Bất động sản 24h: Phân khúc nào sẽ “khuấy động” thị trường địa ốc sau Tết Tân Sửu?
Phân khúc nào sẽ “khuấy động” thị trường địa ốc sau Tết Tân Sửu?; Chính sách tín dụng “nới” hay “siết” trong năm 2021?... là những thông tin đang được quan tâm.
Phân khúc nào sẽ “khuấy động” thị trường địa ốc sau Tết Tân Sửu?
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và con đường phục hồi sẽ không bằng phẳng, song, các chuyên gia cho rằng, thị trường địa ốc sẽ tiếp tục là tâm điểm đầu tư sau Tết Tân Sửu.
Trong đó theo CBRE Việt Nam, nhìn rộng hơn về các tỉnh lân cận, nguồn cung khan hiếm tại TP.HCM sẽ buộc người mua tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Các thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, trở thành các "điểm nóng" của thị trường bất động sản phía Nam.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, những năm trước, TP.HCM phát triển mạnh do nguồn cung, hạ tầng phát triển thì những thị trường lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương… hơi mờ nhạt.
Hiện nay tại TP.HCM với sự khó khăn về nguồn cung, vấn đề pháp lý liên quan đến khả năng phát triển dự án của các chủ đầu tư thì sẽ có sự dịch chuyển. Nơi nào có quỹ đất tốt, nhu cầu khách hàng có, có khả năng bán hàng thì chủ đầu tư sẽ đầu tư vào.
Chính sách tín dụng “nới” hay “siết” trong năm 2021?
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến tháng 12/2020, ước tính dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 9,97% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản năm 2002 tăng thấp hơn nhiều so với năm 2019 và năm 2018 với con số tương ứng là 21,53% và 26,76%.
Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng tương đương năm 2019, nhưng tín dụng tiêu dùng bất động sản của cá nhân giảm mạnh. Cụ thể, tính đến tháng 12/2020, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 13%, cao hơn so với năm 2019 (12,87%). Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 8,4%. Con số này cho thấy, tốc độ tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng bất động sản thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 (26,32%).
Nguyên nhân của việc tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm mạnh đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp giảm. Mặt khác, chính sách kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay bất động sản cũng tác động đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.
Tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 35% tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản, tăng nhẹ so với năm 2019 nhưng giảm mạnh so với năm 2017 (45,63%) và năm 2018 (35,49%).
Về chất lượng tín dụng bất động sản, tỷ lệ nợ xấu ước đến tháng 12/2020 khoảng 1,85% dù tăng so với tháng 12/2018 (1,58%) nhưng giảm so với năm 2017 (2,48%) và năm 2018 (1,95%).
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, cơ cấu tín dụng bất động sản đã được điều chỉnh theo hướng tập trung chủ yếu phục vụ nhu cầu về nhà ở của người dân, tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng.
TP.HCM: Đưa nhà ở bình dân quay lại thị trường bất động sản năm 2021
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, trong năm 2020, có tổng cộng 31 dự án đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 16.895 căn nhà (trong đó có 15.275 căn hộ, 1.617 căn nhà thấp tầng và 3 căn biệt thự), tổng giá trị cần huy động vốn là 66.674 tỷ động. Trong đó, 7.114 căn phân khúc cao cấp (chiếm 42,1%), 9.618 căn phân khúc trung cấp (chiếm 56,9%) và 163 căn phân khúc bình dân (chiếm tỷ lệ 1%).
Như vậy, so với nguồn cung nhà ở năm 2019, tổng số dự án nhà ở đưa ra thị trường năm 2020 giảm 34% so với năm ngoái, tổng số căn nhà giảm 30,4%, trong đó phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) giảm tới 98,7%.
Từ số liệu này, Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định, trong năm 2020, Thành phố tiếp tục bị thiếu hụt nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội (NƠXH). Điều này làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân có thu nhập trung bình… Đồng thời, đáng quan ngại về dấu hiệu biểu hiện thừa nguồn cung của phân khúc nhà ở cao cấp.
Đầu năm, bỏ vốn vào đâu sẽ sinh lời?
Diễn tiến khó lường của dịch Covid-19 và làn sóng bùng phát trở lại đã khiến gu bỏ vốn của các nhà đầu tư thay đổi. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ không còn hấp dẫn do tác động mạnh từ dịch.
Thực tế, năm 2020 đã khiến các nhà đầu tư nhận thấy, phân khúc từng làm mưa làm gió một thời không chỉ gặp rủi ro về pháp lý mà còn chịu ảnh hưởng bởi biến cố bên ngoài. Đã không ít nhà đầu tư buộc phải chôn vốn trong bất động sản nghỉ dưỡng.
Trong khi đó, bất động sản công nghiệp cũng chịu tác động không nhỏ khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Chính sách đóng cửa của nhiều quốc gia và đặc biệt sự bùng phát trở lại dịch bệnh tại Việt Nam khiến nhà đầu tư cẩn trọng với dòng sản phẩm này.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đất thổ cư là phân khúc ít chịu tác động của dịch Covid-19. Điều này đồng nghĩa với tính ổn định của một sản phẩm đầu tư trong mắt các nhà kinh doanh.
Phú Yên - Điểm đến mới, sôi động của giới bất động sản
Từ năm 2019 đến nay, nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn đã “đổ xô” đến Phú Yên, một tỉnh duyên hải miền Trung, để đầu tư các dự án bất động sản cao cấp.
Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Thế - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên về tiềm năng, lợi thế phát triển bất động sản tại địa phương này.
"Có thể nói từ năm 2019 đến nay, Phú Yên là một trong những điểm đến của giới đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn như Vingroup, APEC Group, Đất Xanh Miền Trung đã triển khai đầu tư tại Phú Yên. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng đã quan tâm và triển khai các dự án nhà ở như Tổ hợp căn hộ khách sạn và trung tâm thương mại Apec Mandala Grand Phú Yên, dự án Nhà ở xã hội Nam Hùng Vương, tòa nhà hỗn hợp The Light Phú Yên, khu thương mại - dịch vụ và shophouse tại đại lộ Hùng Vương, khu nhà ở phía Đông đường Hùng Vương, khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại khu đất phía Nam đường Quy hoạch N3, khu công trình hỗn hợp 77 - 79 Nguyễn Du, khu dân cư Phố chợ Hòa Vinh, khu đô thị mới Ánh Dương…" , ông Trần Hữu Thế chia sẻ.