Bộ Xây dựng: Nguồn cung BĐS vẫn còn hạn chế

Ngày 28/7/2022, Bộ Xây dựng đã có Thông cáo 123/TC-BXD về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý II/2022.

Đánh giá tình hình thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang dần ổn định trở lại, nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 đã có sự tăng trưởng tích cực, đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, hiệu quả.

Nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế. Nguồn cung mới bị hạn chế chủ yếu là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản, ngoài ra việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu,…cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.

Nhà ở, đất nền vẫn là loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong nửa đầu năm 2022, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội, tuy nhiên, nguồn cung cho phân khúc này tương đối ít.

Tình hình giao dịch các sản phẩm bất động sản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp có cải thiện so với cùng kỳ năm 2021 tuy nhiên đang có xu hướng chững lại so với thời điểm cuối năm 2021. Các giao dịch chủ yếu vẫn tập trung ở loại hình căn hộ chung cư trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đất nền.

Nguồn cung về nhà ở thương mại trong Quý II/2022 vẫn chưa được cải thiện.
Nguồn cung về nhà ở thương mại trong Quý II/2022 vẫn chưa được cải thiện.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, số lượng nhà ở thương mại hoàn thành là 24 dự án với 5.608 căn, số lượng dự án bằng khoảng 109% so với Quý I/2022 và bằng khoảng 70,6 % so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tại miền Bắc có 13 dự án với 2.343 căn, tại miền Trung có 03 dự án với 961 căn, tại miền Nam có 08 dự án với 2.304 căn.

Số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng là 1.091 dự án với 327.125 căn, số lượng dự án bằng khoảng 89,7% so với Quý I/2022 và bằng khoảng 97,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tại miền Bắc có 210 dự án với 157.654 căn, tại miền Trung có 211 dự án với 131.481 căn, tại miền Nam có 670 dự án với 37.990 căn.

Số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới là 29 dự án với 6.753 căn, số lượng dự án bằng khoảng 74,4% so với Quý I/2022 và bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tại miền Bắc có 17 dự án với 3.763 căn, tại miền Trung có 09 dự án với 678 căn, tại miền Nam có 03 dự án với 2.312 căn.

Như vậy, qua số liệu cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong Quý II/2022 vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở, tổng số dự án đã hoàn thành là 16 dự án với 7.324 ô đất nền; số lượng dự án bằng khoảng 178% so với Quý I/2022. Tổng số dự án đang triển khai xây dựng là 210 dự án với 66.596 ô đất nền; số lượng dự án bằng khoảng 116% so với Quý I/2022. Tổng số dự án được cấp phép mới là 10 dự án với 4.072 ô đất nền; số lượng dự án bằng khoảng 77% so với Quý I/2022.

Đối với dự án nhà ở xã hội gồm dự án nhà ở thu nhập thấp và dự án nhà ở công nhân. Trong đó, Đối với dự án nhà ở thu nhập thấp, số lượng dự án hoàn thành là 03 dự án với 1.134 căn hoàn thành tại Kon Tum, Ninh Thuận; số lượng dự án bằng khoảng 75% so với Quý I/2022 và tương đương với cùng kỳ năm 2021. Số lượng dự án đang triển khai xây dựng là 96 dự án với 123.514 căn, (Bình Dương có 42 dự án); số lượng dự án bằng khoảng 98% so với Quý I/2022 và bằng khoảng 102% so với cùng kỳ năm 2021.

Còn số lượng dự án được cấp phép mới là 04 dự án với quy mô 2.652 căn tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam; số lượng dự án bằng khoảng 133% so với Quý I/2022 và so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng dự án được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 07 dự án với 2.163 căn hộ; số lượng dự án bằng khoảng 77,8% so với Quý I/2022 và bằng khoảng 140% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với dự án nhà ở công nhân, Số lượng dự án nhà ở công nhân đang triển khai xây dựng là 24 dự án với 20.945 căn; số lượng dự án bằng khoảng 133% so với Quý I/2022. Số lượng dự án nhà ở công nhân được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 02 dự án với 1.032 căn.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đã khởi công 11 dự án với tổng số khoảng 25.850 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.292.500m2.

Thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đến nay, có 41/63 địa phương có báo cáo gửi về Bộ Xây dựng, trong đó báo cáo số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai là 240 dự án, dự kiến nhu cầu vay vốn là 34.552 tỷ đồng; có 82 dự án cải tạo chung cư cũ, dự kiến nhu cầu vay vốn là 6.418 tỷ đồng.

Trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 05/7/2022, Bộ Xây dựng đã công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, giai đoạn 1 là 4 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với tổng mức đầu tư là 4.665 tỷ đồng, tổng mức vay dự kiến là 1.751 tỷ đồng.

Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú, tổng số dự án hoàn thành là 14 dự án; Quý I/2022 có 01 dự án. Tổng số dự án đang triển khai xây dựng là 71 dự án với 17.757 căn hộ du lịch và 4.321 biệt thự du lịch, tập trung chủ yếu tại Khánh Hòa (26 dự án), Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi (14 dự án); số lượng dự án bằng khoảng 136,5% so với Quý I/2022 và bằng khoảng 131,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số dự án được cấp phép mới là 01 dự án mới tại Hòa Bình; số lượng dự án bằng khoảng 20% so với Quý I/2022 và so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng, kinh doanh bất động sản… để tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn từ nay đến năm 2025 và 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm theo quy định của Luật Nhà ở trong đó xác định rõ có danh mục các dự án nhà ở để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn.

Rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống