Bình Dương: Thị trường bất động sản liền kề Khu công nghiệp vẫn ‘nóng’ bất chấp dịch bệnh
Bình Dương, được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp” của cả nước. Với hơn 28 KCN có khoảng 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động, Bình Dương trở thành địa phương dẫn đầu về thu hút nhà đầu tư và lực lượng lao động của cả nước.
Như một hệ quả tất yếu, nguồn lao động dồi dào cũng tạo ra nhu cầu lớn về thị trường nhà đất và các dịch vụ tiện ích xã hội kèm theo. Do đó, nhu cầu bất động sản đặc biệt là phân khúc đất nền sổ sẵn liền kề khu công nghiệp đang là sản phẩm siêu HOT để các nhà đầu tư săn tìm.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là phát triển khu công nghiệp bền vững phải kèm theo các khu dân cư và tiện ích xã hội. Nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu đã phát triển thành công mô hình này. Còn tại Việt Nam thì các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ vẫn còn đang thiếu.
Theo ông Hà Văn Long – Phó Giám Đốc S Gold Group, sau Thuận An, Dĩ An, hiện Bàu Bàng đang là một điểm nóng phát triển công nghiệp, đây được coi là thủ phủ công nghiệp mới của tỉnh Bình Dương. Tính đến cuối năm 2020, Bàu Bàng đã thu hút 1.000 dự án phát triển công nghiệp, bao gồm 816 dự án trong nước với số vốn 29.736 tỷ đồng và 184 dự án FDI với vốn đầu tư 3,6 tỷ USD.
Nhờ đó, thị trường bất động sản tại Bàu Bàng thu hút khá nhiều nhà đầu tư nhờ hưởng lợi từ việc phát triển cơ sở hạ tầng và triển khai rầm rộ các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại quy mô lớn.
Ông Long cho rằng, yếu tố gần khu công nghiệp chính là một lợi thế khiến nhà đầu tư kỳ vọng bất động sản muốn mua sẽ tăng giá. Thời gian vừa qua, trong khi bất động sản công nghiệp tăng trưởng khoảng 10%/năm thì bất động sản đất nền sổ sẵn liền kề các khu công nghiệp có mức tăng trưởng cao hơn gấp nhiều lần.
Thời điểm này, một xu hướng đầu tư mới đáng ghi nhận trên thị trường bất động sản Bình Dương là dòng sản phẩm đất ở tại đô thị có sổ sẵn. Nhiều nhà đầu tư mạnh tay rót tiền vào các sản phẩm này bởi tính an toàn tuyệt đối và tính tăng trưởng bền vững, phi mã là đặc thù của bất động sản liền kề khu công nghiệp.
Thực tế, Bình Dương hiện có 48 khu, cụm công nghiệp lớn, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam. Số liệu thống kê cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Bình Dương quý I/2021 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế đến nay, Bình Dương có hơn 50.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 473.000 tỷ đồng; có 3.953 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 35,8 tỷ USD, xếp thứ ba cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện đã có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư tại Bình Dương.
Trong tương lai, Bình Dương định hướng thu hút các ngành nghề khoa học kỹ thuật mang lại giá trị thặng dư cao, đặc biệt là chú trọng đầu tư xây dựng các khu công nghiệp khoa học công nghệ gắn với đề án phát triển “Thành phố thông minh”.
Đồng thời, tỉnh cũng tích cực triển khai nhiều dự án giao thông nhằm kết nối liên vùng thuận lợi, tạo động lực để công nghiệp, kinh tế, thương mại – dịch vụ… bứt phá như: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; khẩn trương thi công những đoạn cuối của đại lộ Bàu Bàng – Mỹ Phước – Tân Vạn; nâng cấp tuyến DT 741, DT 743, DT 746, DT 744, DT 745, DT 747A, hệ thống đường chuyên dùng trong các khu công nghiệp, đô thị…; thi công đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, các tuyến metro, đường sắt…
Bà Hoàng Yến, Giám đốc Công ty Rochdale Spear tại TX. Tân Uyên thì chia sẻ: “Năm 2020 thực sự khó khăn với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bình Dương đã thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thực sự rất hiệu quả, giúp doanh nghiệp ổn định để phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Bình Dương còn chủ động tạo điều kiện nhập cảnh cho các doanh nhân, chuyên gia, kỹ sư người nước ngoài, hỗ trợ tuyển dụng lao động, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh trong công nhân lao động… “.
Về phía nhà đầu tư, ông Adolfo Orive, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Tetra Pak, khu công nghiệp VSIP2, cho biết: “Bình Dương có tầm nhìn quy hoạch khá tốt khi hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện; luôn có định hướng kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua các tuyến trọng điểm như Quốc lộ 13, Mỹ Phước – Tân Vạn… Hầu hết các khu công nghiệp đều được quy hoạch, định hướng xây dựng hiện đại, chất lượng cao. Đặc biệt là chính quyền tỉnh cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp”.