Bình Thuận: Rà soát để điều chỉnh quy mô, chấm dứt quy hoạch các dự án “treo”
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, các dự án “treo” không đủ bảo đảm điều kiện thì phải điều chỉnh quy mô hoặc chấm dứt quy hoạch để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Điểm danh những dự án chậm tiến độ
Ngày 14/12 vừa qua, tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp cho ý kiến Báo cáo chuyên đề rà soát các quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm, gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Hoài Anh – Chủ tịch HĐND tỉnh, tham dự có ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuân và lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan.
Qua tổng hợp nội dung rà soát, báo cáo của các địa phương, chủ đầu tư dự án có liên quan, Sở Xây dựng đã phân loại và đánh giá cụ thể về tiến độ triển khai, khó khăn, vướng mắc và hướng xử lý đối với từng quy hoạch, dự án “treo” nhiều năm, chậm hoặc chưa triển khai đã ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân trong khu vực.
Cụ thể, về quy hoạch phân khu được phê duyệt nhiều năm nhưng chưa được triển khai tại các địa phương như: TP. Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam. Trong đó, điển hình như quy hoạch tại khu vực hai bên đường Lê Duẩn (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Hồng Phong, TP. Phan Thiết); quy hoạch phân khu Khu vực Bắc kênh thoát lũ, huyện Hàm Thuận Bắc; quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên đường Hàm Hiệp - Mương Mán, huyện Hàm Thuận Bắc; Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư – Dịch vụ - Thương mại Khu công nghiệp Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam,…
Bên cạnh đó, đối với các quy hoạch chi tiết của những dự án khu dân cư, qua rà soát, có 16 dự án đã được triển khai lập quy hoạch chi tiết nhiều năm qua nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện hoặc quá trình triển khai kéo dài nhiều năm (chưa dứt điểm).
Cụ thể, TP. Phan Thiết có 4 dự án; thị xã La Gi 2 dự án; huyện Hàm Tân 3 dự án; huyện Tánh Linh 1 dự án; huyện Đức Linh 1 dự án; huyện Bắc Bình 5 dự án. Bên cạnh đó, còn có 6 công trình công cộng, khu sản xuất dịch vụ và các khu đất chức năng quan trọng theo định hướng quy hoạch cũng chậm triển khai.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoài Anh cho biết, thời gian qua, công tác rà soát các quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm, dự án chậm triển khai thường xuyên được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo.
Quy hoạch “treo” cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của cử tri, nhân dân trong tỉnh. Trên cơ sở báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giao Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu văn bản kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mang tính chất chủ trương chung để triển khai thực hiện.
“Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với các đề xuất chung theo báo cáo. Tuy nhiên, cần rà soát lại để biên tập cho phù hợp, cụ thể là rà soát từng quy hoạch phân khu, các dự án khu dân cư, các dự án khu vực định hướng quy hoạch. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát cụ thể từng quy hoạch, từng dự án một có bảo đảm đúng quy định pháp luật, hiệu quả kinh tế - xã hội, tính khả thi để triển khai các bước tiếp theo. Đồng thời, thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trường hợp nếu không bảo đảm các điều kiện trên thì điều chỉnh quy mô hoặc chấm dứt các quy hoạch, dự án. Qua đó, bảo đảm phục vụ lợi ích của cộng đồng, quốc phòng và an ninh, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị. Đồng thời thu hút các tập đoàn lớn có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính thực hiện đầu tư dự án trọng điểm để tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực đô thị”, ông Nguyễn Hoài Anh thông tin.
Dự án "treo" gây bức xúc dư luận
Thời gian vừa qua, dư luận đang rất quan tâm đến dự án Khu du lịch Hố Lở (Dự án King Sea Phan Thiết), tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết do Công ty TNHH Đại Thanh Quang làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2005, đến năm 2010 được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 86 ha.
Ngày 6/3/2018, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang, thay thế cho Giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận năm 2010.
Theo đó, Dự án King Sea Phan Thiết chỉ còn 55,4ha. Trong đó có 49,3 ha đất thuê trả tiền hàng năm tại Quyết định số 672/QĐ-UBBT ngày 24/3/2005. Số diện tích đất còn lại bao gồm đất sông suối, một phần đất rừng phòng hộ với diện tích 12.198m2 và rất nhiều diện tích đất của dân chồng lấn trong dự án mà chưa được thương lượng, đền bù theo giá thị trường.
Theo chủ trương trên thì trong năm 2018, Công ty TNHH Đại Thanh Quang phải triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động khách sạn, căn hộ du lịch cao tầng; năm 2019 đưa vào hoạt động khối biệt thự liên kết, biệt thực độc lập… và năm 2021 phải hoàn thành đưa toàn bộ dự án vào hoạt động kinh doanh.
Thế nhưng đến nay gần 20 năm chủ đầu tư không hề có xây dựng đúng tiến độ theo quy định. Đáng nói, công ty này từ năm 2005 đến nay vẫn không có động thái nào về việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân sống trong khu vực.
Tại cuộc kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận về việc sử dụng đất của dự án King Sea Phan Thiết, theo đó, đa phần diện tích của dự án này chỉ là cây keo lá tràm, một vài công trình xây dựng phần thô.
Trong khi đó, kết luận của Tổng cục Quản lý đất đai cũng xác định Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết của Công ty TNHH Đại Thanh Quang có nhiều sai phạm như không đưa đất vào sử dụng, không đem lại hiệu quả kinh tế, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận, nhân dân và dự án thuộc diện phải thu hồi.
Không chỉ vậy, theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, toàn bộ diện tích Dự án Kinh Sea Phan Thiết nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014.
Theo quy định tại điểm I, Điều 64 Luật đất đai năm 2013 nêu rõ: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ 24 tháng khi gia hạn mà chủ đầu vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất”.
Từ các căn cứ trên, dự án này đủ điều kiện để thu hồi nhằm bảo đảm phục vụ lợi ích của cộng đồng, quốc phòng và an ninh, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị. Quan trọng nhất đó chính là ổn định cuộc sống người dân, tạo tiền đề cho người dân an cư, lập nghiệp để phát triển kinh tế tỉnh nhà.