Bức tranh thị trường bất động sản qua các kỳ COVID-19
Kể từ khi dịch COVID – 19 bắt đầu xuất hiện thời điểm đầu năm 2020, thị trường BĐS cả nước bắt đầu rơi vào tình trạng biến động cho đến thời điểm hiện tại. Trải qua 4 đợt bùng dịch, chu kỳ, xu hướng phát triển của thị trường BĐS từng đợt cũng có sự khác biệt.
Sau khi đạt đỉnh trong tháng 3/2021, mức độ quan tâm đến thị trường BĐS đã có dấu hiệu sụt giảm. Theo dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường BĐS tháng 4/2021 giảm gần 18% so với tháng 3/2021. Đất nền là phân khúc “hạ sốt” nhanh nhất với lượt quan tâm giảm gần 21%. Căn hộ chung cư ghi nhận nhu cầu tìm mua giảm hơn 17%, còn lượng quan tâm đất nền dự án cũng giảm hơn 19%.
Lực cầu BĐS giảm ở hầu hết địa phương, trong đó, mức quan tâm giảm mạnh nhất ở Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (29%), Đà Nẵng (21%). Đây đều là những khu vực xảy ra sốt đất với lượt quan tâm đạt đỉnh trong quý 1/2021. Những điểm nóng BĐS ở khu vực phía Nam trong 3 tháng đầu năm như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đều suy giảm mức độ quan tâm vào tháng 4/2021.
Dịch bệnh như một cú bồi khiến thị trường BĐS thêm trầm lắng. Dù đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, thị trường BĐS vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đa nguồn lây và đa biến chủng. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn trong tháng 5/2021 cho thấy mức độ quan tâm đến BĐS sụt giảm khi dịch Covid-19 quay lại. Các tỉnh/thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%) – đây cũng là những địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm cộng đồng trong đợt bùng phát dịch vừa qua.
Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến các hoạt động kinh doanh BĐS bị gián đoạn, một số dự án đã có kế hoạch ra hàng và chạy chiến dịch quảng bá trước đó đành phải hoãn lại đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhiều môi giới chuyển sang chế độ tạm “ngủ đông” vì khách hàng ngại tương tác, tìm hiểu BĐS trong thời kỳ giãn cách. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn duy trì hoạt động xuyên suốt mùa dịch khi tập trung khai thác và đẩy mạnh bán hàng thông qua các kênh trực tuyến.
Giai đoạn này vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp BĐS thử thách khả năng thích nghi, tận dụng công nghệ để hoạt động hiệu quả. Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nhiều doanh nghiệp đã phản ứng kịp thời và nhanh khi có dịch xảy ra. Ngoài việc chia nhỏ hoạt động mở bán thông qua các đợt bán hàng riêng rẽ, sử dụng App để bán hàng và chuyển dần sang các nền tảng online thay vì phụ thuộc quá nhiều vào offline như trước đây”.
Trước đó, trong Báo cáo quý 1/2021, Batdongsan.com.vn cho biết khi dịch bùng phát, nhu cầu tìm kiếm nhà đất thường có xu hướng giảm mạnh, thậm chí chạm đáy nhưng ngay khi tình hình được kiểm soát, thị trường như một chiếc lò xo bị nén chặt, sẽ bật tăng mạnh mẽ. Đơn cử, trong đợt bùng phát Covid-19 vào tháng 2 năm nay, nhu cầu tìm kiếm BĐS đã giảm 50-100% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên đến đầu tháng 3, chính phủ kiểm soát thành công dịch bệnh, mức độ quan tâm BĐS tăng vọt lên đến 378%.
Vậy khi Covid đợt 4 được kiểm soát, nhu cầu và sức mua BĐS sẽ diễn biến ra sao? Loại hình BĐS cũng như khu vực nào sẽ là điểm “đón sóng” của thị trường?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế nhận định, tốc độ lây lan nhanh cũng như mức độ nguy hiểm của biến thể virus Ấn Độ làm trì trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Theo đó, thị trường bất động sản sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã, đang và sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản. Phân tích sâu hơn về mức độ ảnh hưởng, ông Hiếu nói, ở chiều cung, các công trình bất động sản sẽ bị trì hoãn do giá nguyên vật liệu tăng cao, nguồn lao động khó đảm bảo vì phải thực hiện khoảng cách an toàn. Các doanh nghiệp cũng buộc phải hoãn lại kế hoạch ra hàng. Ở chiều cầu, nhu cầu mua nhà vẫn lớn nhưng sẽ hạn chế do dịch bệnh. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch khó hoạt động như bình thường, dẫn tới đứt nối các hoạt động giao dịch.
Dưới góc độ doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào thị trường bất động sản, bà Hương Nguyễn, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cũng đặt ra lo ngại về tình hình phức tạp của dịch bệnh. Theo bà, làn sóng Covid-19 lần này kéo dài hơn so dự đoán, phức tạp, nghiêm trọng hơn so với những lần trước. Thời điểm đầu năm 2021, Covid-19 bùng phát tại Hải Dương nhưng chỉ trong khoảng 1 tháng, dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát. Các giai đoạn bùng phát Covid-19 trước đó cũng đều chung đặc điểm: thời gian bùng dịch ngắn, tốc độ lây lan chậm. Ngay sau khi dịch kiểm soát, thị trường bất động sản ghi nhận hoạt động giao dịch rất sôi động.
“Tuy nhiên trong lần tái phát dịch bệnh thứ 4, số lượng ca nhiễm tăng lên đáng kể và lan rộng ra nhiều tỉnh. Kịch bản của thị trường bất động sản sẽ không thể lạc quan như dự báo vào đầu năm 2021, bởi quan sát tình hình hiện tại đang có nhiều dấu hiệu bất lợi”, bà Hương nhận định.