Bộ Xây dựng kiểm tra về quản lý nhà ở và kinh doanh bất động sản tại Bắc Giang, Thanh Hoá và 4 tỉnh khác

Bộ Xây dựng vừa quyết định kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà ở, kinh doanh bất động sản (BĐS) tại 6 địa phương, gồm: Bắc Giang, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Long An và Thừa Thiên Huế.

Theo đó, thực hiện Chương trình công tác năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức đoàn công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về nhà ở và kinh doanh BĐS, thời gian làm việc từ 5-7 ngày.

Đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng dự kiến thời gian kiểm tra tại các địa phương trên từ tháng 6 đến tháng 11/2021.

Nội dung kiểm tra tập trung vào trình tự, thủ tục, cơ chế ưu đãi thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị; việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở phục vụ tái định cư; khung giá bán, cho thuê nhà ở xã hội và công tác quản lý thị trường BĐS.

Bộ Xây dựng cũng sẽ kiểm tra việc thực hiện các chương trình kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương này.

Đối với các dự án nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, kiểm tra số lượng dự án, diện tích căn hộ được xây dựng mới, số căn chung cư chia theo từng loại hình BĐS; trình tự cấp phép dự án, việc huy động vốn các dự án.

Về việc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh BĐS, Bộ Xây dựng yêu các địa phương kiểm tra tổng quan về tình hình thị trường BĐS trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 và năm 2021 tại thời điểm báo cáo.

Đồng thời kiểm tra tình hình triển khai các dự án BĐS khác như biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng…và tình hình thực hiện pháp luật về kinh doanh BĐS và các pháp luật có liên quan.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng, ghi nhận tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng sốt đất với giá đất tăng đột biến.

Điển hình là cơn sốt đất tại Bắc Giang khiến giá đất tăng chóng mặt, có nơi giá được đẩy lên gấp đôi, gấp 3 lần. Trong đó tại Yên Sơn (Lục Nam), giá đất thay đổi từng ngày, có nơi chạm ngưỡng 40 triệu đồng/m2, còn trung bình dao động từ 20-30 triệu đồng/m2. Khu vực huyện Yên Dũng giá đất cũng tăng gấp đôi, từ 12-15 triệu đồng/m2 tăng lên 25-30 triệu đồng/m2. Đặc biệt tại huyện Việt Yên, giá nhà đất ở mức trung bình từ 30-40 triệu đồng/m2, có nơi lên 50 triệu đồng/m2.

Tương tự, tại Thanh Hoá, giá đất tại hầu khắp các nơi đều tăng giá đột biến, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn như Như Thanh, Quảng Xương, Hoằng Hoá,…

Giá đất nhiều khu vực tại Thanh Hoá tăng "đột biến"  
Giá đất nhiều khu vực tại Thanh Hoá tăng "đột biến"  
Giá đất tại những khu vực này tăng trung bình khoảng 50-60% so với cuối năm 2020. Đến khoảng cuối tháng 4 – đầu tháng 5/2021, sau khi khi cơ quan chức năng vào cuộc ra cảnh báo về hiện tượng “sốt đất ảo” thì cơn “sốt” mới có dấu hiệu giảm nhiệt.

Trước đó, vào tháng 3/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn về việc chấp thuận kế hoạch kiểm tra năm 2021 của các đơn vị trực thuộc bộ; trong đó giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai tại 26 tỉnh, thành phố.

Cụ thể, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tập trung vào các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại các địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước ngày 1/7/2014 tại 13 tỉnh gồm: Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An.

Ngoài ra, tại Bình Thuận sẽ kiểm tra việc thực hiện công tác định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất.

Tại Hải Phòng, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Tại Hà Nội, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Tại TP.HCM, kiểm tra các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép; việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án tại địa phương…

Linh Lan/Theo Sở hữu trí tuệ