Bất động sản thế chấp tại ngân hàng biến động ra sao?

Theo nghiên cứu của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với tỷ lệ bất động sản thế chấp trong hệ thống ngân hàng lên tới 60-70%, nếu giá bất động sản giảm mạnh...

Giá bất động sản giảm mạnh ảnh hưởng tới các ngân hàng do tỷ lệ bất động sản thế chấp lớn

Theo báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chuyên gia phân tích cho rằng trong khi rất khó phân định nhu cầu thực và nhu cầu đầu cơ, các biện pháp kiểm soát tín dụng bất động sản (BĐS) sẽ tạo ra hệ lụy như nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt hay giá nhà đất tiếp tục tăng cao, kịch bản xấu hơn là đóng băng thị trường bất động sản.

Cơ cấu cho vay bất động sản.  
Cơ cấu cho vay bất động sản.  
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 - 7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%, giá đất nền tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020, đáng chú ý phân khúc đất nền tại một số tỉnh thành ghi nhận mức tăng 70-100%.

Sang quý 1/2022, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng khoảng 3% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tăng khoảng 5-10%, tại một số tỉnh và khu vực giáp ranh thành phố vẫn tiếp tục tăng 15-20% so với cuối năm 2021.

Nguyên nhân giá bất động sản tăng đến từ nhiều yếu tố nhu cầu nhà ở gia tăng trong bối cảnh nguồn cung nhà ở eo hẹp, môi trường lãi suất thấp, mới đây nữa là giá vật liệu xây dựng tăng cao và nhu cầu phòng vệ rủi ro lạm phát.

Hiện tại, bên cạnh việc nắn dòng tín dụng bất động đi cho đúng hướng, việc kiểm soát mạnh trái phiếu doanh nghiệp nói chung và của lĩnh vực bất động sản nói riêng cũng đang được chú ý. Việc huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp đối với lĩnh vực bất động sản đang bị đặt vào tình trạng khó khăn khiến doanh nghiệp bất động sản chùn bước.

Trong khi đó, theo số liệu của VDSC, xét ở khía cạnh nợ xấu, tổng nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống, tỷ lệ nợ xấu đối với riêng lĩnh vực này là 1,7% tại thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, 62% nợ xấu đến từ nhu cầu tiêu dùng mua nhà ở và 38% nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, rủi ro có lẽ không nằm ở con số thống kê nợ xấu mà ở chỗ tỷ lệ thế chấp bằng bất động sản trong hệ thống ngân hàng là rất lớn, lên đến 60-70%.

Vì vậy, hệ quả của giá bất động sản tăng cao bất hợp lý là khi giá giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng và mục tiêu ổn định vĩ mô nói chung.

Loạt nhà băng nào “ôm” lượng lớn bất động sản thế chấp

Bất động sản thế chấp luôn được các nhà băng ưu tiên nhận làm tài sản cầm cố, thế chấp hơn cả bởi đây là những tài sản có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu rõ ràng, ít hao mòn giá trị và khi phát sinh nợ xấu thì phát mãi có lợi hơn so với máy móc, hàng tồn kho hay giấy tờ có giá. Giá trị chuyển nhượng bất động sản thường tăng trong dài hạn do đặc tính khan hiếm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, tính đến cuối tháng 3/2022, lượng tài sản thế chấp tại nhà băng này đã vượt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, bất động sản thế chấp tại Vietcombank có giá trị gần 1,232 triệu tỷ đồng, tăng 6% và chiếm 73% tổng tài sản bảo đảm. Kéo theo tỷ lệ tài sản thế chấp/dự nợ cho vay của Vietcombank ở mức 163%, tương ứng cứ mỗi đồng cho vay được đảm bảo bởi 1,63 đồng tài sản thế chấp và riêng bất động sản thế chấp là 1,20 đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại Vietcombank.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại Vietcombank.  
Ngân hàng Techcombank cũng đang nắm giữ gần 859.298 tỷ đồng lượng tài sản thế chấp của khách hàng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, khối BĐS thế chấp gần 531.953 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% và chiếm 62% tổng tài sản thế chấp. Do đó, tỷ lệ tài sản thế chấp/dự nợ cho vay của Techcombank ở mức 235%. Tương ứng cứ mỗi đồng cho vay được đảm bảo bởi 2,35 đồng tài sản thế chấp và riêng bất động sản thế chấp là 1,45 đồng.

Một ngân hàng quy mô nhỏ hơn như VIB cũng ghi nhận tài sản thế chấp của khách hàng tính tới 31/3/2022 tăng nhẹ 4% lên hơn 496.428 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản thế chấp tăng 5% lên hơn 305.252 tỷ đồng.

Với dư nợ cho vay vào cuối tháng 3/2022 ở mức 214.119 tỷ đồng, bình quân mỗi đồng cho vay của VIB được đảm bảo bởi 2,32 đồng tài sản thế chấp, riêng bất động sản là 1,43 đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại VIB.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại VIB.  
Hay tại ngân hàng Agribank, tính đến cuối năm 2021, giá trị sổ sách các tài sản thế chấp tại ngân hàng mẹ Agribank đạt hơn 2,32 triệu tỷ, tương đương tăng hơn 262.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2020. Tổng giá trị tài sản thế chấp tại nhà băng này hiện cao hơn 77% so với số dư cho vay khách hàng cùng thời điểm.

Trong đó, riêng tài sản thế chấp là bất động sản tại Agribank đã có giá trị trên 2,01 triệu tỷ đồng, chiếm 87% tổng giá trị tài sản thế chấp và tăng gần 10% so với cuối năm 2020. Tốc độ tăng này còn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của Agribank năm 2021 (8%). Kéo theo tỷ lệ tài sản thế chấp/dự nợ cho vay của Agriabnk ở mức 174%, tương ứng cứ mỗi đồng cho vay được đảm bảo bởi 1,74 đồng tài sản thế chấp và riêng bất động sản thế chấp là 1,53 đồng.

Thực tế, việc nắm giữ nhiều bất động sản thế chấp cũng gây khó khăn cho ngân hàng khi thực hiện phát mãi do tính thanh khoản không cao và tồn tại nhiều rủi ro pháp lý cũng như sự đồng thuận của chủ tài sản.

Ngoài ra, không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi thanh lý, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát mãi tài sản là bất động sản để thu hồi nợ tuy nhiên các khoản nợ được rao bán nhiều lần kèm đại hạ giá mà vẫn chưa tìm được người mua.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ