Bỏ giao dịch qua sàn bất động sản, khách hàng sẽ đối mặt nhiều vụ án kiểu Alibaba
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, khi không có sự tham gia của sàn bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng sẽ tiếp tục phải đối mặt với những dự án kiểu Alibaba và đặt ra nguy cơ gây bất ổn của xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trước đó, tại Báo cáo thẩm tra, tờ trình Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã có ý kiến theo hướng cho phép các bên bán bất động sản được chọn giao dịch qua sàn hoặc không, do quy định bắt buộc giao dịch qua sàn sẽ làm tăng chi phí trung gian.
Việc bỏ qua quy định bắt buộc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai qua sàn là gián tiếp bỏ qua quyền được bảo vệ của người mua nhà. Điều này sẽ đẩy người mua nhà phải tự mình kiểm chứng chất lượng, pháp lý, giá cả… của bất động sản mà họ dự định mua, trong khi hầu hết họ không có được năng lực đó.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, khách hàng sẽ đối mặt nhiều vụ án kiểu Alibaba nếu bỏ giao dịch qua sàn bất động sản.
“Chỉ có những đơn vị chuyên nghiệp mới có thể có năng lực thẩm định, thẩm tra các sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai. Khi không có sự tham gia của sàn, nhà đầu tư, khách hàng sẽ tiếp tục phải đối mặt với những dự án kiểu Alibaba... và đặt ra nguy cơ sẽ còn nhiều vụ án, nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện cũng như sự bất ổn của xã hội thông qua thị trường bất động sản”, ông Đính khẳng định.
Theo ông Đính, từ trước đến nay, chi phí bán hàng của chủ đầu tư dự án thường phải xác định trong khoảng 10% giá bán. Nhưng thường các chủ đầu tư sẽ lựa phân phối thông qua sàn vì chi phí bán hàng sẽ rẻ hơn, hiệu quả hơn. Qua đó giúp cho chủ đầu tư nhanh thu và thu tốt hơn nhiều so với tự bán. Bởi vậy mà hầu hết ở các dự án.
Chủ đầu tư vẫn thường không trực tiếp bán hàng, thay vào đó, các giao dịch mua/bán nhà hình thành trong tương lai, thậm chí nhiều giao dịch nhà đất vẫn thực hiện qua sàn giao dịch.
Nhìn rộng ra, từ thời điểm Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 bắt đầu có hiệu lực ngày 1/7/2015, quy định giao dịch qua sàn được bãi bỏ với mong muốn tạo điều kiện các chủ đầu tư chủ động với thị trường, giảm chi phí bất động sản khi đến tay khách hàng.
“Nhưng trong gần 10 năm, thị trường bất động sản có sự trở lại ấn tượng, nhưng tác động “giảm chi phí” này có thực sự hiệu quả hay không khi giá nhà thậm chí còn tăng mạnh?”, ông Đính đặt câu hỏi.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, xét cả về mặt lý luận và thực tiễn, việc đưa quan điểm “giao dịch qua sàn làm tăng chi phí là bất hợp lý”. Đối với lo ngại việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn sẽ làm gia tăng chi phí, chúng ta có thể định mức phí trần, đủ để thực thi việc giao dịch.
Sàn giao dịch, người môi giới phải chịu trách nhiệm nếu cung cấp thông tin không chính xác.
Với việc quy định tất cả các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai cần thực hiện thông qua sàn giao dịch đồng thời gắn trách nhiệm của sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản trong việc mua/bán sẽ bảo vệ quyền và lợi ích cho người mua nhà.
Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp cần bằng lợi ích các bên và giúp thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững.
Giao dịch thông qua sàn, sàn, cá nhân môi giới sẽ là bên liên đới, chịu trách nhiệm nếu cung cấp thông tin không chính xác, môi giới mua bán các sản phẩm không rõ ràng.
Sàn sẽ là gác chắn cho pháp luật như chống rửa tiền, chống thất thu thuế vì giao dịch qua sàn sẽ phải thực thi đúng, đủ khi ta đã quy định cho nó. Ngoài ra, Nhà nước có thể thông qua các sàn để nắm bắt đầy đủ hơn thông tin về thị trường bất động sản, qua đó có thể đưa ra các quyết sách vĩ mô đúng đắn.