Thị trường Bất động sản vẫn khát vốn sau nới room tín dụng?

(CL&CS) - Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố sẽ nới room tín dụng cho một số ngân hàng, tuy nhiên, mức nới room tín dụng rất thấp và chỉ nới với một số ngân hàng nên vẫn chưa thể giúp các doanh nhiệp và người mua nhà hết cơn “khát vốn”.

Nới room tín dụng không làm giảm cơn khát vốn của thị trường?

Nguồn tin từ TheLeader cho hay, trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với tổ chức tín dụng có đề nghị và gửi thông báo cho các đơn vị này. Việc điều chỉnh hạn mức tín dụng, theo Ngân hàng Nhà nước, dựa vào việc đánh giá tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng và còn phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ...

Nhiều ngân hàng được nới room tín dụng
Nhiều ngân hàng được nới room tín dụng

Nhiều ngân hàng được tăng room, mức tăng cao nhất khoảng 4%, thấp nhất khoảng 0,7%. Đơn cử như như Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%; OCB 3,1%; VIB 3%; …

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ Tịch DTJ Group cho rằng, việc ngân hàng nới room sẽ tác động tích cực đến thị trường.

Ngay sau khi thông tin nới room tín dụng được phát đi, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản đều cảm thấy rất phấn chấn và đầy hy vọng về sự phục hồi của thị trường sau thời gian dài trầm lắng. Những tín hiệu từ chính sách vĩ mô này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, đây đơn thuần chỉ là yếu tố cảm xúc của các nhà đầu tư trên thị trường. Ngoài việc các chính sách từ Chính phủ luôn có độ trễ về thời gian tác động thì việc nới room tín dụng chỉ với một số ngân hàng nên vẫn chưa thể giúp các doanh nghiệp và người dân hết "khát vốn".

Mặt khác, hiện nay với mỗi ngân hàng được nới room chỉ khoảng 2 - 3% nên số vốn được tăng không nhiều. Hơn nữa, phần nới room này không chỉ cho bất động sản mà còn cho các ngành nghề khác, do đó, sự tác động đối với thị trường là không lớn.

Tại nhiều ngân hàng, nhiều hồ sơ khách hàng thỏa mãn hết điều kiện, được duyệt nhưng không có room để giải ngân nên khách hàng cũng "xếp hàng" mòn mỏi, nhất là khi đã gần đến cuối năm - thời điểm mà nhu cầu vốn của khách hàng tăng rất cao.

Chưa kể, lãi suất huy động và lãi xuất cho vay của các ngân hàng cũng đang tăng mạnh. Điều này sẽ khiến cho tâm lý e ngại của nhà đầu tư khi xuống tiền vào thị trường bất động sản tăng.

Do đó, khả năng thị trường bất động sản sẽ sôi động sau thông tin nới room tín dụng là khó có thể xảy ra. Thay vào đó, thị trường bất động sản sẽ phát triển một cách thực chất và bền vững hơn. Nguồn vốn sẽ chảy vào các phân khúc bất động sản có nhu cầu thực, đáp ứng mong mỏi của người mua nhà. Các dự án bất động sản chất lượng tốt, của các chủ đầu tư uy tín và vừa túi tiền của khách hàng, nhà đầu tư cũng sẽ vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Còn theo ý kiến của TS. Cấn Văn Lực, nếu không được khơi thông sớm về nguồn vốn, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc triển khai dự án, khách hàng cũng gặp khó khi tiếp cận vay mua nhà. Hệ quả là thị trường bất động sản chậm thanh khoản, nợ đọng lẫn nhau của các doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng tăng cao. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, đối với không chỉ thị trường bất động sản mà còn đối với cả nền kinh tế.

Các ngân hàng đối diện với cuộc đua lãi suất?

Dù room tín dụng toàn hệ thống NH vẫn giữ ở mức 14% tuy nhiên những ngày gần đây đã chứng kiến cuộc "chạy đua vũ trang" giữa các NH để giữ nguồn vốn. Từ đầu tháng 9 đến nay lãi suất huy động tại nhiều NH tiếp tục tăng ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh cao nhất lên đến 1%/năm.

Nguồn tin từ báo Tuổi trẻ cho hay, lạm phát tăng khiến NH Nhà nước siết tín dụng, song song đó là hút tiền về qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ. Tiền đồng khan hiếm khiến các NH phải tăng cường vay mượn lẫn nhau trên thị trường liên NH đã đẩy lãi suất liên NH lên cao, song song đó là tăng lãi suất huy động vốn của người dân. Từ đó dẫn đến cuộc đua lãi suất giữa các NH trong thời gian gần đây.

Mặt khác, vì tín dụng bị siết, doanh nghiệp phải tăng cường dùng vốn tự có khiến nguồn tiền bị rút ra khỏi hệ thống NH. Thêm nữa, lạm phát cao khiến người gửi tiền cũng tính toán chuyển vốn qua kênh đầu tư khác thay vì gửi tiết kiệm. Do đó, dù lãi suất huy động tăng nhưng tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống từ đầu năm đến nay luôn ở mức thấp hơn tăng trưởng tín dụng.

Hiện đang xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về việc quản lý theo room tín dụng, thậm chí có ý kiến đề nghị gỡ bỏ room để thị trường vận động.

Theo một vị lãnh đạo ngân hàng cổ phần cũng cho hay, một áp lực kép là ngày 1-10 tới đây, tỉ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tối đa sẽ giảm từ 37% xuống 34%.

Đó cũng là một trong những áp lực buộc các NH phải đẩy mạnh huy động vốn nhằm đạt tỉ lệ theo yêu cầu của NH Nhà nước. Kéo theo đó lãi suất cho vay cũng đi lên. Hiện lãi suất cho vay với doanh nghiệp ở mức 6,5 - 7,5%/năm trong khi lãi suất cho vay cá nhân từ 11 - 12%/năm tùy NH, chưa tính chi phí do phải mua bảo hiểm.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống