Bước ngoặt của VPS và 'đề bài mới' với ông Nguyễn Lâm Dũng
Một chiến lược cạnh tranh mới trong bối cảnh mới sẽ là “đề bài mới” không dễ giải đối với ông Nguyễn Lâm Dũng, nhất là khi một mô hình trái ngược hoàn toàn với VPS lại đang đem đến thành công.
Bước ngoặt tới lúc bất ngờ
Nếu như việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là bước ngoặt giúp các công ty chứng khoán thế hệ đầu bùng nổ thì đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội bứt phá cho các công ty chứng khoán thế hệ tiếp theo, trong đó có Công ty Chứng khoán VPS.
VPS, tiền thân trực thuộc ngân hàng VPBank, đổi chủ từ cuối năm 2015. Sau khi đổi chủ, lợi nhuận trước thuế của VPS tăng vọt lên 135 tỷ đồng vào năm 2016, từ mức vỏn vẹn 4 tỷ đồng của năm 2015. Năm 2017 và năm 2018, lợi nhuận của VPS tăng bình quân gần gấp đôi qua mỗi năm, lần lượt đạt 290 tỷ đồng và 514 tỷ đồng. Sang năm 2019, lợi nhuận nhích nhẹ lên 558 tỷ đồng.
Không phải tự doanh, môi giới hay cho vay margin, trợ lực cho lợi nhuận của VPS trong giai đoạn này chủ yếu đến từ hoạt động tư vấn tài chính. Năm 2016, hoạt động này đem về tới 195 tỷ đồng doanh thu cho VPS và đạt mỗi năm trên 290 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2018. Thậm chí sang năm 2019, doanh thu hoạt động tư vấn tài chính của VPS còn lên tới… 500 tỷ đồng. Điều này gây ngạc nhiên bởi vốn dĩ hoạt động tư vấn tài chính gắn liền với các thương vụ và thông thường sẽ thiếu sự ổn định qua các năm. Tuy nhiên, VPS lại ghi nhận nguồn thu không những lớn (hơn đáng kể những doanh nghiệp “sừng sỏ” trong mảng này như Vietcap, SSI) mà còn đều đặn và tăng dần qua các năm, đòi hỏi phải liên tục thực hiện các thương vụ với tổng quy mô lớn.
Bước ngoặt đưa tên tuổi VPS lên một tầm cao mới là khi đại dịch Covid-19 nổ ra, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới phá vỡ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân “bùng nổ” trên thị trường chứng khoán. Thị phần môi giới cổ phiếu của VPS cũng tăng phi mã.
Cần biết, trước đại dịch, VPS đã thực thi chiến lược gia tăng nhân sự môi giới để đánh chiếm thị phần. Sau một thời gian biến động trồi sụt, kể từ cuối tháng 6/2018, số lượng nhân viên của VPS bắt đầu tăng nhanh. Nửa cuối năm 2018, lượng nhân viên VPS tăng từ 321 người lên 430 người. Sang năm 2019, con số được nâng lên 772 người. Tương ứng, VPS cũng bắt đầu lọt vào Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất trên sàn HoSE từ cuối năm 2018 và cho đến trước khi đại dịch xảy ra, VPS nằm ở nửa cuối bảng xếp hạng này.
Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong đại dịch là thời cơ “có một không hai” để VPS vươn lên trong bảng xếp hạng thị phần môi giới cổ phiếu. Số lượng nhân viên của VPS tăng đột biến 1.631 người vào cuối tháng 6/2021, tiếp tục tăng lên 2.509 người vào cuối tháng 12/2021 và đạt mức đỉnh 2.561 người vào cuối tháng 6/2022 - khi chỉ số VN-Index đạt đỉnh mọi thời đại và bắt đầu lao dốc không phanh. Đó là chưa kể đến đội ngũ cộng tác viên hết sức đông đảo, được VPS thu hút bởi chính sách hoa hồng môi giới cao.
Thị phần môi giới cổ phiếu của VPS nhanh chóng lọt Top 5 trên sàn HoSE vào quý II/2020, thăng hạng lên Top 3 vào quý III/2020, giữ ngôi á quân vào quý IV/2020 và chính thức soán ngôi quán quân vào quý I/2021. Quãng thời gian sau đó, khoảng cách thị phần giữa VPS và phần còn lại ngày càng được nới rộng, đỉnh điểm là vào quý I/2024, thị phần môi giới cổ phiếu của VPS chiếm tới… hơn 1/5 toàn sàn HoSE.
Cùng với đà tăng lên của thị phần môi giới cổ phiếu, hai mảng kinh doanh “ăn theo” thị phần là cho vay margin và môi giới chứng khoán dần trở thành mảng kinh doanh trụ cột của VPS.
Cụ thể, nếu như giai đoạn 2016 - 2019, hoạt động tư vấn tài chính chi phối lợi nhuận ròng của VPS, thì sang đến giai đoạn 2020 - 2023, nguồn thu từ hoạt động cho vay margin luôn giữ vị trí cao nhất qua các năm và xu hướng này vẫn tiếp diễn trong 6 tháng đầu năm 2024.
Nhưng điều gây bất ngờ hơn là lãi thuần từ hoạt động môi giới chứng khoán của VPS cũng cải thiện hết sức rõ rệt qua các năm, dù rằng công ty chứng khoán này liên tục phải chi ra các chương trình khuyến mãi về phí giao dịch cũng như chi hoa hồng môi giới cao. Kể từ năm 2021, lãi thuần từ hoạt động này lên đến hàng trăm tỷ đồng, kể cả nếu trừ đi chi phí lương thưởng.
Tựu trung, việc độc chiếm thị phần môi giới đã giúp VPS chuyển đổi cơ cấu kinh doanh theo hướng bền vững hơn, với phần lớn nguồn thu đến từ cho vay margin và môi giới chứng khoán thay vì phụ thuộc vào hoạt động tư vấn tài chính như trước. Dù vậy, lợi nhuận trước thuế của VPS chưa thể bứt phá được như cách họ bứt phá về thị phần môi giới, một phần cũng vì cách thức kinh doanh khá “lạ” khiến VPS thường xuyên lỗ nặng ở mảng tự doanh trong những năm gần đây. So sánh với các công ty chứng khoán khác, lợi nhuận trước thuế của VPS trước năm 2024 chỉ ở mức “thường thường bậc trung”.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của VPS tăng vọt lên 1.284 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này còn cao hơn… lợi nhuận kỷ lục cả năm của VPS, dù kết quả kinh doanh mới ghi nhận một nửa chặng đường của năm 2024, đưa công ty chứng khoán này vào nhóm công ty chứng khoán hàng đầu về lợi nhuận.
“Đề bài mới” với ông Nguyễn Lâm Dũng
Nắm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPS kể từ năm 2016, tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh khác biệt của ông Nguyễn Lâm Dũng đã đưa VPS lên “ngôi vua” thị phần môi giới cổ phiếu và dần “hái quả ngọt” lợi nhuận.
Nhưng thị trường luôn vận động không ngừng. Các công ty chứng khoán khác cũng đang đưa ra mức phí giao dịch thấp hơn hoặc các ưu đãi về phí giao dịch, đồng thời cũng nâng tỷ lệ hoa hồng môi giới lên để gia tăng sự cạnh tranh. Tuy nhiên, đây chưa phải điều đáng ngại nhất với VPS.
Đang có một thế lực mới xuất hiện trong cuộc đua thị phần môi giới cổ phiếu. 3 quý gần nhất, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) liên tiếp lọt vào Top 3 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE, đánh bật những tên tuổi lẫy lừng một thời như VNDIRECT, HSC, Vietcap. Trước đó, TCBS từng lọt vào Top 10 thị phần vài lần rồi lại “bật bãi”, mãi đến quý I/2021 bắt đầu ổn định ở trong Top 10.
Sự bứt tốc của TCBS là nhờ chiến lược miễn phí giao dịch (zero-fee) bắt đầu được áp dụng từ đầu năm 2023. Đây là một chiến lược không lạ, từng được Techcombank (công ty mẹ của TCBS) khởi xướng áp dụng trong ngành ngân hàng kể từ tháng 9/2016, giúp Techcombank tạo dựng vị thế mới và tạo ra cuộc đua zero-fee trong ngành ngân hàng sau này. Cùng với việc áp dụng chiến lược zero-fee, mô hình hoạt động của TCBS cũng không có sự góp mặt của môi giới chứng khoán - hoàn toàn ngược lại so với mô hình của VPS. Thế nhưng, hiệu quả là rõ thấy.
Sự trỗi dậy của TCBS và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng về phí giao dịch và hoa hồng môi giới sẽ ngày càng gây sức ép lên VPS trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, sau khi đạt đỉnh 20,29% vào quý I/2024, thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE của VPS đã suy giảm đáng kể trong quý II/2024 khi đạt mức 18,16%, thấp hơn 4 quý liền trước.
Một chiến lược cạnh tranh mới trong bối cảnh mới sẽ là “đề bài mới” không dễ giải đối với ông Nguyễn Lâm Dũng, nhất là khi một mô hình trái ngược hoàn toàn với VPS lại đang đem đến thành công.