Bước lùi của Yeah1: Rủi ro xây nhà trên nền tảng khác
Sự phụ thuộc của các doanh nghiệp kinh doanh truyền thông đa phương tiện như Yeah1 vào các nền tảng lớn, có sẵn trên thế giới mang nhiều rủi ro.
Theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), từ ngày 12/4, cổ phiếu tại CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) của ông trùm truyền thông và truyền hình Nguyễn Ảnh Nhượng Tống bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát và chỉ được giao dịch trong phiên chiều.
Đây là bước lùi tiếp theo Tập đoàn Yeah1 sau khi ghi nhận 2 năm lỗ liên tiếp. Giá cổ phiếu YEG tiếp tục tụt giảm xuống còn khoảng 36.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức 300.000 đồng/cp trong phiên giao dịch hồi giữa năm 2018.
Theo Ths Nguyễn Bình Minh, giảng viên trường Đại học Thương mại, giá cổ phiếu của Yeah1 sụt giảm có nhiều lý do, chủ yếu liên quan đến dòng tiền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng mạng đa kênh với Youtube, đánh dấu bằng việc Youtube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung, nói đơn giản là "nghỉ chơi" với Yeah1 vào năm 2019, đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của Yeah1, mà hệ quả của nó còn kéo dài tới ngày nay. Đây là cái giá doanh nghiệp phải trả khi phụ thuộc vào Youtube.
Bản thân ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 đã phải cay đắng thừa nhận, sự cố với Youtube đã cho Yeah1 một bài học, bài học ấy phải trả giá cực kỳ đắt mà Yeah1 mất hàng ngàn tỷ để nhận lại, bài học để Yeah1 tiếp tục vươn ra trường quốc tế.
"Đừng xây nhà trên đất người khác, đó là bài học với Yeah1 khi sự cố đó không chỉ ảnh hưởng hệ thống đa kênh mà còn khiến các đối tác ở mảng khác quan ngại", ông chủ Yeah1 kết luận. Dù khẳng định sẽ sớm trở lại, 6 tháng, 1 năm và hôm nay sau 2 năm, lời hứa của Yeah1 vẫn chưa thành hiện thực
Lưu ý trường hợp như của Yeah1 không phải là duy nhất mà sẽ là tình huống doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt, Ths Nguyễn Bình Minh cho hay, một khi hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh truyền thông đa phương tiện gắn với các nền tảng lớn, có sẵn trên thế giới như Youtube, Google, Facebook, thì đương nhiên phải chấp nhận những rủi ro mà nó đem lại.
Cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 vừa bị HOSE chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát. Ảnh: Dân Việt |
"Khi đứng trên vai người khổng lồ, doanh nghiệp có thể tăng trưởng nhanh chóng. Youtube, Goolge, Facebook... đã bỏ ra rất nhều công sức để xây dựng nền tảng của mình để thu hút nhiều người tham gia. Doanh nghiệp hoạt động dựa trên những nền tảng lớn ấy sẽ tận dụng được lượng khách hàng sẵn có của họ, thay vì tự tạo ra điểm tiếp xúc mà không thể có được lượng khách hàng đủ lớn.
Thế nhưng, khi doanh nghiệp tham gia vào những nền tảng ấy thì phải xác định rõ mình chỉ là người chơi, còn các nền tảng quốc tế mới là chủ sân chơi. Do vậy, doanh nghiệp phải tuân thủ luật chơi của họ, phải lường được rằng quyết định cuối cùng thuộc về người tổ chức sân chơi.
Nếu doanh nghiệp càng tăng trưởng nhanh trên đó thì càng phải hiểu rằng, các nền tảng như Youtube, Google, Facebook cho phép doanh nghiệp tăng trưởng nhanh được thì họ cũng có thể khiến cho doanh nghiệp lụn bại được", Ths Nguyễn Bình Minh chỉ rõ.
Bởi vậy, ông cho rằng không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải chủ động có giải pháp phòng ngừa, mà trước hết là phải hiểu luật chơi, các yêu cầu của những nền tảng quốc tế, cẩn thận với những hoạt động có thể bị xem xét, ngăn chặn.
"Thường thì các nền tảng quốc tế không "tiêu diệt" doanh nghiệp một cách bừa bãi mà sẽ cho doanh nghiệp thời gian để giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp mắc phải. Nhưng với một số doanh nghiệp, các vấn đề không thể xử lý được triệt để, cuối cùng dẫn đến sự cố đối với các nhà cung cấp dịch vụ. Theo đó, khi không tuân thủ quy định của các nền tảng quốc tế, họ sẽ xử lý bằng cách cấm, xóa, dừng hợp tác... Mà một khi sự cố xảy ra, doanh thu của doanh nghiệp sẽ sụt giảm rất nhanh", ông Minh nêu rõ.
Cân đối cơ cấu kinh doanh, tránh lệ thuộc vào một nền tảng cũng là một trong những giải pháp doanh nghiệp cần đặt ra. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, điều này không dễ và doanh nghiệp buộc phải cân đối giữa hai bài toán. Trường hợp doanh nghiệp muốn có một hệ thống lớn, tăng trưởng nhanh thì phải dựa vào một ông lớn vì mức độ an toàn của họ cao, nhưng phải tuân thủ luật chơi mà ông lớn đặt ra. Còn nếu doanh nghiệp tự gây dựng nền tảng của riêng mình thì phải tốn rất nhiều công sức và tiên bạc, trong khi cơ hội thành công thấp vì cạnh tranh với ông lớn không dễ.
Đây là việc doanh nghiệp phải lựa chọn, nhưng xu thế chung là doanh nghiệp nào giỏi bao giờ cũng phải thiết lập một hệ thống riêng cho mình, do mình làm chủ", Ths Nguyễn Bình Minh dẫn ví dụ và nhấn mạnh rằng, điều này không có nghĩa là không có rủi ro.
Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng Youtube, khi bị hacker tấn công thì Youtube sẽ chịu trách nhiệm, còn nếu doanh nghiệp tự kinh doanh trên nền tảng của mình, bị hacker tấn công thì chính doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí cái giá phải trả chính là cái chết của doanh nghiệp.