BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục “thăng hoa” ở Phú Quốc, Nam đảo trở thành tâm điểm đầu tư
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Phú Quốc: Đón vận hội – Dẫn lối thành công” do Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức vào ngày 10/1/2021.
Gần 20 tỷ USD được đổ vào Phú Quốc
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết Phú Quốc đã bị chậm một nhịp quan trọng trong nỗ lực trở thành trung tâm phát triển đẳng cấp cao khi không được chấp nhận quy chế đặc khu hành chính kinh tế.
“Nhưng điều đó không làm thay đổi “quỹ đạo định mệnh” của Phú Quốc khi thành phố này vượt bỏ lộ trình đô thị hóa tuần tự mà “đặc cách vượt cấp” từ huyện đảo – đô thị cấp thị trấn “tiến thẳng” lên đô thị loại 2 (năm 2014), tháng 12/2020, được công nhân là thành phố trực thuộc tỉnh. Nhờ vị thế đặc biệt, Phú Quốc có thêm danh hiệu – Thành phố đảo, khẳng định chức năng – đặc thù chưa từng có của một đô thị ở Việt Nam”, ông Thiên nhấn mạnh.
Ngoài ra, Nguyên viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng cho rằng Phú Quốc đang xây dựng thực lực với những “Đại bàng quốc tịch Việt”. Tính đến tháng 9-2020, Phú Quốc đã thu hút 276 dự án du lịch, trên diện tích gần 10.000 ha, tổng vốn gần 347.000 tỷ đồng (17-20 tỷ USD). Hiếm có địa phương, thậm chí tỉnh có năng lực thu hút đầu tư lớn nhất, có sức hấp dẫn đầu tư trong một thời gian ngắn mạnh như Phú Quốc.
Để làm được điều đó, Phú Quốc có năng lực thu hút những tập đoàn kinh tế hàng đầu để phát triển các dự án du lịch đẳng cấp cao. Những nhà đầu tư tầm cỡ đến Phú Quốc đều là các tập đoàn kinh tế tư nhân như Sun Group, Vingroup, Bim Group, CEO Group. Sự có mặt của các “sếu đầu đàn” như Sun Group, Vingroup với những cam kết đầu tư phát triển dài hạn, hướng tới đẳng cấp cao nhất, là điều kiện nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy Phú Quốc phát triển vượt trội trong giai đoạn tới.
Ông Thiên cũng cho rằng, để phát triển Phú Quốc trong tương lai Phú Quốc cần tháo gỡ các trói buộc, thay đổi các cơ chế, chính sách chung với lộ trình đi trước cho Phú Quốc trong nỗ lực thị trường hóa, hiện đại hóa thể chế và quản trị, chứ không phải “lập giang sơn riêng”, cho Phú Quốc “một mình, một ngựa”, gây méo mó hệ điều hành quốc gia.
“Đặc biệt, Phú Quốc cần định hình rõ hơn hệ thống khuyến khích các doanh nghiệp đầu đàn, những “con đại bàng Việt Nam” đến làm tổ và dựng nghiệp ở Phú Quốc, với những cam kết mạnh mẽ và xứng tầm”, ông Thiên nhấn mạnh.
Nam đảo Phú Quốc sẽ trở thành tâm điểm đầu tư BĐS
Tại hội thảo, KTS Hồ Thiệu Trị – TGĐ Công ty TNHH kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và Cộng sự đã trình bày tham luận đưa ra những định hướng quy hoạch phát triển cho khu vực này, tầm nhìn đến năm 2030 và 2050.
Theo đó, Nam đảo sẽ phát triển theo mô hình thành phố cảng, lấy Cảng hàng hóa quốc tế An Thới làm động lực phát triển kinh tế; tạo các khu vực tự do thương mại quốc tế, phi thuế quan; thung lũng công nghệ cao 4.0 làm tiền đề, động lực phát triển công nghệ và thành phố thông minh.
Đồng thời, tạo chuỗi các thành phố khác biệt với các tính chất riêng như thành phố khai phóng, thành phố nghệ thuật, thành phố văn hóa và lễ hội, thành phố sinh thái, thành phố thông minh, thành phố năng lượng.
KTS Hồ Thiệu Trị nhấn mạnh, Nam đảo có lợi thế tạo lập chuỗi các resort nghỉ dưỡng với tính chất khác biệt như khu đảo trong đảo siêu cao cấp, đảo Hòn Thơm với định vị trở thành một thương hiệu đảo tỷ phú. Nam Phú Quốc cũng rất phù hợp để quy hoạch trung tâm đô thị nén, mật độ cao với đa sắc thái và năng động 24/7, bên cạnh đó là một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Chia sẻ về bài toán phát triển đô thị bền vững khi Phú Quốc lên TP, bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh – Phó TGĐ thường trực Sun Property Group đề xuất, để vươn tới tầm vóc của những đô thị đảo quốc tế, Phú Quốc cần học hỏi hình mẫu đô thị thịnh vượng của Singapore – một quốc gia có tốc độ đô thị hóa kinh ngạc nhưng vẫn mang lại cho người dân cuộc sống chất lượng cao, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững.
Hiện Sun Group đã và đang làm việc với đơn vị quy hoạch để xây dựng cấu phần cần thiết phù hợp với chức năng đô thị phía Nam thành phố, gồm cả khu thấp tầng và cao tầng trong tương lai, các tổ hợp dịch vụ thương mại tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế ấn tượng… Mục tiêu đặt ra không chỉ đưa Nam đảo thành tâm điểm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí xứng tầm quốc tế mà còn đón đầu bước chuyển đổi lớn về quy mô dân số, cơ cấu kinh tế của Phú Quốc.
“Đầu tư kiến tạo một hệ sinh thái hoàn chỉnh, với những tính toán lâu dài về quy mô tăng dân số cũng như tăng trưởng du khách tại một đô thị du lịch như Nam Đảo, với những quy hoạch bài bản tầm cỡ quốc tế, đó là một hướng phát triển đô thị bền vững mà Sun Group đang theo đuổi tại Nam đảo” – bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh khẳng định.
Chia sẻ về chiến lược phát triển các đường bay đến đảo Ngọc giai đoạn tới, ông Vũ Nam Khánh – Phó trưởng Ban Chiến lược Vietnam Airlines, cho biết Vietnam Airlines sẽ mở rộng mạng bay kết nối Phú Quốc với các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam; phát triển các sản phẩm thuê chuyến tới Phú Quốc, đảm bảo sản phẩm từ Phú Quốc có thể nối chuyến tốt với các thị trường nguồn Châu u, Châu Á và Úc qua cửa ngõ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời từng bước xây dựng sân bay Phú Quốc trở thành căn cứ hàng không lớn của Việt Nam và trong khu vực.
Theo đại diện Vietnam Airline, riêng trong 2020, Phú Quốc vươn lên mạnh mẽ thành điểm du lịch biển thu hút khách nội địa thứ 2 ở Việt Nam, chỉ sau Đà Nẵng. Trong năm 2020, lượng khách du lịch bằng đường hàng không đến Phú Quốc không bị sụt giảm quá nhiều, trong khi Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn hay Tuy Hòa đều có sự sụt giảm.
“Chiến lược chung của Vietnam Airlines Group khi phát triển mạng đường bay tới Phú Quốc là tiếp tục mở rộng mạng đường bay, tăng tần suất cả quốc tế và nội địa trực tiếp tới Phú Quốc và xa hơn nữa là tiếp tục nghiên cứu biến Phú Quốc thành sân bay căn cứ của Vietnam Airlines để các tàu bay của Vietnam Airlines có thể đậu đỗ tại đây và khai thác trực tiếp từ đây tới các điểm nội địa và trên thế giới. Chúng tôi hy vọng Vietnam Airlines Group có thể xây “tổ đại bàng” ở Phú Quốc”, ông Vũ Nam Khánh nói.