Cả vạn m2 sàn thương mại ế ẩm, phủ bụi giữa chung cư kín người

Từng được kỳ vọng là điểm nhấn thương mại, nhiều mặt bằng tại chân đế chung cư nay vắng bóng khách thuê. Giá cao, tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư khiến nơi đây dần trở thành những “khu đất lạnh” giữa lòng đô thị.

Những sàn thương mại dưới chân đế chung cư từng được quảng cáo là “trái tim tiện ích” đối với cư dân. Tuy nhiên, hiện nay các mặt bằng cho thuê này đang trong tình trạng bỏ trống nhiều, luôn trong tình trạng “đèn tắt, cửa đóng then cài”.

Nhiều đơn vị kinh doanh tỏ ra không quá mặn mà với mặt bằng thuê bởi giá cho thuê cao và tình trạng cư dân tranh chấp quyền lợi với chủ đầu tư, điều này khiến doanh thu kinh doanh tụt giảm nghiêm trọng.

Khách thuê không “mặn mà” nên nhiều mặt bằng “nằm” bám bụi.  
Khách thuê không “mặn mà” nên nhiều mặt bằng “nằm” bám bụi.  

Sàn thương mại: Từng là “gà đẻ trứng vàng”

Tại Hà Nội, hàng loạt chung cư thương mại như: Tòa Discovery Complex Cầu Giấy, Chung cư Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chung cư Eco Lake View (Hoàng Mai, Hà Nội), Linh Đàm, Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội)…đang diễn ra tình trạng bỏ trống mặt bằng, nhiều lô mặt bằng từng được khách hàng kỳ vọng sinh lời cao nhưng nay lại “vô tình” trở thành gánh nặng tài chính, dẫn đến nhiều khách thuê phải “bỏ của chạy lấy người”.

Theo môi giới Hùng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), giá thuê mặt bằng chân đế chung cư tại Hà Nội có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt tại các khu vực trung tâm như Ba Đình, Cầu Giấy…giá thuê dao động động từ 1-2 triệu đồng/m2, tương đương mặt bằng 30m2 sẽ có giá thuê dao động từ 30-60 triệu đồng/tháng. Còn đối với khu vực ngoài trung tâm (Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm…) giá thuê trung bình từ 500.000-800.000 đồng/m2, tương đương mặt bằng 20m2 sẽ có giá thuê dao động từ 10 triệu - 16 triệu đồng/tháng.

Theo ghi nhận của PV VietnamFinance, tại chung cư thương mại Discovery Complex (Cầu Giấy, Hà Nội) đang bỏ trống đến 90% các mặt bằng kinh doanh, người thuê đã đồng loạt rời mặt bằng nhiều năm nay.

Chị Ngọc Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Từ khi các trung tâm thương mại như Lotte, Aeon “nở rộ”, khách hàng lui tới đây ngày một ít, mặt bằng cho thuê cao, dao động từ 20-30 triệu đồng/tháng khiến nhiều chủ hộ kinh doanh không thể trụ nổi.

“Tình trạng bỏ trống các mặt bằng kinh doanh dưới chân đế chung cư đã phản ánh mô hình kinh doanh này cần phải thay đổi chiến lược để bắt kịp xu hướng người tiêu dùng, người trẻ bây giờ mua sắm lạ lắm, đặt hàng online, mua sắm không có giờ giấc cụ thể, có thể 1-2h sáng các bạn trẻ mới mua đồ ăn…trong khi các mặt bằng cho thuê tại chân đế chung cư đã 'đi ngủ' từ 22h”, chị Mai nói.

Chị Mai Hương - chủ hộ kinh doanh tại Discovery Complex chia sẻ: “Tôi cũng nản vì các hộ kinh doanh xung quanh đều đồng loạt bỏ mặt bằng và rời đi, lượng khách trong năm qua giảm rõ rệt, cửa hàng đồ dùng gia đình tôi đang kinh doanh phải chống chọi với chi phí hàng chục triệu đồng thuê mỗi tháng, chưa kể chi phí nhân viên, thuế…Thời gian gần đây cửa hàng đã phải cắt giảm nhân viên và tìm mặt bằng thuê mới để tiếp tục kinh doanh”.

Tương tự, tại chân đế chung cư Eco Lake View (Hoàng Mai, Hà Nội), các mặt bằng cho thuê cũng đang bỏ trống hàng loạt. Nhân viên của tòa nhà cho biết, hiện nay các mặt bằng chân đế tại toà chỉ bán lại chứ không cho thuê như trước nữa vì lượng khách thuê ít và không thuê dài hạn nên yếu tố sinh lời không cao.

“Mặt bằng tại chân đế các tòa chung cư xung quanh đang cho thuê với giá từ 500.000 đồng/m2, lô nhỏ nhất diện tích 50m2, tương đương 25 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên rao giá là vậy nhưng còn phải “cân đối” với khách thuê, có thể giảm giá nếu khách thiện chí thuê sớm và dài hạn”, nhân viên này cho biết. 

Đặc biệt hơn, nhiều chủ hộ kinh doanh phải rời đi bất đắc dĩ, không chỉ do nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh, giá thuê cao…mà do cư dân sống tại chung cư xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư, điều này khiến việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cả vạn m2 sàn thương mại ế ẩm, phủ bụi giữa chung cư kín người - Ảnh 1
Kinh doanh tại chung cư xảy ra tranh chấp nên nhiều chủ mặt bằng đành “bỏ của chạy lấy người”. 

Chia sẻ với PV VietnamFinance, anh Xuân Vũ - một chủ kinh doanh tại chung cư C2 Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thời gian mới thuê, doanh thu của cửa hàng khá đều, thuê mặt bằng với giá 20 triệu đồng/tháng, thu nhập mỗi tháng của cửa hàng dao động từ 40-50 triệu đồng, trừ đi các chi phí sản phẩm, nhân công, phát sinh… mỗi tháng lãi ròng được 10-15 triệu đồng.

“Tuy nhiên, khi cư dân xảy ra sự cố với chủ đầu tư, họ căng băng rôn dán kín toà nhà, xe cộ xếp kín lối đi, khiến việc kinh doanh của tôi “lao dốc”, lượng khách xuống mua sắm giảm nhiều, nhiều khách hàng còn “giận cá chém thớt”, tức chủ đầu tư nên tẩy chay hàng hoá thương mại tại chân đế chung cư…”, anh Vũ giãi bày. 

Bảo vệ tòa chung cư này cho biết, các mặt bằng này được bỏ trống hơn một năm nay. Thậm chí, các cơ sở kinh doanh vững như ngân hàng cũng phải “bỏ của chạy lấy người”, dù trước đó đã thuê mặt bằng nhiều năm qua. Từ khi các mặt bằng rời đi, không khí tại chung cư ảm đạm nhiều, không còn cảnh cư dân nhộn nhịp xuống sảnh mua sắm…mọi thứ khác xưa quá nhiều. 

Mặt bằng cho thuê dần “thất sủng” ?

Môi giới Quang Hoà - người có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cho thuê bất động sản tại Thanh Xuân (Hà Nội) đánh giá, tuy mặt bằng cho thuê rộng rãi, nằm ở vị trí đắc địa, sở hữu nguồn khách hàng dồi dào và độc quyền. Nhưng lối đi tiếp cận hộ kinh doanh thì bị hạn chế, thường lối vào chung cư chỉ có 1-2 lối nhỏ, điều này vô tình cản trở những khách hàng không sống trong chung cư đến mua sắm, dẫn đến lưu lượng khách thực tế thấp hơn kỳ vọng ban đầu.

“Ngoài ra, mâu thuẫn giữa nhu cầu sử dụng của cư dân với chủ đầu tư cũng là một nguyên nhân khiến lượng khách tụt giảm, ví dụ như cư dân muốn sàn thương mại phục vụ các tiện ích nội khu như siêu thị, hiệu thuốc…nhưng chủ đầu tư lại cho thuê mở nhà hàng, quán bia, karaoke…gây ồn ào, điều này hình thành tâm lý khó chịu cho người tiêu dùng và ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ kinh doanh xung quanh”, môi giới này nhận định.

Theo các chuyên gia bất động sản tại TP.HCM, trong giai đoạn 2016-2019, mặt bằng tại khối đế chung cư từng được săn đón nhờ lưu lượng cư dân ổn định và chi phí thấp hơn so với trung tâm thương mại. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã khác, nhiều dự án không đạt mật độ dân cư như kỳ vọng, không nằm ở vị trí giao thương thuận tiện, ít kết nối bên ngoài… khiến mặt bằng kinh doanh rơi vào tình trạng “đèn mờ” liên tục.

Theo Ông Vũ Hoài Nam - chuyên gia bán lẻ tại Hà Nội cho biết: “Người tiêu dùng hiện nay ưa chuộng trải nghiệm, di chuyển, chứ không chỉ giới hạn quanh khu dân cư. Nếu không có các yếu tố thuận tiện như: nằm trên tuyến đường lớn, bãi đỗ xe rộng rãi, thuận tiện thì các mặt bằng khối đế rất khó hấp dẫn các chuỗi F&B hay bán lẻ mới”. Ông nói thêm, tuy nhiên không nên “quy kết” mặt bằng chân đế chung cư là hết tiềm năng, vấn đề nằm ở chiến lược phát triển và thiết kế ngay từ đầu.

“Thị trường này không hề mất giá trị, nhưng đang trong giai đoạn thanh lọc, mặt bằng tại các chung cư có quy hoạch tốt, tích hợp giao thông - dịch vụ, vẫn là những lựa chọn của nhiều thương hiệu quy mô nhỏ và vừa, nhưng phải thừa nhận, thời của “sự dễ dãi” trong đầu tư đã qua”, ông Nam nói. Các chuyên gia đều đồng thuận rằng, để tránh bị “thất sủng”, chủ đầu tư cần tái cấu trúc mặt bằng khối đế: thiết kế linh hoạt, tối ưu diện tích nhỏ lẻ, đảm bảo lưu thông giao thương giữa nội khu và bên ngoài. Đồng thời, chính sách cho thuê phải mềm dẻo, hỗ trợ đối tác trong giai đoạn đầu.

An Linh

Theo Vietnamfinance