BĐS ven sông không còn là chuyện tương lai, mà là xu hướng đi cùng cơ hội
Phát triển đô thị ven sông là xu thế tất yếu, và đầu tư vào bất động sản ven sông không còn là chuyện của tương lai nữa mà là xu hướng mang lại nhiều cơ hội.
Phát triển đô thị ven sông là xu thế tất yếu, và đầu tư vào bất động sản ven sông không còn là chuyện của tương lai nữa mà là xu hướng mang lại nhiều cơ hội.
Tại buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề Thị trường bất động sản 2021: Dự báo xu hướng và cơ hội đầu tư do Reatimes tổ chức, các chuyên gia đã giải đáp hàng loạt câu hỏi và phần nào phác thảo một bức tranh rõ ràng hơn về thị trường năm 2020 cũng như những dự báo cho một năm 2021 được cho là nhiều cơ hội để thúc đẩy sự trỗi dậy của thị trường.
Đáng chú ý trong đó là câu hỏi của độc giả về cơ hội và triển vọng đầu tư, phát triển các khu đô thị ven sông ở Hà Nội trong năm 2021 và tương lai xa hơn.
Giải đáp băn khoăn ấy, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho hay: "Theo tôi, đó là xu thế tất yếu. Có hai lý do dẫn tới sự phát triển này. Thứ nhất, quỹ đất nội đô đang ngày càng cạn kiệt. Thứ hai, và đây cũng là lý do quan trọng dẫn tới xu hướng khu đô thị ven sông, đó chính là không gian sống trong các đô thị đang ngày càng chật hẹp, bức bối, cùng với cường độ làm việc và áp lực cuộc sống gia tăng sẽ khiến con người có xu hướng tìm đến với môi trường trong lành, tìm về với những không gian mở, sự yên tĩnh, gần gũi, thân thiện, hòa mình với thiên nhiên để lấy lại sự cân bằng; và yếu tố sông nước đáp ứng được tương đối đầy đủ nhu cầu này.
Do đó, đầu tư vào bất động sản ven sông không còn là chuyện của tương lai nữa mà là xu hướng mang lại nhiều cơ hội".
"Ở đây, môi trường có vai trò rất quan trọng, có thể nói là then chốt cho sự thành công của một dự án. Nó không chỉ là sự bảo vệ, thân thiện, hài hòa mà còn là làm sao phát huy được môi trường sông nước một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt ở Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng, yếu tố khí hậu chi phối rất nhiều đến việc khai thác lợi thế của các dòng sông. Dòng chảy, thủy văn của các con sông không điều hòa, thường là hung dữ vào mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô.
Vì vậy, việc khai thác và sử dụng dòng chảy các con sông giữa các mùa trong năm là không giống nhau. Các con sông lớn lại đều có đê điều bảo vệ. Đây có thể là lợi thế, cũng có thể là trở ngại cho việc phát huy yếu tố sông nước trong việc phát triển bất động sản ven sông", ông Doanh nhấn mạnh.
Với các yếu tố thuận lợi và khó khăn nêu trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản ven sông sẽ trở thành xu hướng trong tương lai gần. Còn thành công đến đâu phụ thuộc vào cái tâm và cái tầm của lãnh đạo chính quyền cũng như chủ đầu tư dự án.
Dự án Aqua City (trái) của Tập đoàn Novaland và Sunshine Heritage Resort của Tập đoàn Sunshine (phải) là những dự án ven sông được kỳ vọng trong thời gian tới.
Nhìn nhận ở góc độ kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đánh giá về cơ hội và triển vọng phát triển các khu đô thị ven sông ở Hà Nội như sau: "Điều này cần phải nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia, thành phố. Tất nhiên, tôi cho rằng, đó là một tiềm năng bởi khu đô thị ven sông được đánh giá là có nhiều lợi thế về cảnh quan, môi trường, quy hoạch và xu hướng đô thị hóa ra vùng lân cận".
Tuy nhiên, vấn đề mà vị chuyên gia này đặt ra là cần hết sức lưu ý về điều kiện lưỡng thổ, địa chất cũng như biến đổi khí hậu, vì hiện nay, hiện tượng thiên tai, lũ lụt, sạt lở vẫn rất khó lường mà khi phát triển đô thị thì cần phải hướng đến sự bền vững.
Ông Liam Bailey, Giám đốc Nghiên cứu toàn cầu của Knight Frank cho biết: Các bất động sản ven mặt nước được ưa chuộng trên toàn thế giới và là loại hình có khả năng thanh khoản tốt nhất trên thị trường. Ngay cả khi thị trường trầm lắng, với vị trí đắc địa và nguồn cung khan hiếm, bất động sản ven mặt nước luôn ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ.