Các ngân hàng thương mại gặp khó khi giải ngân gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng
Thống đốc cũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ kết quả hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, báo cáo thường xuyên ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về tiến độ, kết quả giải ngân gói chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành chủ động triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương, từ Ngân hàng Nhà nước đến các ngân hàng thương mại, từ Hội sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Gói hỗ trợ lãi suất 2% mới đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.
Qua gần 3 tháng thực hiện, một số ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai chính sách và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng thương mại chưa tập trung và quyết liệt triển khai, chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn nội bộ, chưa tổ chức truyền thông và hướng dẫn đầy đủ đến các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Thống đốc cũng yêu cầu các đơn vị tại Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ kết quả hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, báo cáo thường xuyên ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành về tiến độ, kết quả giải ngân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hỗ trợ lãi suất.
Đồng thời, trong quá trình triển khai, Ngân hàng Nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các bộ ngành có liên quan, qua đó giúp ngân hàng thương mại nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.
Ngoài ra, khi triển khai cho vay, các ngân hàng thương mại phải giải ngân kịp thời, hiệu quả nguồn kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng vay thuộc đối tượng theo các điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Tuy nhiên, toàn ngành vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, quy định về hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan. Đặc biệt, không hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất.
Đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN.
Trước đó, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (tổng gói hỗ trợ khoảng 40.000 tỷ đồng), NHNN đã ban hành Thông tư số 30/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31.
Tiếp đó đến ngày 27/5/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị toàn ngành để phổ biến và giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách, qua đó thống nhất cách hiểu, đảm bảo chính sách được triển khai đồng bộ, đồng thuận trong toàn quốc.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại đã đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước cho cả chương trình và chi tiết từng năm 2022, 2023. NHNN đã tổng hợp và có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 (khoảng 16.035 tỷ đồng).
Tiếp tục thời gian tới tổng hợp, bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 (khoảng 23.965 tỷ đồng). Đồng thời NHNN đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng ngân hàng thương mại để nhanh chóng triển khai chương trình.