Bất động sản 24h: TP.HCM - Nhà giá rẻ đã 'tuyệt chủng'
TP.HCM: Nhà giá rẻ đã tuyệt chủng; Cơn sốt đi qua, cò đất tháo chạy: Kẻ ôm bom cuối cùng lãnh đủ; Vì sao các chuyên gia kỳ vọng vào sự tích cực của thị trường bất động sản 2021... là những tin tức đáng chú ý 24h qua
Bất động sản TP.HCM: Nhà giá rẻ đã "tuyệt chủng"
Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy có sự lệch pha về các phân khúc nhà ở. Trong số 3.000 căn hộ và nhà ở đủ điều kiện bán hình thành trong tương lai được xét duyệt trong tháng 2/2021, 100% căn nhà có giá bán trên 40 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ xét với một hộ gia đình cơ bản gồm vợ chồng và một con, diện tích phù hợp để sinh sống cần khoảng 50m2, số tiền để mua được căn nhà không dưới 2 tỷ đồng.
“Hơn 80% người dân cần nhà giá rẻ, nhưng thị trường nhóm nhà này đã không còn tồn tại”, Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá.
Nhìn vào con số này kết hợp với những số liệu thu thập được, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam nói rằng, căn hộ giá rẻ đã “biến mất” khỏi thị trường TP.HCM. Nguyên nhân, theo ông Hoàng là do chi phí đầu vào gồm giá đất, nhân công, pháp lý và thủ tục hành chính còn kéo dài; quỹ đất cho loại hình căn hộ giá rẻ cũng không còn nhiều. Kế đến, quy hoạch dành cho căn hộ bình dân, vừa túi tiền hiện nay chưa rõ ràng.
Một nguyên nhân khá quan trọng là thủ tục hành chính vẫn chưa được khơi thông, do vậy, khi mang câu hỏi “liệu có lượng hóa được thiệt hại trong thời gian dự án đình trệ vì tắc thủ tục” đặt lên bàn các chủ đầu tư, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu ngán ngẩm mà rằng, không một doanh nghiệp phát triển dự án nào tự tin nói rằng không sử dụng vốn vay, ngược lại, tỷ lệ vốn vay thường rất lớn, kèm theo đó là chi phí lãi vay cao. Nếu dự án càng kéo dài thì sản phẩm bất động sản sẽ không ngừng bị “đội vốn”.
Vì sao các chuyên gia kỳ vọng vào sự tích cực của thị trường bất động sản 2021?
Trải qua một năm đầy biến động của Covid-19, thị trường bất động sản vẫn được các chuyên gia nhận định sẽ có sự chuyển động theo chiều hướng lạc quan. Dự báo này dựa trên bối cảnh tích cực của nền kinh tế Việt Nam và quỹ đạo chuyển động của lĩnh vực bất động sản.
Phát biểu tại toạ đàm “Triển vọng thị trường bất động sản 2021”, PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: "Nếu tham chiếu thang đo sức khỏe thì thị trường bất động sản hiện ở mức A đến A+”. Vị chuyên gia này cho biết thêm: “Rõ ràng, với tình hình thực tế, Việt Nam vẫn là quốc gia hết sức thuận lợi trong mọi mặt. Việc thực hiện chính sách thay đổi toàn diện rất tốt cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Trong đó, bất động sản rất thuận lợi bởi 2021 là năm đầu của kế hoạch. Việc phê duyệt hàng loạt dự án hạ tầng có tính chất thúc đẩy vô cùng lớn đối với bất động sản”.
Nhận định này được đưa ra dựa trên các yếu tố tích cực ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Theo ông Chung, sau một năm gánh chịu thiệt hại của cơn bão Covid-19, từ năm nay, thế giới bước từ giai đoạn phòng thủ sang cầm cự và tấn công trực diện vào cơn bão này. Kế hoạch triển khai vaccine đang được đẩy mạnh trên toàn thế giới; các gói cứu trợ được sự đồng thuận cao tại các quốc gia; quan hệ giữa các cường quốc có dấu hiệu cải thiện, dòng dịch chuyển vốn đầu tư trên toàn cầu đang diễn biến theo hướng có lợi cho Việt Nam. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều yếu tố tích cực xuất hiện nhờ chính sách, phản ứng và liệu pháp đúng quỹ đạo.
Năm 2021, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chiến lược chuyển dịch về địa phương
Năm 2020 đã kết thúc với ghi nhận về sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản địa phương. Cùng với đó là việc hàng loạt ông lớn của giới bất động sản đã dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ khu vực trung tâm ra các vùng giáp ranh hoặc các địa phương lân cận để đầu tư các dự án lớn.
Bên cạnh đó, quỹ đất khan hiếm, tắc nghẽn pháp lý và tác động của dịch bệnh là các yếu tố khiến nguồn cung khu vực trung tâm sụt giảm, các doanh nghiệp gặp khó, buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh, thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người mua.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, thời gian gần đây bất động sản tại khu vực ven đô thị lớn, như Hà Nội có: Sơn Tây, Đông Anh, Thạch Thất, Hoài Đức... các địa phương như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình...; TP.HCM gồm các huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, thậm chí là Hóc Môn, Củ Chi và các địa phương lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương... thị trường bất động sản hoạt động tương đối sôi nổi.
Theo ghi nhận từ đơn vị này, nhiều doanh nghiệp mở rộng kế hoạch triển khai dự án mới sang vùng ven và các địa phương lân cận, các nhà đầu tư cá nhân cũng chuyển hướng đầu tư đã khiến giá bất động sản tại những khu vực này tăng chóng mặt trong thời gian gần đây, mức tăng bình quân từ 20 - 30%, thậm chí có điểm sốt nóng tăng gấp 2 - 3 lần.
Cơn sốt đi qua, cò đất tháo chạy: Kẻ "ôm bom" cuối cùng lãnh đủ
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương. Giá đất tăng tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Thậm chí, còn xuất hiện hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật. Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện tượng đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau một tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã ra cảnh báo về hiện tượng này. Thị trường nhà đất đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Ở một số điểm nóng không còn cảnh mua bán nhộn nhịp, sang tay ồ ạt như trước, giá cũng đã có dấu hiệu chững lại. Nhiều dự báo cho rằng, sau cơn sốt đất "điên đảo" khắp cả nước, thời gian tới sẽ diễn ra tình trạng bán tháo, cắt lỗ ở phân khúc đất nền.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Savills Hà Nội, đánh giá, các khu vực có quy hoạch hoặc cơ sở hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện, thường là cơ sở để giá đất tăng. Các khu vực “ăn theo” hoặc chỉ tăng giá dựa trên thông tin chung, thì không nên được nhìn nhận là nguyên nhân thật sự dẫn đến hiện tượng tăng giá đất.
Sự tăng giá này chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực. Việc mua đi bán lại không đem lại kết quả cuối cùng, hoạt động mua đi bán lại diễn ra lúc chờ tăng giá như vậy sẽ không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường và rồi sẽ bị dừng lại, như những gì đã diễn ra trước đây.
Ông Nguyễn Minh Khang - Tổng giám đốc Công ty LDG Group - cho rằng, sau mỗi cơn sốt đất đều có bàn tay những nhóm cá mập tác động, tạo thị trường. Trong 100 người đua theo sốt đất thì 80 người “chết yểu”, chỉ tầm 20 người là thành công thoát ra.
Đón dòng vốn hàng chục tỷ USD, bất động sản Phú Mỹ tăng trưởng nóng
Phát triển cảng biển và khu công nghiệp được xem là thế mạnh của Phú Mỹ và là 2 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện trên địa bàn thị xã có 35 cảng, với tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó 21 cảng đã đi vào hoạt động.
Lợi thế cảng biển sẽ là yếu tố thúc đẩy các khu công nghiệp trên địa bàn, nhằm giảm tối đa chi phí logistics. Do đó, Phú Mỹ đã thu hút đầu tư vào 9 khu công nghiệp tập trung với 261 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 16,3 tỷ USD. Sự kết hợp giữa cảng biển và công nghiệp sẽ tạo đà cho địa phương này phát triển nhanh và bền vững trở thành thành phố cảng bậc nhất cả nước.
Theo ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Trường Phát Investment, sự phát triển của bất động sản vùng ven thường bắt đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm hoặc du lịch, khu công nghiệp. Rất hiếm khu vực có nhiều yếu tố hội tụ về nội lực và ngoại lực cộng hưởng như ở Phú Mỹ.
“Hiện tại, về nội lực thì công nghiệp và cảng biển đang là lợi thế của Phú Mỹ, kết hợp với ngoại lực là các dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, sân bay Long Thành đang từng bước triển khai theo lộ trình.Điều này tác động mạnh mẽ tới sự phát triển nền kinh tế của địa phương, tạo động lực tăng trưởng kép cho thị trường bất động sản”, ông Dũng nhận định.