Tin nhanh bất động sản ngày 7/6: Thu hồi dự án Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Kim Động tại Hưng Yên
Loạt "ông lớn" bất động sản muốn tham gia làm đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô; Warburg Pincus đầu tư 250 triệu USD vào Novaland; rộ tình trạng "bỏ cọc" đất ở Quảng Trị; thu hồi dự án Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Kim Động ở Hưng Yên,... là những thông tin đáng chú ý.
Thanh Hóa sắp có khu đô thị hơn 1.500 tỷ ven sông tại Hoằng Hóa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá - Mai Xuân Liêm vừa ký quyết định số 1896 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu.
Theo quyết định, dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hoằng Hóa có diện tích sử dụng đất hơn 47,6 ha. Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở có 1.107 lô đất ở và nhà ở xây thô, gồm: Xây thô hoàn thiện mặt trước 411 căn nhà ở liền kề, biệt thự (trong đó: 306 căn liền kề, 83 căn nhà vườn và 22 căn biệt thự); còn lại 672 lô đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền và 24 lô đất tái định cư. Quy mô dân số khoảng 5.400 người.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.501,6 tỷ đồng, trong đó, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 1.419,6 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 81,9 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa giới hành chính xã Hoằng Đức và thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa. Tiến độ thực hiện dự án không quá 5 năm (kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư); dự kiến từ quý III đến quý III/2027.
Nhiều ‘ông lớn’ bất động sản muốn tham gia làm ‘siêu dự án’ đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô
UBND thành phố Hà Nội cho biết, đã nhận được đề xuất của các Nhà đầu tư rất tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án, có thể kể đến như: Tập đoàn Vingroup - CTCP (nhà đầu tư đề xuất dự án), Tập đoàn T&T, Tập đoàn Him Lam hay Công ty cổ phần DIC…
Đồng thời, các nhà đầu tư đều có cam kết mạnh mẽ đối với việc huy động vốn nhà đầu tư trên thị trường và khẳng định tính khả thi của dự án nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Về năng lực tài chính của nhà đầu tư muốn tham gia vào dự án, UBND TP Hà Nội đưa ra dẫn chứng về điều kiện của doanh nghiệp đề xuất tham gia là Tập đoàn Vingroup – CTCP. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Vingroup - CTCP đã được kiểm toán đến thời điểm ngày 30/6/2021, Tập đoàn có vốn chủ sở hữu: 80.136 tỷ đồng, tài sản dài hạn: 123.310 tỷ đồng. Khả năng cân đối nguồn vốn dài hạn để đầu tư của tập đoàn đến 30/6/2021 là 22.489 tỷ đồng lớn hơn mức vốn góp của nhà đầu tư 4.417 tỷ đồng. Như vậy khả năng huy động vốn của doanh nghiệp dự án được bảo đảm.
UBND thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, việc đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư sẽ được tiếp tục đánh giá cụ thể tại bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long, đi qua địa phận TP. Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km).
Theo sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư, trong đó vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341 ha; kinh phí GPMB, tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng.
Dự án sẽ có hình thức đầu tư là đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức PPP, được chia thành 7 dự án thành phần; tách riêng phần GPMB và xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công; riêng Dự án thành phần 2 gồm hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7 km do UBND TP. Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền.
Hà Nội sẽ thành lập và đầu tư 3 khu công nghiệp tới cuối năm
Tại lễ ký kết quy chế phối hợp với UBND các quận, huyện về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các khu công nghiệp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm nay, tổng vốn thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp cả năm đạt khoảng 400 triệu USD (tăng 28,8% so với năm 2021); triển khai thành lập một khu công nghiệp mới và hoàn thành thủ tục đầu tư 2 - 3 khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Được biết, trong đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025”, Hà Nội xác định hoàn thành mục tiêu thành lập 5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025, gồm: Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn 302,8 ha ở hai xã Minh Trí và Tân Dân, huyện Sóc Sơn; Khu công nghiệp Đông Anh 300 ha ở các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín 112 ha ở các xã Văn Bình, Ninh Sở, Liên Phương, huyện Thường Tín; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng 389 ha ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ; Khu công nghiệp Phụng Hiệp gần 175 ha ở các xã Dũng Tiến, Nghiêm Xuân, Tô Hiệu, Thắng Lợi, huyện Thường Tín.
Bộ Tài chính: Chưa có cơ chế kiểm soát dòng tiền mua bán bất động sản
Trong văn bản gửi các Đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế không được gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế trong quá trình xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản.
Số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản năm 2021 đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ tăng 30%) so với năm 2020.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, kết quả thu từ thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng bất động sảndự kiến đạt được 16 nghìn tỷ đồng; tăng 68,6% so với 5 tháng đầu năm 2021, tương ứng tăng 6,6 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính đánh giá: Công tác thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn gặp một số khó khăn.
"Ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao. Nhận thức chưa đầy đủ về chính sách pháp luật thuế và pháp luật có liên quan, chưa nhận thức được hậu quả khi khai thuế với giá không đúng với giá thực tế chuyển nhượng", Bộ Tài chính nêu rõ.
Theo Bộ Tài chính, Văn phòng đăng ký đất đai chuyển hồ sơ đến cơ quan thuế thường sát ngày hẹn trả kết quả hoặc chậm dẫn đến áp lực về thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ tài chính về đất, gây chậm trễ về thủ tục hành chính.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ; Bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS tại Điều 16 Luật kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13 ngày 25/11/2014.
Hưng Yên: Thu hồi dự án Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Kim Động
UBND tỉnh Hưng Yên vừa có thông báo về việc thu hồi dự án Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Kim Động.
Theo đó, UBND tỉnh Hưng Yên thông báo về việc thu hồi dự án Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Kim Động do Công ty Cổ phần Tập đoàn DĐK lập quy hoạch trước đó hơn 10 năm.
Trước đó, ngày 01/6/2022, UBND tỉnh Hưng Yên có Thông báo số 197/TB-UBND ý kiến về dự án Khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Kim Động và chủ trương thực hiện dự án Khu nhà ở xã hội huyện Kim Động. Thông báo cho biết, ngày 12/4/2022, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức họp giao ban với sự có mặt của Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh, giám đốc các sở, ngành, UBND huyện Kim Động. Tại cuộc họp sau khi lắng nghe ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 847/BC/SKHĐT và các sở, ngành lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên thống nhất:
UBND tỉnh đồng ý chủ trương chấm dứt sự tham gia của Công ty CP Tập đoàn DĐK (Công ty DĐK) trong việc triển khai thực hiện dự án với quy mô sử dụng 10-15ha; thu hồi hiệu lực Công văn số 697/UBND-KTTH ngày 29/4/2010 của UBND tỉnh Hưng Yên đã cấp cho Công ty DĐK về việc đồng ý chủ trương cho phép doanh nghiệp được nghiên cứu đầu tư và làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở công nhân trên địa bàn xã Phạm Ngũ Lão.
Rộ tình trạng "bỏ cọc" đất ở Quảng Trị
Chiều 6/6, ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, Quảng Trị cho biết, UBND huyện vừa ra quyết định hủy "Kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 11 lô đất tại thị trấn Cam Lộ và xã Cam Tuyền" do quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá theo quy định.
Cụ thể, tại thị trấn Cam Lộ có 5 lô và xã Cam Tuyền có 6 lô; đây là những lô đất đã được UBND huyện Cam Lộ phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong đợt 3 năm 2022 với giá đấu trúng gần 18 tỉ đồng. Tổng số tiền khách hàng đã đặt cọc các lô đất trên là 1,3 tỉ đồng. Theo quyết định này, toàn bộ số tiền 1,3 tỉ đồng này được nộp vào ngân sách huyện; những lô đất bị hủy kết quả trúng đấu giá sẽ được đưa vào đấu giá trong các đợt sau.
Tình trạng "bỏ cọc" trong trúng đấu giá quyền sử dụng đất; mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở Quảng Trị, thời gian khoảng 3 tháng lại đây, xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân, do thị trường bất động sản (BĐS) có xu hướng "đóng băng", xuất phát từ việc các ngân hàng thương mại tiến hành rà soát, thắt chặt quy trình cho vay; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền "xốc lại" công tác quản lý, đặc biệt đối với việc áp dụng các điều luật, như luật quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô bán nền… Qua đó đã làm lộ rõ tình trạng "bong bóng" đất do các "cò đất" câu kết, thổi giá trước đó; đồng thời, giá trị thực của đất dần được xác định trở lại; người mua không còn mặn mà, "cò đất" không còn đủ sức "ôm" số lô nền đã "cọc" trước đó để lướt sóng dẫn đến phải "bỏ của chạy lấy người".