Bất động sản vùng ven TP Hồ Chí Minh vẫn sẽ hút nhà đầu tư?

Chia sẻ tại Hội thảo “Nhận diện lực đẩy phát triển thị trường BĐS vùng TP Hồ Chí Minh mở rộng năm 2021” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc R&D, DKRA Vietnam cho biết, bên cạnh yếu tố liên kết vùng, thị trường BĐS các tỉnh vệ tinh TP Hồ Chí Minh ngày càng chứng tỏ sức hút đến từ giá bán và tốc độ đô thị hóa.

 Bất động sản vùng ven TP Hồ Chí Minh vẫn sẽ hút nhà đầu tư? - Ảnh 1

Trong 3 năm qua thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang phát triển theo hình thức bổ trợ cho nhau. Giai đoạn 2019-2020, TP Hồ Chí Minh khan hiếm nguồn cung, BĐS các tỉnh vùng ven trở thành thị trường giao dịch chính với nguồn cung nở rộ. Không chỉ đơn giản là chào bán các dự án đất nền, nhà đất vệ tinh ngày càng mở rộng chuỗi sản phẩm mới như nhà phố/biệt thự và cả căn hộ. “Ăn ké” sức nóng của TP Hồ Chí Minh, giá và cả giao dịch BĐS vùng ven đều tăng nóng trong 2 năm vừa qua.

Ông Nguyễn Hoàng cho rằng, sức hấp dẫn đầu tiên mà thị trường vùng ven mang lại là yếu tố giá bán. Việc nguồn cung mới khan hiếm khiến giá BĐS tại TP Hồ Chí Minh tăng cao trong 5 năm qua, trong khi đó giá BĐS tại các tỉnh giáp ranh còn đang thấp, còn nhiều triển vọng phát triển, phù hợp cho doanh nghiệp triển khai xây dựng quỹ đất cũng như người mua nhà tầm tài chính có hạn muốn tìm kiếm chốn an cư. Ngoài ra sự phát triển của hạ tầng giao thông liên kết vùng cũng giữ vai trò quan trọng.

Ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc R&D, DKRA Vietnam.  
Ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc R&D, DKRA Vietnam.  

Việc phát triển loạt dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay quốc tế Long Thành, cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, Đường vành đai 3 – vành đai 4, các tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Cam Lâm, Dầu Giây – Đà Lạt, Biên Hòa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài, TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành… không đơn giản kéo giãn kết nối vùng tại các đô thị mới mà còn mang về cơ hội phát triển kinh tế cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho các thị trường vệ tinh. Nhu cầu nhà ở vì thế cũng gia tăng và tiềm năng đầu tư BĐS liên tục được củng cố.

Ngoài ra yếu tố giá đất mềm cũng giúp thị trường vùng ven trở thành thánh địa phù hợp phát triển các đại đô thị quy mô lớn. Các dự án lớn được ví như những con sếu đầu đàn, làm thay đổi không chỉ thị trường BĐS nhà ở hay du lịch nghỉ dưỡng mà còn làm cho thay đổi bộ mặt đô thị cũng như tác động đến từ hạ tầng giao thông đến các hoạt động kinh doanh kinh tế của địa phương.

Đồng quan điểm trên, Phó Cục trưởng Cục phó Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động, Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, xu hướng phát triển thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven TP Hồ Chí Minh sẽ ngày càng mạnh mẽ từ các yếu tố gồm; quy hoạch xây dựng vùng, sự phát triển của hệ thống giao thông liên kết, làn sóng phát triển BĐS công nghiệp đi cùng với hình thành hệ thống mạng lưới đô thị vùng đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động. Ngoài ra xu hướng di chuyển dân cư về đô thị vệ tinh trong thực trạng quỹ đất trung tâm đang dần thu hẹp, việc dịch chuyển dân cư về các khu vực vệ tinh là giải pháp tất yếu. Cuối cùng là chính sách khuyến khích của các địa phương, thời gian qua, các địa phương đã sử dụng nhiều chính sách để thu hút nhà đầu tư phát triển thị trường bất động sản như quy hoạch các quỹ đất, đấu giá đất lựa chọn nhà đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư…

Mặc dù có những tiềm năng triển vọng rất lớn, thị trường BĐS các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh cũng có không ít các thách thức cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Dù được quan tâm đầu tư nhưng hạ tầng giao thông kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vẫn chưa có nhiều cải thiện, hạ tầng nội bộ các tỉnh/địa phương cũng chưa có nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng phát triển dự án manh múm, yếu pháp lý, dự án ma, dự án sai phạm làm thiệt hại đến người mua, gây tâm lý thiếu thiện cảm với không ít nhà đầu tư. Ngoài ra, tâm lý lướt sóng của nhà đầu tư, tình trạng sốt đất ảo, giao dịch thị trường không bền vững theo trào lưu khiến giá nhà đất nhiều nơi tăng ảo, tăng nóng vượt quá khả năng của những người lao động, tạo ra hệ lụy không nhỏ cho doanh nghiệp và người mua nhà chân chính.

Để tháo gỡ những khó khăn này, bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông cho toàn vùng để việc liên kết được nhanh chóng và đồng bộ hơn, chính quyền cần khuyến khích phát triển các dự án khu đô thị lớn, triển khai bài bản chuyên nghiệp gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nhằm thực sự thu hút người dân về sinh sống thay vì chỉ phát triển phong trào, tạo thành những đô thị ma gây lãng phí.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển