Bát nháo khách sạn tự phong sao

Các cơ sở lưu trú tự phong sao, bán giá rẻ đang làm loạn giá cả dịch vụ lưu trú tại Nha Trang.

Thực trạng này nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, uy tín ngành du lịch Khánh Hòa.

Có ăn sáng là 3 sao!

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tỉnh Khánh Hòa có 97 khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3-5 sao. Tuy nhiên, trên thực tế, số khách sạn 3-5 sao tự phong tại tỉnh này nhiều vô kể.

Đơn cử, khách sạn T.A.N trên đường Hùng Vương vừa đi vào hoạt động đã tự giới thiệu "tiêu chuẩn 4 sao quốc tế". Khách sạn A.N.T quảng cáo 4 sao nhưng nằm trong hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật, chỉ có gần 65 phòng (trong khi 4 sao phải đạt tối thiểu 80 phòng). 

Một khách sạn khác tên G.O quảng cáo trên website đặt phòng là 3 sao nhưng chúng tôi đến nơi thì chỉ là một căn hộ du lịch nằm trong hẻm đường Trần Phú. Chị Hoàng Lê (du khách đến từ TP. Hà Nội) vừa bước ra khỏi khách sạn này cho biết đây thực chất là căn hộ du lịch với nội thất sơ sài; sau khi giao phòng, không có nhân viên đến dọn phòng, không có dịch vụ đi kèm.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Mai (du khách đến từ Huế) tham khảo trên mạng thấy phòng đẹp, vị trí thuận lợi, khách sạn quảng cáo 3 sao và giá giảm từ 800.000 đồng xuống còn 270.000 đồng, nên đặt phòng. "Đến nơi mới biết phòng rất nhỏ, chỉ đủ kê 1 giường, 1 tủ, nhà vệ sinh; ăn sáng thì tại phòng lễ tân. Chắc họ nghĩ cứ có ăn sáng là phong 3 sao!" - chị Mai ngao ngán.

Không chỉ khách sạn, ở Nha Trang còn có hàng loạt căn hộ du lịch cũng tự phong sao. Chung cư G. Hòn Chồng và MT.VT… quảng cáo đến 5 sao nhưng các dịch vụ đi kèm không đạt, quản lý hết sức lỏng lẻo, giá phòng niêm yết trên mạng từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng nhưng "giảm giá" chỉ còn 450.000 đồng/đêm.

Hay như khách sạn Bavico Nha Trang dù đã bị Tổng cục Du lịch thu hồi 4 sao nhưng vẫn quảng cáo và để biển 4 sao.

Ông Lê Văn Sơn (Chi hội trưởng Chi hội Khách sạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) cho biết việc các khách sạn tự phong sao cùng với sự ra đời của căn hộ du lịch/condotel quá nhiều trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn, làm méo mó môi trường du lịch. "Căn hộ nhỏ lẻ được các hộ kinh doanh cá thể gắn mác 4 - 5 sao và bán phá giá.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều đơn vị, cá nhân Trung Quốc, Hàn Quốc thuê khách sạn, tự kinh doanh dưới danh nghĩa Việt Nam… và làm ăn chụp giật khiến những người kinh doanh chân chính gặp nhiều khó khăn.

Cơ quan chức năng "bó tay"?

Theo Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, cơ quan này từng xử phạt một khách sạn trong hẻm đường Trần Phú 0 sao nhưng quảng cáo 3 sao và tính tiền giá 5 sao: 3 đêm giá gần 9,5 triệu đồng. "Sở dĩ chúng tôi phạt được khách sạn này là do du khách thấy phòng nhỏ, mọi thứ không tốt như giá thuê và không niêm yết giá nên phản ánh, cung cấp đầy đủ hóa đơn chứng từ, từ đó mới có căn cứ xử phạt. Những trường hợp khác rất khó để có căn cứ xử lý" - đại diện đơn vị này thông tin.

Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa thống kê đến hết tháng 6/2019, tỉnh có 773 cơ sở lưu trú với 42.475 phòng; trong đó có 26 cơ sở hạng 5 sao với 12.307 phòng, 23 cơ sở 4 sao với 3.702 phòng, 37 cơ sở hạng 3 sao với 2.911 phòng…

Theo Luật Du lịch sửa đổi 2017, các cơ sở lưu trú du lịch "chỉ được sử dụng từ "sao" hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú".

Việc xếp hạng sao khách sạn căn cứ vào các tiêu chí như: vị trí, kiến trúc, trang thiết bị tiện nghi, dịch vụ, người quản lý và nhân viên phục vụ, an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Đơn cử về số phòng, nhiều khách sạn khó đạt chuẩn vì 3 sao phải có trên 50 phòng, 4 sao có trên 80 phòng, 5 sao có hơn 100 phòng. Trong khi đó, chỉ riêng năm 2018, Khánh Hòa đã có khoảng 10.000 phòng mới xây dựng, do đó rất nhiều khách sạn cơ quan chức năng chưa thẩm định và xếp hạng lưu trú.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh - cho biết thời gian qua, Sở Du lịch đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó có quy định về việc quảng cáo hạng sao.

Sở cũng đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở lưu trú cố tình vi phạm trong việc tự ý gắn sao, dùng từ "sao" để quảng cáo chất lượng. Hành vi này có thể xếp vào dạng "quảng cáo sai sự thật", bị xử phạt 50 - 70 triệu đồng theo điều 51 Nghị định 158/2013 của Chính phủ (vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo).

Thanh tra Sở Du lịch đã tổ chức kiểm tra, xử lý một số trường hợp vi phạm trong việc tự ý phong sao. Tuy nhiên, việc kiểm tra xử lý vi phạm vẫn còn khó khăn do số lượng cơ sở lưu trú quá lớn.

Đặc biệt, đa số khách hàng đặt phòng qua website bán phòng trực tuyến như: booking.com, agoda.com… chủ khách sạn quảng cáo sai sự thật, khi bị phát hiện lại đổ lỗi cho các trang bán phòng trực tuyến

UBND tỉnh yêu cầu chấn chỉnh

Mới đây, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh du lịch trái phép, nhất là vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch trên biển, các cơ sở lưu trú không đủ điều kiện hoạt động, những hoạt động vi phạm pháp luật trong các khu phức hợp - khách sạn. Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cần làm việc với các doanh nghiệp về nâng cao chất lượng hoạt động, dịch vụ du lịch nhằm giữ vững và phát triển thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa...

 

Theo Kỳ Nam/ Người Lao Động

 

Tin liên quan