Bất động sản Trung Quốc phủ bóng đen đến triển vọng kinh tế toàn cầu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc điều chỉnh thị trường nhà đất tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới tài chính cho các nhà phát triển và chất lượng tài sản sẽ bị suy giảm.

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Trung Quốc.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Trung Quốc.

MF cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay và 4,2% trong năm 2024, giảm so với mức 5,2% và 4,5% trong dự báo tháng 4 của IMF.

Báo cáo cho biết: “Tại Trung Quốc, quá trình phục hồi đang mất dần động lực, với các chỉ số quản lý mua hàng sản xuất giảm dần từ tháng 4 đến tháng 8 và các điều kiện trong lĩnh vực bất động sản ngày càng suy yếu”.

Báo cáo dự đoán rằng việc điều chỉnh thị trường nhà đất kéo dài ở Trung Quốc trong thời gian tới sẽ “gây ra căng thẳng tài chính lớn hơn cho các nhà phát triển bất động sản và chất lượng tài sản suy giảm nghiêm trọng hơn”.

Tác động của điều đó có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm tới 1,6% so với mức cơ sở vào năm 2025, trong khi GDP thế giới sẽ giảm 0,6% so với mức cơ sở.

Triển vọng năm 2023 của IMF đối với châu Á và Thái Bình Dương sáng sủa hơn, IMF gọi đây là "khu vực năng động nhất trong năm nay".

Cơ quan này duy trì dự báo tăng trưởng trước đó cho khu vực ở mức 4,6% vào năm 2023 và cho biết hoạt động kinh tế trong khu vực đang trên đà đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Tuy nhiên, tăng trưởng ở châu Á và Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn 4,2% trong năm 2024.

IMF kỳ vọng tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 3,9% trong trung hạn - mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua ngoại trừ năm 2020 - khi lĩnh vực bất động sản yếu kém của Trung Quốc và tăng trưởng năng suất yếu hơn ở nhiều nền kinh tế khác đè nặng lên tăng trưởng khu vực.

Giảm phát là một điểm sáng ở châu Á (ngoại trừ Nhật Bản), khi lạm phát dự kiến sẽ quay trở về đúng mục tiêu của các ngân hàng trung ương vào cuối năm tới.

Điều này đưa châu Á vượt lên trên phần còn lại của thế giới, nơi mà nhìn chung lạm phát sẽ không quay trở lại mức mục tiêu cho đến ít nhất là năm 2025”, tổ chức này cho biết.

Tuy nhiên, IMF cho biết thêm, các ngân hàng trung ương trong khu vực nên đề phòng việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm.

"Các ngân hàng trung ương nên thực hiện các chính sách để đảm bảo lạm phát ở mức phù hợp một cách lâu dài. Vì điều kiện tiền tệ thắt chặt có thể gây căng thẳng cho sự ổn định tài chính, việc tăng cường giám sát tài chính, giám sát thận trọng các rủi ro hệ thống và hiện đại hóa các khuôn khổ xử lý là rất quan trọng", IMF nhận định.

Khủng hoảng bất động sản, mây đen phủ bóng toàn cầu

Giảm phát dai dẳng ở Trung Quốc có thể lan sang các thị trường phát triển, thông qua sự mất giá của nhân dân tệ, tỷ lệ gia tăng giữa hàng tồn kho và doanh số làm giảm giá hàng Trung Quốc ở nước ngoài.

Theo chiến lược gia Maximilian Uleer và Carolin Raab của Deutsche Bank, bấp bênh về sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đã phủ một đám mây đen lên thị trường toàn cầu trong thời gian gần đây.

Các chuyên gia cho rằng cam kết của Chính phủ Trung Quốc về tăng cường kích cầu bằng chính sách tài khóa không đủ để xoa dịu những lo ngại ở châu Âu.

"Các công ty châu Âu phụ thuộc lớn vào nhu cầu ở Trung Quốc và kiếm khoảng 10% lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc. Chúng tôi vẫn tin rằng kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bình ổn trong quý cuối năm. Nhưng khả năng đó là chưa đủ. Chúng tôi vẫn đang chờ sự khởi sắc của các số liệu kinh tế Trung Quốc để có thể lạc quan hơn về thị trường tài chính", báo cáo của Deutsche Bank nhấn mạnh.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống