Bẫy tài chính bùng nổ, tiếng xấu dồn lên vai Fintech

Nhiều tổ chức lừa đảo đội lốt Fintech, thực hiện các hành vi huy động vốn trái phép, cho vay qua mạng phi pháp với lãi suất “cắt cổ” hoặc có hành vi chiếm đoạt tài sản. Các công ty Fintech phải chịu tiếng xấu không nhỏ, mất uy tín với người dùng.

Bùng nổ lừa đảo tài chính

Công nghệ phát triển mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng dịch vụ tài chính, trong đó việc giao dịch qua mạng ngày càng trở nên dễ dàng và phổ biến. Các hoạt động thanh toán, đầu tư, vay tiền,… đều có thể thực hiện trực tuyến qua mạng Internet nhờ việc đẩy mạnh phát triển tài chính số của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc dễ dàng giao dịch tài chính qua mạng cũng làm nở rộ các vụ lừa đảo tài chính. Có một thực tế rằng, các vụ lừa đảo xảy ra nhiều hơn trong thời kỳ kinh tế khó khăn, suy thoái hay thậm chí khủng hoảng.

Năm 2022 được coi là năm bùng nổ của lừa đảo tài chính. Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022 đã có hơn 12.935 nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến. Số cuộc lừa đảo trực tuyến ước tính tăng tới 44% so với năm 2021. Hai loại hình lừa đảo chính là đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Số liệu thực tế có thể nhiều hơn vì một phần không nhỏ nạn nhân không ra trình báo vì ngại các thủ tục hành chính, pháp lý.

Hai loại hình thức lừa đảo tài chính qua không gian mạng phổ biến có thể kể đến là lừa đảo đầu tư và lừa đảo cho vay. Đối với lừa đảo đầu tư, nhà đầu tư có thể bị chào mời đầu tư chứng khoán, đầu tư tiền ảo hay đầu tư các tài sản khác bởi những tên lừa đảo mạo danh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty Fintech. Với những lời giới thiệu như giao dịch T+1, T+0, thu lời ngay trong ngày, lợi nhuận hàng chục, hàng trăm phần trăm,… cùng các lời mời chèo kéo trên hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Telegram,.. nhiều nhà đầu tư đã tin tưởng và rót tiền vào các app đầu tư ảo.

Ban đầu, với số tiền đầu tư ít, nhà đầu tư có thể dễ dàng rút tiền về tài khoản. Nhưng sau đó, khi rót càng nhiều tiền vào app, bằng các chiêu trò như lỗi rút tiền, phải đóng thêm phí để rút tiền, sập app… nhà đầu tư mất trắng số tiền đầu tư, lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ, chục tỷ đồng.

Đối với lừa đảo cho vay, đối tượng lừa đảo thường giả mạo các app cho vay tiền online với lãi suất thấp và thủ tục dễ dàng, dưới hình thức cho vay tín chấp. Người vay tiền sẽ nhanh chóng sập bẫy ngay sau khi hoàn tất các thủ tục dễ dàng này, tuy nhiên để lấy được khoản tiền vay, họ sẽ phải ứng trước một phần tiền được gọi bằng nhiều cái tên như phí bảo hiểm, phí tư vấn, chi phí lãi vay,… Một số người sau đó sẽ không nhận được số tiền cần vay và mất trắng khoản phí trên, một số nhận được tiền nhưng sau khi tính toán các chi phí bị trừ thì lãi suất lên đến hàng chục, hàng trăm phần trăm, vượt quá mức quy định của pháp luật.

Bẫy tài chính bùng nổ, tiếng xấu dồn lên vai Fintech - Ảnh 1

Tiếng xấu dồn lên vai Fintech

Tại Việt Nam, các công ty Fintech hoạt động tập trung trong lĩnh vực thanh toán. Tuy nhiên, trên thực tế, Fintech bao gồm nhiều dịch vụ khác như gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng, tư vấn tài chính, tiền số crypto, quản trị dữ liệu, quản lý tài chính cá nhân, đầu tư tài chính. Các dịch vụ này của Fintech chưa thực sự phát triển tại Việt Nam, phần vì thiếu pháp lý, phần vì tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến các bẫy tài chính, lừa đảo tài chính.

Chẳng hạn như hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) và hoạt động đầu tư tài chính, nhiều tổ chức lừa đảo đã lợi dụng các hình thức này, đội lốt Fintech để thực hiện các hành vi huy động vốn trái phép, cho vay qua mạng phi pháp với lãi suất “cắt cổ”, hoặc có hành vi chiếm đoạt tài sản. Với sự bùng nổ của lừa đảo tài chính qua mạng, các công ty Fintech đã phải chịu tiếng xấu không nhỏ và mất uy tín với một lượng người dùng nhất định. Dù một số Fintech vẫn đang cung cấp hoạt động P2P Lending và đầu tư tài chính đúng nghĩa và chưa/không có dấu hiệu lừa đảo, tuy nhiên vẫn chưa có một hành lang pháp lý cho hoạt động này.

Được biết, những đề xuất đầu tiên về sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) cho Fintech tại Việt Nam được khởi động từ năm 2017. Tuy nhiên đến đầu năm 2020, các đề xuất xây dựng nghị định về sandbox cho Fintech mới được bàn đến. Năm 2021, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về sandbox cho Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Một số chuyên gia cho rằng nghị định này nên mở rộng sang các lĩnh vực khác, tuy nhiên việc xây dựng cơ chế này vẫn đang dừng lại ở bước dự thảo.

Chưa có cơ chế thử nghiệm, hành lang pháp lý, nhiều Fintech vẫn đang hoạt động mà chưa có sự can thiệp, quản lý của cơ quan chức năng. Mới đây, một số Fintech nổi tiếng tại Việt Nam như Tikop, Infina, Savenow hoạt động ở lĩnh vực quản lý tài chính cá nhân đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) gọi tên trong một khuyến cáo.

Cụ thể, cơ quan này cho biết trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch sử dụng công cụ truyền thông quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

UBCKNN nhấn mạnh, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Như vậy, việc thiếu hành lang pháp lý, cơ thế thử nghiệm không chỉ làm các Fintech thiếu căn cứ hoạt động mà còn thiếu sự bảo vệ cho người dùng. Việc ban hành các quy định để kiểm soát hoạt động của các Fintech có thể giúp loại bỏ những tổ chức lừa đảo đội lốt Fintech đang hoạt động phi pháp dưới nhiều hình thức, đồng thời mở đường cho Fintech chân chính phát triển, mang đến niềm tin nhất định cho người dùng.

Một bài học về thiếu sự kiểm soát của Chính phủ dễ thấy nhất là sự sụp đổ của thị trường P2P Lending tại Trung Quốc. Cụ thể, P2P Lending đã có giai đoạn phát triển vượt bậc tại Trung Quốc vào nhiều năm trước. Mô hình này chủ yếu phục vụ cho đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng tại quốc gia này.

Trong thời gian đầu, Chính phủ Trung Quốc không kiểm soát P2P Lending để tạo điều kiện cho hoạt động này phát triển. Tuy nhiên, do thiếu sự kiểm soát, P2P Lending biến tướng trở thành hình thức huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình đầu tư đa cấp. Sau khi thị trường P2P Lending sụp đổ với sự mất thanh khoản của hàng trăm doanh nghiệp, Chính phủ Trung Quốc mới ban hành các quy định chặt chẽ hơn cho hoạt động cho vay ngang hàng.

Ngọc Thu

Theo VietnamFinance