Bóng dáng BĐS sau ngân hàng: Mối lo sở hữu chéo

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, trong bất kỳ trường hợp nào, sở hữu chéo cũng phải được giải quyết triệt để nhằm đảm bảo sự minh bạch cho nền kinh tế.

Trong nhiều báo cáo thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát. Từ con số 7 cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau tính đến năm 2012 thì đến hết năm 2020 đã khắc phục hết; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm mạnh.    

Ghi nhận những nỗ lực của NHNN trong xử lý sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, vẫn chưa hết lo khi tại nhiều ngân hàng TMCP tư nhân hiện nay đều có bóng dáng sở hữu chéo khi cổ đông lớn ở những ngân hàng này là chủ của các công ty, tập đoàn bất động sản.

Theo ông Kiêm, về bản chất, sở hữu chéo không xấu, có nhiều hình thức khác nhau và là hiện tượng phổ biến của ngân hàng các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sở hữu chéo bị biến tướng, nó tạo ra sự lỏng lẻo, mất vốn, tham nhũng...

Chính vì thế, trong bất kỳ trường hợp nào, sở hữu chéo cũng phải được giải quyết triệt để, kiên quyết, bởi nếu để lọt lại sẽ rất phức tạp, nó khiến cho nền kinh tế mất minh bạch và tạo nên rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

"Điều này rất nguy hại. Đi liền với sở hữu chéo là sự không minh bạch, lợi ích nhóm, ăn cánh với nhau giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp thống nhất với nhau để dùng vốn tín dụng để bảo vệ quyền lợi cho nhau, làm cho số liệu không minh bạch và khiến các cơ quan kiểm soát như NHNN, tòa án, viện kiểm soát rất khó phát hiện", nguyên Thống đốc NHNN cảnh báo.

Bóng dáng BĐS sau ngân hàng: Mối lo sở hữu chéo - Ảnh 1
Sở hữu chéo trong ngân hàng TMCP tư nhân vẫn là vấn đề gây lo ngại. Ảnh minh họa

Điều TS Cao Sĩ Kiêm lo ngại là khi cổ đông lớn tại các ngân hàng là ông chủ của các tập đoàn bất động sản thì vốn tín dụng rất dễ bị bẻ lái vào những dự án bất động sản của tập đoàn ấy, ngân hàng  trở thành sân sau cấp vốn cho các dự án bất động sản của cổ đông lớn.

Nguyên Thống đốc NHNN nhắc lại nhiều đại án ngân hàng mà nguyên nhân chính xuất phát từ sở hữu chéo và khẳng định những bài học ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo. Đó là đại án Hứa Thị Phấn, người đã mua gần 85% cổ phần Ngân hàng TrustBank, giữ chức vụ Cố vấn cấp cao HĐQT, thao túng mọi hoạt động của ngân hàng. Chính bà Phấn đã chỉ đạo HĐQT, Hội đồng đầu tư bất động sản của Trustbank đầu tư vào một số dự án của các công ty do bà Phấn làm chủ, dùng thủ đoạn nâng khống giá trị 4 bất động sản rồi lại chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành Trustbank mua lại các bất động sản này với lý do 'mở rộng hệ thống hoặc đầu tư bất động sản', trong khi Trustbank đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định.

Cũng trong vụ Trustbank, trước tòa, Phạm Công Danh đã thừa nhận mua lại ngân hàng để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư các dự án bất động sản của mình và của đồng nghiệp.

Ông Kiêm cho biết, những trường hợp trên là minh chứng cho thấy ma trận sở hữu chéo đã được sử dụng để làm lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích, gây mất vốn cho ngân hàng và đó cũng chưa phải là những trường hợp cuối cùng.

Với những quy định ngày càng chặt chẽ của NHNN, đa phần các ngân hàng không còn vi phạm quy định về sở hữu chéo, song ở các ngân hàng TMCP tư nhân, theo nhận định của nguyên Thống đốc NHNN, “bóng ma” bất động sản phía sau các ngân hàng chưa hề biến mất, sở hữu chéo và sử dụng ngân hàng “nhà” để vay vốn đầu tư kinh doanh bất động sản vẫn còn. Kết quả, có một phần lớn nợ xấu nằm trong bất động sản chưa xử lý được.

Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã đưa ra quy định về giới hạn tín dụng nhằm giám sát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu chéo. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Tổng dư nợ của một khách hàng và người liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, những quy định này nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần hạn chế những hoạt động thao túng, kiểm soát quyền lực của các cổ đông lớn. Thế nhưng trong trường hợp các công ty, tập đoàn bất động sản sở hữu mạng lưới công ty con, công ty cháu chằng chịt thì giới hạn tín dụng rất dễ bị vượt qua, các ngân hàng vẫn có đủ cách để lách quy định về cho vay đầu tư bất động sản.

"Sự tác động của các cổ đông lớn đối với ngân hàng ngày càng tinh vi và phức tạp, do đó đòi hỏi luật lệ của ta phải chặt chẽ hơn, đặc biệt sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của NHNN cũng phải được nâng lên và thực hiện thường xuyên.

Sở hữu chéo là chuyện muôn thuở của các ngân hàng, vì thế không có cách nào khác phải nâng cao chuẩn mực về quản trị, tách bạch quyền sở hữu với quyền quản trị. Phải tiến hành tổng kết thực tiễn để tìm ra những sở hở, lấp nó lại bằng cách bổ sung hoặc ra những quy định mới với phương pháp kiểm soát chặt hơn. Điều này rất quan trọng bởi chính sách dù đúng nhưng thực tiễn luôn có diễn biến mới và cụ thể, phải tổng kết để kịp thời uốn nắn, không được thì phải xử lý ngay", TS Cao Sĩ Kiêm lưu ý.  

 

Thành Luân

Theo Đất Việt