Bất động sản ven khu công nghiệp có nhiều cơ hội “hốt bạc” trong năm 2022
Bất động sản ven khu công nghiệp được đánh giá là phân khúc tiềm năng để đầu tư nhờ tính bền vững và khả năng khai thác tốt, dù không tăng giá mạnh như biệt thự nghỉ dưỡng, nhà liền kề...
Đại dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản gánh chịu những tác động nặng nề. Nhiều phân khúc rơi vào cảnh đóng băng, tê liệt như bất động sản mặt bằng bán lẻ, bất động sản nghỉ dưỡng còn bất động sản công nghiệp lại là điểm sáng hiếm hoi của thị trường. Phân khúc này đã có tốc độ phát triển nhanh ngay từ quý I/2022, nhất là tại khu vực phía Bắc như: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn…
Nhận định về sự phát triển của bất động sản công nghiệp trong những năm gần đây và thời gian tới, tại talkshow mới đây, ông Huỳnh Phước Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo, Trường Đại học Kinh Tế TP.HCM cho biết: Thứ nhất, nhìn tổng thể, Việt Nam hiện có khoảng 380 khu công nghiệp với khoảng 120.000ha được sử dụng cho các khu công nghiệp này. Dự kiến trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 100.000ha để phục vụ cho các chiến lược phát triển công nghiệp trọng điểm. Như vậy, diện tích khu công nghiệp hiện tại còn đang khiêm tốn.
Thứ hai, trước khi Covid-19 xuất hiện, có sự dịch chuyển đầu tư từ các doanh nghiệp ở Trung Quốc và một số nền kinh tế sang tìm kiếm một số khu vực, khu công nghiệp phù hợp, có nền tảng chi phí đầu vào cũng như chi phí phù hợp sản xuất.
Do đó, trong 3 năm qua, Việt Nam đón đầu sự dịch chuyển này. Trước năm 2016, tỷ lệ lấp đầy trong khoảng 55 - 60%, nhưng 3 năm qua, tỷ lệ lấp đầy lên đến 75 - 80%, thậm chí có những tỉnh lấp đầy hoàn toàn.
Thứ ba, Việt Nam hiện nay có chiến lược phát triển khu công nghiệp, đặc biệt phát triển khu công nghiệp theo khuynh hướng mới như: Công nghiệp đô thị, khu công nghiệp gắn liền với sinh thái… Những xu hướng, loại hình khu công nghiệp nói chung như vậy đang được xem xét đầu tư ở những khu vực mới trong các thành phố hoặc khu có tiềm năng phát triển công nghiệp. Chính điều này tiệm cận với xu hướng phát triển công nghiệp thế giới.
Thứ tư, Việt Nam có những điều kiện nền tảng để phát triển khu công nghiệp, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong điều kiện phát triển kinh tế. Các khía cạnh như chi phí, kết nối đô thị, kết nối hạ tầng hay những điều chỉnh về quy mô dịch vụ khu công nghiệp… có những chuyển biến tích cực tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ năm là việc tái cấu trúc các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam để thu hút FDI. Việt Nam ưu tiên và kêu gọi đầu tư những loại hình công nghiệp, công nghiệp mới ít hại môi trường hơn, công nghiệp khuyến khích phát triển chuỗi giá trị và hệ sinh thái.
Những điểm trên làm cho bức tranh phát triển khu công nghiệp Việt Nam trong 2 năm qua trở nên hấp dẫn. Dự báo 5 - 10 năm tới, bất động sản công nghiệp vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Văn Mười - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Kim Thịnh Phát cũng cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển sang các nước lân cận. Đặc biệt, Việt Nam là nước có lợi thế lớn trong thu hút các chuỗi cung ứng, những nhà máy công nghiệp lớn.
Giai đoạn vừa qua, các loại hình bất động sản như biệt thự nghỉ dưỡng, liền kề hay đất nền phân lô đã phát triển rất mạnh. Giá trị nhiều nơi đã tăng 3 - 5 lần, thậm chí có những khu vực giá trị bất động sản đã tăng lên tới 10 lần. Từ giai đoạn 2013 - 2019, thị trường trải qua quãng thời gian phát triển tốt, nhưng từ sau 2019 đã có xu hướng chậm lại. Dịch Covid-19 trong 2 năm gần đây đã khiến nhiều phân khúc, thị trường tiếp tục bị chậm lại.
Ông Mười cho rằng, thị trường cần một làn sóng mới. Những bất động sản “ăn” theo các khu công nghiệp trở thành hướng đầu tư mới. Các ông lớn đổ tiền vào bất động sản công nghiệp kéo theo các nhà máy, công xưởng, người lao động đổ về làm việc. Nhu cầu về bất động sản an cư, kinh doanh gần khu công nghiệp tăng mạnh. Ông Mười khẳng định, làn sóng đầu tư bất động sản vùng ven và bất động sản ven khu công nghiệp sẽ trở thành xu hướng, phát triển mạnh trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư sẽ thắng lớn nếu chọn được sản phẩm tốt tại đây.
Để đầu tư hiệu quả, tránh rủi ro, ông Mười cho biết: “Nhà đầu tư tham gia vào phân khúc này phải lưu ý đến vấn đề pháp lý, quy hoạch. Hiện nay, nhà đầu tư đã có những trang xem được thông tin quy hoạch, biết được vị trí một khu đất đang nằm trong, nằm ngoài hay nằm giáp ranh khu công nghiệp hoặc đến sở, phòng tài nguyên và môi trường kiểm tra”.
Theo ông, có 3 giai đoạn để đầu tư bất động sản ven khu công nghiệp. Giai đoạn mới triển khai khi vừa có thông tin về dự án, rủi ro nhiều nhưng sinh lời cao. Giai đoạn này dễ xảy ra sốt đất, minh chứng là năm 2021 đã xảy ra cơn sốt đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu theo thông tin một tập đoàn bất động sản lớn mở một nhà máy tại đây. Nhà đầu cơ tận dụng cơ hội đó để lướt sóng, có người kiếm được rất nhiều tiền nhưng cũng có những nhà đầu tư bị kẹt trong cơn bùng nổ.
Giai đoạn triển khai, thông tin pháp lý đã hoàn chỉnh, các khu công nghiệp đã định hình, quy hoạch. Nhà đầu tư bắt đầu thi công nhà xưởng, mời nhà máy về hợp tác. Trong giai đoạn này, giá tăng tốt nhất, tính thanh khoản tốt, thời điểm đó dễ mua bán, sinh lời.
Giai đoạn thông tin minh bạch, nhà xưởng hoàn chỉnh, nhà đầu tư lưu ý đây không còn là thời điểm đầu tư lãi vốn nữa mà là đầu tư dòng tiền. Nhà đầu tư có thể chọn mặt bằng vị trí đắc địa để kinh doanh nhà trọ, quán ăn, dịch vụ cho công nhân, chuyên gia.
Ông Mười nhấn mạnh: “Nhà đầu tư cần cân nhắc vào tiền thời điểm nào, ra thời điểm nào. Quan trọng là pháp lý, quy hoạch ra sao để có phương án đầu tư cụ thể cho cá nhân”./.