Bộ Xây dựng lên tiếng về việc cấm cho thuê căn hộ theo giờ
Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Pháp luật về nhà ở nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, thuê ngắn ngày.
Ban Dân nguyện Quốc hội vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ kiến nghị của cử tri TP.HCM. Theo đó, cử tri TP.HCM cho biết, hiện việc quản lý loại hình cho thuê căn hộ chung cư theo giờ, thuê ngắn ngày hết sức khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao.
Trả lời về vấn đề này Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Pháp luật về nhà ở nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, thuê ngắn ngày.
Cụ thể, căn cứ quy định tại Điều 6 Luật Nhà ở 2014 thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm là: Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Bên cạnh đó, Điều 35 Nghị định 99 hướng dẫn Luật Nhà ở cũng cấm tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng nhà chung cư.
Theo Bộ Xây dựng, UBND cấp phường, cấp quận có trách nhiệm xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư. "Hành vi sử dụng nhà ở chung cư vào mục đích cho thuê theo giờ, thuê ngắn ngày sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 3, Điều 57, Nghị định 139 năm 2017", Bộ Xây dựng cho hay. Cụ thể, phạt tiền từ 250 - 300 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; kinh doanh bất động sản không đúng phạm vi được kinh doanh theo quy định.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Xây dựng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có ý kiến gửi UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng chung cư trên địa bàn, xử lý nghiêm việc sử dụng căn hộ vào mục đích không phải để ở.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, hầu hết các căn hộ cho thuê ngắn ngày thường hoạt động theo hình thức homestay gia đình tự phát và không thông báo với địa phương. Do đó, công tác quản lý gặp nhiều vấn đề và tạo ra một kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao...
“Căn hộ được pháp luật Việt Nam quy định là sản phẩm để ở và không có chức năng kinh doanh. Nếu chủ nhà cố tình cho thuê ngắn ngày sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương, gây ra các vấn đề xấu tới môi trường hoặc ảnh hưởng tới hộ dân sống xung quanh”, ông Đính nói.
Do đó, vị chuyên gia này kiến nghị Bộ Xây dựng nên tìm ra một giải pháp phù hợp, nới lỏng một phần quy định này, để kích cầu du lịch sau khi đại dịch Covid-19 đi qua.
“Khó khăn nhất chính là công tác quản lý. Nếu muốn nới lỏng quy định, bắt buộc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà và chính quyền cấp phường, cấp xã. Đồng thời, chủ nhà cũng cần khai báo thông tin chính xác với cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Đính nhận định.