiếp cận khách hàng thì việc bán hàng cũng trở nên khó khăn hơn.
Hậu sốt đất: Nhà đầu tư sẽ cân nhắc điều chỉnh lại dòng tiền
Theo dữ liệu vừa được Batdongsan.com.vn mới công bố, cơn sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt, lượng tin đăng bất động sản (đại diện cho nguồn cung) có xu hướng giữ ổn định, thậm chí tăng nhẹ ở một số loại hình. Ngược lại, lượng quan tâm (đại diện cho nguồn cầu) giảm khá mạnh ở hầu hết các loại hình và khu vực so với tháng 3/2021.
Cụ thể, sau khi đạt đỉnh về mức độ quan tâm đối với bất động sản trong tháng 3, thị trường đã có sự điều chỉnh trong tháng 4. Theo đó, nhu cầu tìm kiếm toàn thị trường trong tháng 4 giảm 18% và lượng tin đăng giảm 1% so với tháng 3. Trong đó, đất nền là phân khúc ghi nhận sức mua giảm nhiều nhất với gần 21%.
Sau khi sốt đất hạ nhiệt, các nhà đầu tư cần chờ thị trường tự điều chỉnh đến một ngưỡng giá hợp lý, họ cũng xem xét lại các khoản mục đầu tư, có thể vừa để sử dụng khai thác, vừa có thể gia tăng giá trị.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Muôn kiểu lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép
Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang rộ lên tình trạng lấn chiếm, bao chiếm đất trái phép trên nhiều địa phương, đặc biệt là đất công.
Báo cáo của nhiều địa phương như huyện Xuyên Mộc, huyện Long Điền và thành phố Vũng Tàu đều cho thấy, tình trạng lấn chiếm đất, đặc biệt là đất công.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa xử phạt 600 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Thanh Trung vì có hành vi chiếm đất tại khu vực đô thị với diện tích gần 6.900m2, ở thửa đất số 15, tờ bản đồ số 41 tại hẻm 54, đường Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý.
Trước đó, tại TP. Vũng Tàu, dự án khu tái định cư 10ha nằm trong diện tích 58ha được thành phố triển khai thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng từ lâu. Do diện tích đất rộng, không có tường bao bảo vệ cộng với sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng nên 28 hộ dân, cá nhân lấn chiếm (diện tích gần 3.000m2), xây nhà ở từ năm 2005 và diễn ra trong một thời gian dài. TP. Vũng Tàu nhiều lần đối thoại, yêu cầu người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, đồng thời thành phố kiên quyết xử lý thu hồi, cưỡng chế.
Bên cạnh khu đất này, chính quyền UBND TP. Vũng Tàu cũng đã phát hiện nhiều vụ việc, có những vụ việc có quá trình bao chiến với thời gian khá dài, dẫn đến khiếu kiện như vụ việc tại số 1B Hạ Long, phường 2 khoảng 2ha; vụ ông Trần Trọng Phu tại phường 8, khoảng 4.000m2…