Bất động sản công nghiệp đang hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư
Phân khúc bất động sản công nghiệp đang trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Một số doanh nghiệp lâu nay chuyên phát triển các dự án nhà ở đang âm thầm chuyển sang làm khu công nghiệp.
CapitaLand là một trong những nhà đầu tư nước ngoài khá thành công với nhiều dự án bất động sản nhà ở tại Việt Nam. Trong quý 1 vừa qua, CapitaLand Development (CLD) – nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand – đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, hai bên đã chia sẻ mối quan tâm chung với trọng tâm đẩy mạnh phát triển dự án khu đô thị – công nghiệp – logistics đầu tiên tại Việt Nam với tổng giá trị cam kết đầu tư 1 tỉ USD (khoảng 22,7 nghìn tỉ đồng).
CLD cho biết định hướng phát triển năm năm tới của doanh nghiệp là đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam thông qua việc thiết lập và triển khai các khối tài sản đa dạng, qua đó mở rộng danh mục đầu tư của tập đoàn sang các khối tài sản mới như trung tâm dữ liệu, logistics và khu công nghiệp.
Ông Jason Leow, Giám đốc điều hành của CLD, cho biết bên cạnh việc nắm bắt những cơ hội tiềm năng vào định hướng thực hiện thiết kế, quy hoạch và phát triển đô thị, tập đoàn sẽ tiếp tục khám phá thêm các cơ hội đầu tư vào khối tài sản nền kinh tế mới như cơ sở logistics, trung tâm dữ liệu và khu công nghiệp.
Tương tự, một chủ đầu tư trong nước là Phát Đạt cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp theo mô hình mới và những đô thị công nghiệp có quy mô lớn. Doanh nghiệp này nhắm đến các địa phương đã có sẵn nhu cầu, cơ sở và lợi thế để phát triển khu công nghiệp như Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Gần đây, Phát Đạt mở rộng hướng tiếp cận đến khu vực phía Tây Nam Bộ.
Doanh nghiệp này vừa được tỉnh Đồng Tháp chấp thuận cho nghiên cứu đề xuất đầu tư 3 dự án, gồm Khu công nghiệp Cao Lãnh, Cao Lãnh II và Cao Lãnh III. Tổng quy mô cả 3 dự án khoảng 2.000ha, với mức đầu tư gần 15.000 tỉ đồng. Phát Đạt dự kiến khởi công giai đoạn 1 trong năm 2024 với quy mô 1.000 ha.
Trước đó, chủ đầu tư này cũng nghiên cứu đề xuất dự án Cụm công nghiệp Hàm Ninh (Phú Quốc). Dự án có diện tích hơn 59ha, được dự kiến khởi công vào năm 2023. Một dự án khác là Kho bãi tổng hợp – dịch vụ logistics Tài Tiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) có quy mô 24ha đang trong giai đoạn triển khai xây dựng.
Hay như Công ty DRH Holdings cũng chủ yếu được biết đến ở phân khúc nhà ở nhưng cũng không đứng ngoài cuộc. Cụ thể, theo ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT DRH Holdings cho biết, tiếp tục đẩy mạnh phát triển bất động sản công nghiệp thông qua các công ty con và công ty liên kết. Nguồn thu nhập từ bất động sản công nghiệp chưa dù đóng góp nhiều trong cơ cấu lợi nhuận của công ty trong giai đoạn 2022-2025.
Giới quan sát thị trường cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ấm trở lại, kế hoạch phát triển dự án bất động sản của các doanh nghiệp sôi động là điều dễ hiểu.
Lý giải về việc bất động sản công nghiệp đang rất nhộn nhịp, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, có nhiều lý do tạo nên sự hấp dẫn của ngành bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, đất công nghiệp ở nước ta có mức giá tương đối hợp lý, có nhiều nhà phát triển bất động sản uy tín cùng với chính sách pháp lý phù hợp.
Ngoài ra, có thể kể đến các yếu tố thuận lợi khác như dân cư, dân số lao động, chi phí nhân công, mạng lưới giao thông thuận tiện và khả năng tiếp cận các cảng và sân bay quốc tế, nhằm phục vụ việc xuất nhập khẩu thành phẩm và sản phẩm. Việc hoạch định chính sách một cách đúng đắn từ cấp trung ương đến địa phương cũng tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam.