Bình Thuận: Những phận nghèo ở dự án nghìn tỷ
Ngay ở khu đất thuộc quy hoạch Dự án Hamubay Phan Thiết có vốn đầu tư hơn 2.319 tỷ đồng, có những phận nghèo cần được quan tâm thoả đáng.
Những phận đời 2 lần tái định cư
Dự án Hamubay Phan Thiết có tên phê duyệt là Dự án lấn biển, bố trí, sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, TP. Phan Thiết. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải (Công ty Trường Phúc Hải) làm chủ đầu tư.
Phối cảnh dự án Hamubay Phan Thiết |
Dự án được UBND tỉnh Bình Thuận ký Quyết định chủ trương đầu tư ngày 17/4/2017. Đến ngày 10/7/2017, dự án được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Quy hoạch chi tiết dự theo Quyết định số số 1943/QĐ-UBND.
Theo đó, dự án có diện tích hơn 122,9ha. Trong đó, đất công trình nhà ở chiếm 31,85%, đất công trình công cộng, thương mại 5,60%, đất khu du lịch 15,43%, đất cây xanh - thể dục thể thao 10,28% và đất giao thông hạ tầng kỹ thuật 36,78%. Quy mô dân số dự kiến khoảng 18.000 người.
Ngày 12/3/2019, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định số 668/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, diện tích dự án được điều chỉnh tăng thêm 7ha (từ hơn 122,9ha lên hơn 129,9ha). Đất công trình nhà ở được điều chỉnh tăng từ 31,85% lên 41,9%; Tổng vốn đầu tư tăng từ 950 tỷ đồng lên hơn 2.319 tỷ đồng.
Dự án Hamubay Phan Thiết nhìn từ khu vực bị giải toả thuộc thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành |
Ngày 27/2/2018, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định giao đất, cho thuê đất với diện tích khoảng 26,99ha (đất mặt nước biển) cho Công ty Trường Phúc Hải, để thực hiện hạng mục lấn biển.
Với diện tích còn lại, dự án này sẽ phải di dời khoảng hơn 15.000 ngôi mộ và đền bù tái định cư khoảng hơn 1000 hộ dân thuộc phường Đức Long và xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết.
Ngày 9/9/2020, khoảng gần 200 hộ dân ở thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, được mời tới nhà văn hoá thôn để các cơ quan chức năng địa phương giao các thông báo thu hồi đất để phục vụ cho dự án Hamubay Phan Thiết.
Tuy nhiên, buổi làm việc này đã không đạt được kết quả bởi người dân cho rằng nếu lần này họ lại bị thu hồi đất và phải đi tái định cư thì cuộc đời của họ chỉ trong hơn 2 chục năm phải đi tái định cư 2 lần.
Buổi làm việc ngày 9/9/2020 giữa các cơ quan chức năng với người dân thôn Tiến Đức đã gặp phải sự phản ứng của người dân |
Những người dân ở đây cho biết, trước đây gia đình họ sinh sống ở khu vực Cảng cá Phan Thiết. Năm 1994, khoảng gần 200 hộ dân được di dời tới tái định cư tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành. Khu tái định cư này được gọi là “Khu dân cư Cầu Tàu”
Tại đây, mỗi hộ dân được cấp một thửa đất có diện tích khoảng 60m2, cùng một “Phiếu giao đất” có nội dung: “Phiếu giao đất lô số…họ và tên…Có giá trị tạm thời cho hộ sử dụng đất ở tại Khu dân cư Cầu Tàu thuộc xã Tiến Thành để làm nhà ở đến khi có Quyết định giao đất chính thức. Trong thời gian 10 ngày, nếu hộ nhận được phiếu giao đất không làm nhà ở, cơ quan thẩm quyền sẽ thu hồi giao cho người khác sử dụng”.
Trong lần tái định cư năm 1994, mỗi hộ dân được nhận một phiếu giao đất như thế này |
Theo người dân, những năm đầu về khu tái định cư này cuộc sống của các hộ dân rất vất vả, khổ sở. “Khi đó khu vực này chưa có điện, không có nước ngọt và chỉ có 1 con đường mòn nhỏ men theo sườn đồi phải đi bộ khoảng hơn 1km mới ra tới đường lớn. Nhiều khi gia đình có người ốm đau, mọi người phải đưa lên xuồng rồi đi theo đường biển để tới bệnh viện”, một người dân chia sẻ.
Người dân địa phương cho biết, sau nhiều năm phải sống trong cảnh đèn dầu, khu vực này mới có điện lưới rồi có đường nhựa, có điểm trường cho học sinh đi học và có nhà văn hoá thôn cho bà con hội họp. Nhờ đó đời sống người dân cũng có nhiều cải thiện, yên tâm xây dựng sửa chữa nhà cửa.
Cuộc sống người dân mới đi vào ổn định thì nhận được thông báo thu hồi đất khiến một số người không khỏi bức xúc vì phải tái định cư lần thứ 2 trong đời. Đồng thời mọi người cũng lo lắng không rõ mình sẽ được tái định cư ở đâu, có được ở gần biển nữa không? Bởi đa số các hộ dân ở đây đều làm nghề đánh cá, nếu không được sống gần biển việc kiếm sống của họ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Một số người dân thôn Tiến Đức chia sẻ sự bức xúc với PV |
Một số người dân thì cho rằng nếu việc thụ hồi đất họ để phục vụ cho mục tiêu phát triển đô thị của tỉnh và người dân được tái định cư tại chỗ thì họ sẽ đồng tình.
Tại buổi họp báo do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức vào ngày 18/11/2020, PV đã đặt một số câu hỏi liên qua tới sự việc người dân phản ứng việc thu hồi đất ngày 9/9/2020, về kế hoạch đền bù thu hồi đất và phương án tái định cư cho các hộ dân trên.
Câu hỏi của PV được ông Nguyễn Đức Hoà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận – người chủ trì buổi họp báo giao cho Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết nghiên cứu trả lời. Tuy nhiên, sau đó câu hỏi của phóng viên đã không được trả lời.
Những đứa trẻ nghèo thất học
Nằm trong diện giải toả để phục vụ Dự án Hamubay Phan Thiết còn có Điểm trường Tiến Đức (thuộc Trường tiểu học Tiến Thành 2). Hiệu trưởng Trường tiểu học Tiến Thành 2 cho biết, mỗi năm điểm trường Tiến Đức có khoảng 35-40 học sinh.
Từ năm học 2020-2021, điểm trường này đã chấm dứt hoạt động để chờ giải toả. Do khu vực thôn Tiến Đức cách Trường tiểu học Tiến Thành 2 khoảng hơn 10 cây số nên các học sinh tại Điểm trường Tiến Đức được chuyển tới Trường tiểu học Đức Long (thuộc phường Đức Long, TP. Phan Thiết) để tiếp tục theo học.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Long thì cho biết, đầu năm học 2020-2021 chỉ có 7 học sinh từ Điểm trường Tiến Đức chuyển tới. Cùng với đó là có 1 học sinh đã tốt nghiệp tiểu học, chuyển qua học cấp 2. Số học sinh còn lại có được đi học tiếp ở đâu hay không thì cả hai vị hiệu trưởng đều không nắm rõ.
Hiền (áo đen) cùng bạn chơi ở bãi cát khi không được đi học, phía xa là dự án Hamubay Phan Thiết đang được xây dựng |
Trong khi đó, trong quá trình tác nghiệp tại Dự án Hamubay Phan Thiết, vào ngày 9/9/2020, PV đã bắt gặp hoàn cảnh của một số em học sinh hết sức đáng thương.
Chiều hôm đó, Bà Lê Thị Tư, (nhà ở đường Trần Lễ, thôn Tiến Đức xã Tiến Thành) đang ngồi ở bãi cát trước nhà để nói chuyện với PV và mấy người hàng xóm về chuyện các hộ dân ở đây nhận được thông báo thu hồi đất. Từ bãi cát phía “dự án lấn biển”, 2 câu bé với hình hài đen nhẻm, trong bộ quần áo cộc chạy lại. Rồi 1 cậu bé nói với bà Tư với giọng năn nỉ: “Ngày mai ngoại đi xin cho con đi học nhen ngoại”.
Thế nhưng, đáp lại ánh mắt đầy hy vọng đứa cháu là câu trả lời rất nhanh của bà Tư: “Ngoại làm gì có tiền mà xin cho con đi học”.
Cuộc hội thoại của bà cháu bà Tư khiến PV sững sờ, vì khi đó năm học mới đã bắt đầu được gần chục ngày. Hơn nữa, khu vực này chẳng phải ở nơi xa xôi hẻo lánh nào mà ngay “Thủ phủ resort Phan Thiết”. Ở đó đang có một dự án bất động sản có vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng. Tại sao lại vẫn có hoàn cảnh như vậy?
Bà Tư cho biết cậu bé tên là Nguyễn Lê Hiền, cháu ngoại của bà. Bố mẹ Hiền đã đường ai nấy đi nên Hiền sống với bà ngoại mấy năm nay. Sau khi Hiền học hết lớp 2 tại Điểm trường Tiến Đức thì điểm trường bị dừng hoạt động. Để tiếp tục theo học lớp 3, Hiền phải chuyển tới học tại Trường tiểu học Đức Long, cách nhà mấy cây số và chi phí học tập cao hơn. Gia đình bà Tư lại khó khăn nên thể cho cháu tiếp tục theo học. Ngay sát bên nhà bà Tư cũng có 1 cậu bé cũng phải chịu cảnh thất học tương tự như Hiền sau khi điểm trường bị giải toả.
Bà Tư đưa cháu ngoại tới trường nhập học sau khi được PV hỗ trợ |
Ngay sau đó, PV đã liên hệ với Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Long để làm thủ tục nhập học cho 2 cậu bé trên, đồng thời hỗ trợ các em chi phí học tập, mua sách vở và đồ dùng học tập. Được sự hỗ trợ nhiệt tình của Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Long, ngay ngày hôm sau Hiền và bạn đã được tới lớp.
Ngày 18/5/2021, trao đổi với PV, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Long cho biết dù được đi học trễ hơn các bạn nhưng 2 em trên đã hoàn thành tốt trương trình của năm học và đủ điều kiện để được lên lớp.