Tin nóng BĐS tuần qua (7 - 12/6/2021)

Tâm điểm thị trường địa ốc tháng 5, thị trường bán lẻ Hà Nội tiếp tục “lao đao” vì dịch bệnh, Hà Nội dừng hàng loạt dự án PPP thực hiện theo hợp đồng BT, “soi” tiến độ thực hiện “Siêu dự án” 85.000 tỷ của Hòa Phát tại Quảng Ngãi, Novaland sẽ chuyển nhượng dự án “khủng” 1,5 tỷ USD trong năm nay?, loạt thông tin liên quan đến các dự án của DIC Corp, Siêu dự án gần 1.500ha của Sun Group bị giảm một nửa diện tích,… là những thông tin được quan nhất tuần qua.

Tin nóng BĐS tuần qua (7 - 12/6/2021) - Ảnh 1

Tâm điểm thị trường địa ốc tháng 5

Tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường bất động sản. Phân tích dựa trên dữ liệu của batdongsan.com.vn cho thấy, lượng quan tâm (đại diện cho nguồn cầu) sụt giảm mạnh ở loại hình đất nền tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là tại những tỉnh có số lượng ca nhiễm Covid-19 cao. Loại hình chung cư gây chú ý khi có cú lội ngược dòng với mức tăng ấn tượng ở cả thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chung cư có cú lội ngược dòng với mức tăng ấn tượng ở cả thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thị trường bất động sản tháng 5 ghi nhận nhiều diễn biến nổi bật đáng chú ý, cụ thể: Trong tháng, số lượng doanh nghiệp bất động sản mới thành lập tiếp tục tăng 60.4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này thể hiện tín hiệu tích cực về sự phục hồi của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2021.

Còn so với tháng 4/2021, đất nền là loại hình bất động sản bị ảnh hưởng lớn nhất khi dịch bùng phát, với mức quan tâm giảm 19% chung cho toàn thị trường. Đây cũng là mức giảm của thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các tỉnh/thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%).

Thị trường bán lẻ Hà Nội tiếp tục “lao đao” vì dịch bệnh

Tính tới thời điểm hiện tại, mặt bằng nhà phố thương mại đã đóng cửa nhiều, các trung tâm thương mại phải chấp nhận câu chuyện giảm giá thuê, shophouse ở khu vực trung tâm và các trục đường chính cũng đối mặt với tình trạng đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Giá thuê mặt bằng tiếp tục được điều chỉnh. Đáng chú ý, Việt Nam vẫn ghi nhận nguồn cầu về mặt bằng từ các nhãn hàng xa xỉ muốn mở rộng và tham gia vào thị trường trong nước.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết: “Ở thời điểm trước dịch, yếu tố vị trí thuận tiện và trung tâm đã giúp các chủ cửa hàng mặt phố dễ dàng hút khách, nhất là khách du lịch, nhờ đó có được mức kinh doanh và tăng trưởng ổn định. Giai đoạn trong dịch Covid-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể. Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn “mỏi mắt” tìm khách thuê. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn”.

Hà Nội dừng hàng loạt dự án PPP thực hiện theo hợp đồng BT

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc dừng triển khai thực hiện 82 dự án theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Đáng chú ý, trong số này có dự án của nhiều “ông lớn” bất động sản.

Cụ thể, theo danh sách được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội có 11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện BCNCKT trong đó đáng chú ý là các dự án: Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến QL32 và nút giao giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long do CTCP Him Lam làm chủ đầu tư, dự án vành đai 2,5: Ngụy Như Kon Tum – Nguyễn Trãi – Đầm Hồng do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng và Công trình kiến trúc Hà Nội (Hateco) làm chủ đầu tư.

Ngoài ra có 69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có nhiều dự án của các “ông lớn” bất động sản đang thực hiện thủ tục dự án như: HUD, Geleximco, Hatexco, T&T; Eurowindow Holding, CEO Group,…

Đơn cử như dự án đường vảnh đai 2,5: đoạn từ Khu đô thị mới Dịch Vọng – Dương Đình Nghệ do Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội Geleximco là chủ đầu tư. Dự án đường vành đai 3,5: đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do liên danh Công ty CP Eurowindow Holdings làm chủ đầu tư.

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội  
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội  

“Soi” tiến độ thực hiện “Siêu dự án” 85.000 tỷ của Hòa Phát tại Quảng Ngãi

Vừa qua UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất về việc bổ sung Nhà máy điện nhiệt dư Hoà Phát Dung Quất 2  vào dự thảo Quy hoạch điện VIII. Theo đó, dự án do Công ty cổ phần Thép Hoà Phát Dung Quất (công ty con của Tập đoàn Hòa Phát) làm chủ đầu tư, diện tích dự kiến 283,73 ha.

Được biết, dựa trên tình hình hoạt động của Khu liên hợp Hoà Phát Dung Quất 1 và Nhà máy phát điện nhiệt dư 1 hiện nay và theo báo cáo của nhà đầu tư cung cấp, dự án Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất 2 sẽ triển khai tương tự như dự án 1 về quy mô và dây chuyền công nghệ.

Để nhà đầu tư có cơ sở triển khai xây dựng nhà máy phát điện nhiệt dư 5×60 MW Hòa Phát Dung Quất 2 đồng bộ với việc xây dựng “siêu dự án” Dung Quất 2, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Công Thương bổ sung Nhà máy phát điện nhiệt dư Hoà Phát Dung Quất 2 vào dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Tại ĐHĐCĐ thường niên của Tập đoàn Hòa Phát diễn ra ngày 22/4 vừa qua, công ty cũng đã thông qua phương án đầu tư dự án giai đoạn 2 này với công suất hàng năm dự kiến là 5,6 triệu tấn, trong đó thép dẹt là 4,6 triệu tấn và thép thanh, thép dây chất lượng cao là 1 triệu tấn.

Liên quan đến dự án, ngày 4/6 vừa qua Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết cơ quan này đã tham vấn ý kiến của 16 sở ngành địa phương và các bộ ngành Trung ương, thủ tục cấp chủ trương đầu tư đã cơ bản hoàn thành.

Novaland sẽ chuyển nhượng dự án “khủng” 1,5 tỷ USD trong năm nay?

theo thông tin từ phía Novaland, doanh nghiệp đang trong quá trình đàm phán chuyển nhượng một dự án bất động sản lớn tại TP Hồ Chí Minh, thông tin chi tiết về thương vụ này vẫn chưa được công bố.

Tuy nhiên theo một số nguồn tin thương vụ này có giá trị ước tính 40.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD. Theo dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong năm nay và mang về cho Novaland khoảng 8.000 tỷ đồng lợi nhuận, việc thanh toán được thực hiện trong giai đoạn 2021-2022.

Đáng chú ý, hiện có 2 doanh nghiệp muốn tham gia vào thương vụ này. Điều bất ngờ là không phải những tập đoàn lớn ở nước ngoài, mà một là một “đại gia” bất động sản ở phía Bắc và một tập đoàn kinh tế đa ngành hoạt động trên khắp cả nước, nhưng có trụ sở đặt tại TP Hồ Chí Minh.

Siêu dự án gần 1.500ha của Sun Group bị giảm một nửa diện tích

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En tại huyện Như Thanh của CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group). Theo đó diện tích bị giảm xuống còn 767,58 ha (trước đó dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích lên đến 1.500 ha).

Cụ thể, quy mô dự án sau khi được điều chỉnh gồm: Xây dựng Khu trung tâm du lịch – Khu A (153,41 ha); Khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp – Khu B (200,74 ha); Khu du lịch sinh thái, dịch vụ văn hoá – Khu C (63,59 ha); đường giao thông (45,12 ha); đất mặt nước (101,59 ha); đất núi đá và cây xanh (203,13 ha). Vị trí khu đất thực hiện đự án được xác định tại thị trấn Bến Sung, xã Hải Long, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh. Diện tích đất và mặt nước thực hiện dự án khoảng 767,58 ha.

Ranh giới cụ thể như sau: Phía Đông giáp thị trấn Bến Sung, xã Hải Long, huyện Như Thanh; phía Tây giáp Vườn Quốc gia Bến En; phía Nam giáp xã Xuân Phúc, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh; phía Bắc giáp xã Xuân Khang, huyện Như Thanh.

Thanh tra toàn diện dự án Tân Thịnh của LDG Group

Theo đó, sau khi nghe báo cáo quá trình xử lý vi phạm tại dự án khu dân cư Tân Thịnh của các cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng Công ty Cổ phần đầu tư LDG triển khai dự án khu dân cư Tân Thịnh tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom đã vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, gây bức xúc trong dư luận.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư Tư pháp phối hợp với UBND huyện Trảng Bom và các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ, xác định cơ sở pháp lý tiếp tục cho hoàn thiện các thủ tục về đất đai, xây dựng đầu tư đối với các vi phạm của dự án.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký Quyết định số 4734/QĐ/XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần đầu tư LDG và buộc đơn vị này nộp số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 6,3 tỷ đồng về những sai phạm tại dự án khu dân cư Tân Thịnh.

Loạt thông tin liên quan đến các dự án nghìn tỷ của DIC Corp

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt Điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch Long Tân tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai): Cụ thể, theo quyết định, Khu đô thị du lịch Long Tân sẽ được quy hoạch thành hai phân khu chức năng là khu đô thị du lịch và khu hành lang cách ly đường Vành đai 3. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai giao chủ đầu tư dự án là Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) phối hợp với UBND huyện Nhơn Trạch, các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành công bố công khai nội dung quy hoạch. Đồng thời, tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt hồ sơ nhiệm vụ cắm mốc giới theo quy định.

Phó Thủ tướng chỉ đạo rà soát tiến độ triển khai dự án nghìn tỷ của DIC Corp: Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo rà soát, xác định rõ đúng, sai trong việc triển khai thực hiện dự án  Khu Trung tâm Chí Linh của DIC Corp được phê duyệt từ năm 1996.

Cụ thể, Ngày 09/6, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3823, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trước đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 28 ngày 14/4/2021 về việc báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện dự án Khu trung tâm Chí Linh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát hồ sơ, thủ tục, quá trình triển khai dự án Khu Trung tâm Chí Linh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án được Thủ tướng phê duyệt cho Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ du lịch thuộc Bộ Xây dựng (nay là Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng – DIC Corp – DIG) làm chủ đầu tư từ năm 1996.

Bảo Châu

Theo Kinh doanh & Phát triển