Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cơ cấu sản phẩm bất động sản (BĐS) chưa phù hợp, phổ biến là BĐS ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, BĐS du lịch có biểu hiện dư thừa, có nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025. Trong khi đó, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đối với nhà ở xã hội mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu.
Ngày 3/11, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội; quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn; trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản; việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. |
Còn hạn chế trong triển khai xây nhà ở xã hội
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, đến nay mới chỉ đạt được 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội so với yêu cầu 12,5 triệu m2. Quỹ đất dành cho nhà ở xã hội chỉ đáp ứng được 36,31%.
Nguyên nhân do quy định pháp luật vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan…
Bên cạnh đó, việc bố trí, giải ngân nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn; trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội mới phân bổ khoảng 35% nhu cầu giai đoạn 2016 - 2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội; việc dành quỹ đất 20% thuộc các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa được thực hiện triệt để hoặc chưa được sử dụng đúng mục đích; thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn…
Tại nhiều địa phương, nhiều khu công nghiệp được hình thành, nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm đúng mức tới việc hỗ trợ chủ đầu tư trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội theo quy định.
Tới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan; trong đó, sửa đổi các cơ chế, chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước…
Đối với vấn đề được đại biểu đặt ra về giá nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho rằng, giá đang ở mức cao so với thu nhập của người dân, người lao động.
Tình trạng này xuất phát từ thực tế nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Tới đây, bộ sẽ đẩy mạnh sửa đổi quy định pháp luật đồng bộ, để thu hút nguồn lực, cố gắng đáp ứng mục tiêu đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp.
BĐS du lịch có biểu hiện dư thừa
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của thị trường BĐS, đó là hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần sửa đổi như: Chưa thống nhất về hình thức lựa chọn (đấu giá, đấu thầu, chỉ định) chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; các quy định liên quan đến việc xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng; quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài; quy định về thời hạn, chế độ sử dụng đất đối với các loại BĐS mới, BĐS hỗn hợp, đa chức năng...
Cơ cấu sản phẩm BĐS chưa phù hợp, phổ biến là BĐS ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, BĐS du lịch có biểu hiện dư thừa, có nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025. Trong khi đó, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đối với nhà ở xã hội mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Cơ cấu nguồn lực cho thị trường BĐS còn bất hợp lý, chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng, vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15 - 30% tổng mức đầu tư của dự án. Chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường.
Chỉ ra hiện tượng giao dịch BĐS chưa được minh bạch, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị về hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến. Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận có hiện tượng “hai giá” trong kê khai BĐS.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: So với thu nhập của người dân hiện nay, giá BĐS, đặc biệt nhà ở, đất ở liên tục tăng cao. Thời gian tới, Bộ Xây dựng dự báo thị trường BĐS tiếp tục khó khăn, nguồn cung tiếp tục bị hạn chế. Cơ cấu hiện có cải thiện nhưng còn hạn chế. Các phân khúc như: Nhà ở xã hội, nhà giá rẻ nhu cầu còn lớn.
Chỉ ra những hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Giá BĐS, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Các sàn giao dịch BĐS hoạt động thiếu ổn định; hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt.
Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS, nhà ở chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa công khai làm ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong Quý III/2022, doanh nghiệp BĐS khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và trong huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Đâu là giải pháp lâu dài
Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng đối với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch BĐS. Khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 năm 2023.
Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp, lưu ý tới nhà ở cho các chuyên gia, nhà khoa học tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở cho các đối tượng này.
Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh BĐS, hoạt động sàn giao dịch BĐS, hoạt động môi giới bất động sản; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh BĐS để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh BĐS theo quy định của pháp luật.
Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá…
Đối với các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, địa phương cần khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Khẩn trương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn từ nay đến năm 2025 và 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm theo quy định của Luật Nhà ở trong đó xác định rõ có danh mục các dự án nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn.
Rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, BĐS trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, khẩn trương hoàn thành kiểm định đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ còn lại trên địa bàn để xác định các nhà chung cư phải phá dỡ; sớm lập, phê duyệt Kế hoạch, danh mục dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP…