Nới room tín dụng có phải “liều doping” cho thị trường bất động sản?
(CL&CS) - Động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được cho là “dòng nước mát” giải tỏa “cơn khát” vốn ở lĩnh vực bất động sản nhiều tháng qua. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, đây chưa hẳn là tín hiệu vui cho thị trường địa ốc.
Chỉ những nhà băng mạnh mới được nới room
Thông thường, NHNN sẽ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vào đầu năm, và sẽ có những đợt đánh giá lại vào giữa hoặc cuối năm. Tùy vào tình hình kinh doanh, năng lực của các ngân hàng mà NHNN có thể nới thêm hạn mức đã cấp.
Thế nhưng, nhiều tháng qua, NHNN đã có quan điểm cứng rắn về tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và trong nước không ngừng leo thang. Điều này đã khiến nhiều nhà băng “lỡ hẹn” giải ngân cho khách hàng, nhất là khách hàng vay mua bất động sản, vì “hết room”.
Gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng công bố sẽ điều chỉnh phần còn lại của room tín dụng 14% NHNN đã đề ra từ đầu năm, hỗ trợ cho việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không áp dụng cho toàn hệ thống ngân hàng, thay vào đó sẽ dựa trên các cơ sở: Kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng (TCTD) được quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã sửa đổi và bổ sung); xem xét các yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
Nói cách khác, chỉ những ngân hàng có “sức khỏe” tốt mới được NHNN cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cách làm này, theo NHNN, sẽ “khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng”.
Theo CTCP Chứng khoán SSI, việc NHNN phân bổ room tín dụng còn lại của năm 2022 tương đương sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng. Dự báo hạn mức dao động từ 3 - 5% tùy vào tình hình kinh doanh của từng ngân hàng.
Động thái nới room tín dụng của NHNN diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà băng “than trời” vì cạn sạch room tín dụng chỉ sau nửa năm. Trong đó, phần nhiều nguyên nhân là do các nhà băng cho vay “quá tay” vào lĩnh vực bất động sản.
Theo số liệu của NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đã đạt 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cùng kỳ trong khi mức tăng trưởng tín dụng bình quân của cả nền kinh tế chỉ là 9,35%.
Chưa hẳn là “liều doping” cho bất động sản
Trong khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư hồi hộp chờ đợi động thái nới room tín dụng chính thức từ NHNN thì các chuyên gia lại bày tỏ quan điểm rằng đây chưa chắc đã là tín hiệu vui.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết bản chất của việc nới room tín dụng chỉ là con số còn lại trong mức trần tăng trưởng tín dụng 14% của năm 2022 đã được NHNN xác định từ đầu năm.
“Ngân hàng Nhà nước đã tính toán ngay từ đầu năm nên việc này (nới room tín dụng) không phải diễn biến mới với thị trường bất động sản”, ông Châu nói.
Ông Châu cho rằng, NHNN nên xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm 2022 lên thêm 1 - 2% so với hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% đã đề ra trước đây vì hầu hết các ngân hàng thương mại đã gần cạn room, trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 NHTM cổ phần lớn nhất (nhóm “Big 4”) và các NHTM đạt chuẩn Basel II.
Tuy nhiên, kể cả khi các NHTM có dư địa cho doanh nghiệp vay vốn thì sẽ không có việc cắt giảm thủ tục, tinh giản điều kiện và giảm lãi suất cho vay vì có thể dẫn đến rủi ro cho các ngân hàng và toàn nền kinh tế. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng ngân hàng sẽ được luân chuyển từ lĩnh vực nhiều rủi ro sang lĩnh vực ít rủi ro, mà bất động sản lại được đánh giá là lĩnh vực nhiều rủi ro. Do đó, trong ngắn hạn, hy vọng dòng vốn ngân hàng quay lại lĩnh vực bất động sản là rất thấp.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, thời gian qua nguồn vốn tín dụng “chảy” vào lĩnh vực bất động sản đã vượt quá mức cần thiết, nhiều hơn các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Trong năm 2022, dù NHNN đã có động thái siết dòng vốn tín dụng nhưng vốn tín dụng vẫn chảy vào lĩnh vực này thông qua trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Hiển cho biết, 70% vốn tín dụng ngân hàng đang “nằm” trong lĩnh vực bất động sản. Với mô hình kinh doanh hiện nay, ngân hàng càng tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp bất động sản càng thâm dụng vốn.
“Phải biết rằng, hơn 70% nhà đầu tư là lướt sóng, trong khi bất động sản khai thác chiếm tỷ lệ nhỏ. Do vậy khi giá chững lại thì thanh khoản giảm mạnh, ảnh hưởng tức thời tới dòng tiền thu hồi của ngân hàng. Chưa kể, thời hạn quay vòng vốn trong lĩnh vực bất động sản rất dài, bình quân 10 năm, cao gấp 4 lần các ngành sản xuất kinh doanh khác. Về lâu dài, điều này sẽ gây bất ổn, vì vậy khả năng dòng vốn tín dụng đổ vào nhà đất được nới rộng trong ngắn hạn là rất khó có thể xảy ra”, ông Hiển phân tích.