BĐS tuần qua: Dồn lực làm nhà ở xã hội

Đề án xây nhà ở xã hội hạ mục tiêu xuống 1 triệu căn, nguồn vốn giảm 280.500 tỷ; tác động của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở giá rẻ.. là những thông tin về thị trường nhà ở xã hội được quan tâm nhất trong tuần.

Dồn lực làm nhà ở xã hội
Dồn lực làm nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần có cơ chế để huy động nguồn lực tư nhân làm nhà ở xã hội

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan tới sở hữu, sử dụng nhà chung cư và phát triển xã hội.

Thủ tướng và các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cần đánh giá tác động thật kỹ lưỡng vì luật có tác động rất lớn đến xã hội và toàn dân, liên quan đến quyền hiến định của người dân về quyền sở hữu nhà ở; chính sách phát triển nhà ở; hướng tới tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tế đang tồn tại;

Cùng với đó, cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai đang được sửa đổi; cải cách tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận, sở hữu, mua bán, chuyển nhượng nhà ở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các dự án, chuyển nhượng dự án cho phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt, Thủ tướng và các đại biểu yêu cầu cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về nhà ở, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, nhu cầu của từng địa phương, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Thủ tướng và các đại biểu, cần có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là áp dụng linh hoạt cơ chế hợp tác công tư, phát triển dịch vụ hạ tầng để góp phần thực hiện hiệu quả hơn, nhanh hơn đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030. (Xem thêm)

Đề án 'khủng' xây nhà ở xã hội: Hạ mục tiêu xuống 1 triệu căn, nguồn vốn giảm 280.500 tỷ

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo giải trình gửi Thủ tướng về tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ với đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ về tính khả thi của đề án, Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng điều chỉnh hạ mục tiêu đề án xuống còn 1.062.200 căn nhà ở xã hội, giảm 354.500 căn nhà ở xã hội so với đề xuất ban đầu. Trong đó giai đoạn 2021-2025, bộ đề xuất sẽ xây dựng khoảng 428.000 căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2025-2030 xây dựng 634.200 căn nhà ở xã hội.

Về nguồn vốn thực hiện, Bộ Xây dựng đề xuất giảm nguồn lực thực hiện xây dựng 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 xuống còn 849.500 tỷ đồng, giảm khoảng 280.500 tỷ đồng so với đề xuất ban đầu.

Để thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ bố trí gói vay ưu đãi 110.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 55.000 tỷ cho người mua nhà vay, 55.000 tỷ còn lại sẽ dành cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội vay. (Xem thêm)

Năm 2023, nhà ở xã hội sẽ ‘lên ngôi’?

Theo các chuyên gia, nhà ở vừa túi tiền, NƠXH sẽ được phát triển để khắc phục tình trạng lệch pha cung cầu, mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở như hiện nay.

“Việc tái thiết lại thị trường sẽ giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn. Quá trình tái cấu trúc để tránh nguy cơ bong bóng bất động sản có thể hình thành, đảm bảo sự phát triển phân khúc NƠXH, nhà ở giá rẻ”, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân nhận định, việc Chính phủ có những chính sách kịp thời cho dự án NƠXH sẽ giúp thị trường bất động sản TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung sớm hồi phục và phát triển bền vững.

“Bên cạnh sự quyết liệt tháo gỡ vướng mắc pháp lý, Chính phủ cần hỗ trợ thêm ưu đãi cho các chủ đầu tư dự án NƠXH như: cho phép được tự chủ kinh doanh, hưởng lợi nhuận từ khu vực thương mại của dự án; lợi nhuận thu được từ diện tích sàn NƠXH được tính toán linh động theo định mức… có như vậy sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư vào phân khúc bất động sản này”, TS Nhân cho biết thêm.

Nhà ở vừa túi tiền, NƠXH luôn được đa số người dân quan tâm trong suốt thời gian qua. Bởi vậy, sau những tín hiệu tích cực từ Chính phủ, từ năm 2023 trở đi sẽ được xem là cơ hội để phân khúc này chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường bất động sản. (Xem thêm)

‘Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở giá rẻ sẽ giúp rã băng bất động sản’

Một gói tín dụng riêng dành cho nhà ở xã hội được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin tại hội nghị về thị trường bất động sản ngày 17/2 đang nhận được sự quan tâm trong những ngày gần đây. Cụ thể, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã thống nhất dành một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. 

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty đầu tư bất động sản Việt An Hòa, chuyên gia bất động sản, nếu nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ này đúng, trúng đối tượng, đây sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường thời gian tới. Thị trường thứ cấp hiện đang khó khăn, tình trạng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản rất lớn, thế nhưng khi thị trường “ấm lên” từ một phân khúc nào đó sẽ kéo vực dậy hết toàn thị trường, dù hơi chậm.

"Tôi nghĩ sẽ chậm một nhịp từ 6-12 tháng, nghĩa là nếu năm nay chúng ta thực hiện gói tín dụng này đạt được hiệu quả, bước sang 2024, các phân khúc khác sẽ bắt đầu trở lại thị trường", ông nhận định. (Xem thêm)

GS Đặng Hùng Võ: 'Mở rộng hạn mức tín dụng BĐS sẽ vắt kiệt sức các ngân hàng'

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải cứu thị trường một hàng hóa nào đó trong cơ chế thị trường đều vô nghĩa.

Theo GS Đặng Hùng Võ, không ai nói phải giải cứu thị trường rau muống, cũng không ai nói phải giải cứu thị trường máy lạnh, dùng từ giải cứu trực tiếp cho thị trường bất động sản là không có nghĩa. Vấn đề của thị trường bất động sản là thiếu thanh khoản, doanh nghiệp không có năng lực tài chính để phát triển… cho nên đừng để lây sang làm hỏng thị trường tài chính, theo ông Võ.

“Khi đã tham gia thị trường thì dù lãi hay lỗ, những người người tham gia phải tự chịu trách nhiệm. Thị trường bất động sản được nhiều người quan tâm vì vay nhiều quá mà vay có thể không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng, trong đó tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô. Chính vì thế, khi thị trường có vấn đề mà gây tác động lớn tới các ngân hàng thì phải cảnh giác và ngăn chặn ngay”, vị giáo sư nói.

Về nguồn vốn, giáo sư cho rằng: "Đừng kêu gào mở rộng hạn mức tín dụng, đó là vô nghĩa. Bởi vì mở rộng hạn mức tín dụng có nghĩa là vắt kiệt sức các ngân hàng, khi đó kinh tế vĩ mô sẽ bị đe dọa. Giả sử nếu phía ngân hàng mở rộng hạn mức sẽ càng rủi ro, nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng".

Có thể thấy, thị trường bất động sản đang lâm vào tình trạng thiếu vốn, ngay cả thị trái phiếu cũng gặp nhiều vấn đề lớn như phát hành đến kỳ hạn, không thực hiện được nghĩa vụ tài chính với các trái chủ.

Do vậy, ông Đặng Hùng Võ hiến kế việc phê duyệt dự án nhanh, thuận lợi sẽ tạo ra một nguồn vốn từ bán bất động sản hình thành trong tương lai, một trong những nguồn vốn rất lớn để phát triển thị trường bất động sản. “Nếu không phê duyệt được dự án thì nguồn vốn sẽ tắt”, ông Võ nói. (Xem thêm)

Lệ Chi

Theo VietnamFinance