Các 'ông lớn' địa ốc vào cuộc đua doanh thu
Nhiều “đại gia” bất động sản đã đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng trong năm 2024. Điều này phản ánh sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp về sự khởi sắc của thị trường bất động sản
Theo thống kê của Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance cho thấy, tính đến quý I/2024, có 13 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng gồm: Vinhomes (196.000 tỷ đồng), Vingroup (gần 158.000 tỷ đồng), Novaland (44.700 tỷ đồng), Khang Điền (15.500 tỷ đồng), Đất Xanh (15.400 tỷ đồng), Nam Long (13.300 tỷ đồng), Phát Đạt (9.600 tỷ đồng), DIC Corp (7.700 tỷ đồng), Sunshine (7.600 tỷ đồng), Hà Đô (7.500 tỷ đồng), CEO Group (6.200 tỷ đồng), Hoàng Quân (5.400 tỷ đồng), TTC Land (5.100 tỷ đồng).
Trong số 13 “ông lớn” địa ốc trên, có nhiều đơn vị đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh so với năm ngoái, cá biệt có doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục 120.000 tỷ đồng. Bức tranh kinh doanh được hé lộ tại các đại hội đồng cổ đông cho thấy kế hoạch tham vọng của các doanh nghiệp bất động sản trong một năm được dự báo vẫn chưa quá tích cực.
Những kế hoạch táo bạo và con số “khủng”
Là doanh nghiệp ra mắt hàng loạt dự án trong bối cảnh thị trường khan hiếm nguồn cung, Vinhomes đặt mục tiêu doanh thu 2024 tăng trưởng gần 16% so với năm trước, lên mức kỷ lục với 120.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4,77 tỷ USD. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu cũng tăng khoảng 4,3% so với năm trước, lên 35.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2022.
Bên cạnh các dự án đã mở bán trước đó như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Grand Park, Golden Avenue... công ty cũng tập trung mạnh vào các dự án mới đã hoàn thiện thủ tục pháp lý. Chẳng hạn như hồi tháng 1/2024, Vinhomes khởi công dự án nhà ở xã hội Tràng Cát tại Hải Phòng. Đến tháng 3, công ty tiếp tục mở bán dự án Vinhomes Royal Island ở đảo Vũ Yên, Hải Phòng. Hai dự án trọng điểm Vinhomes Wonder Park (Đan Phượng) và Vinhomes Cổ Loa (Đông Anh) cùng ở Hà Nội cũng được lãnh đạo công ty tiết lộ có thể được mở bán trong năm nay.
Bên cạnh Vinhomes, Novaland cũng là doanh nghiệp gây chú ý khi công bố kế hoạch doanh thu tăng trưởng ba con số. Cụ thể, năm 2024, Novaland kỳ vọng doanh thu đạt 32.587 tỷ đồng, tăng 585% (tức gần 7 lần) so với năm trước. Mục tiêu lãi sau thuế khoảng 1.079 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là năm lập kỷ lục về doanh thu của Novaland. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận vẫn còn thấp so với giai đoạn 2016-2022 mà công ty từng đạt được.
Trong năm nay, các dự án tạo doanh thu chính như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án nhà ở tại TP. HCM được tập đoàn này chú trọng về kế hoạch phát triển, kỳ vọng sẽ giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường từ quý IV/2024.
Trong khi đó, Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu 2.982 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng, gấp lần lượt 5 lần và 1,3 lần năm trước. Ban tổng giám đốc Phát Đạt đánh giá cuối quý II là thời điểm tốt nhất để bắt đầu tung sản phẩm nên các kế hoạch bán hàng dự kiến được triển khai từ tháng 6, đẩy mạnh đến cuối năm.
DIC Corp của đại gia Nguyễn Thiện Tuấn cũng “chơi lớn” với mục tiêu doanh thu 2.300 tỷ đồng, tăng 72% và lợi nhuận trước thuế 1.010 tỷ đồng, tăng tới 509% so với năm trước.
Khang Điền đặt mục tiêu khiêm tốn hơn với mục tiêu tăng doanh thu 86,8%, đạt 3.900 tỷ đồng và tăng lợi nhuận 8,3%, đạt 790 tỷ đồng. Tương tự là Đất Xanh với kỳ vọng doanh thu 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 226 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 31% so với năm trước.
Bên cạnh những kế hoạch “khủng”, một số doanh nghiệp đưa ra chỉ tiêu khá thận trọng và kỹ lưỡng. Chẳng hạn như Hà Đô đặt kế hoạch doanh thu 2.896 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 972 tỷ đồng, chỉ tăng lần lượt 0,24% và 12,24% so với năm 2023. TTC Land đặt kế hoạch doanh thu 705 tỷ đồng, tăng gần 90% so với năm 2023, song dự kiến lợi nhuận trước thuế chỉ 16 tỷ đồng, giảm 2,4% so với năm ngoái.
Đối với nhóm doanh nghiệp đang tập trung vào phân khúc nhà ở cho đối tượng có thu nhập trung bình - thấp, Nam Long và Hoàng Quân đều cho thấy tham vọng đáng kể. Cụ thể, Nam Long đặt kế hoạch 6.657 tỷ đồng doanh thu và 506 tỷ đồng lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ, lần lượt tăng 111% và 5% so với thực hiện năm trước. Với nhận định năm 2024 có nhiều cơ hội cho các phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội nên Nam Long đặt mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm.
Còn với Hoàng Quân, công ty này lên kế hoạch doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng, gấp 6,2 lần và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, gấp đến 19,2 lần so với năm 2023. Nếu đạt được kế hoạch, có thể xem doanh thu kỷ lục sau 1 thập kỷ của Hoàng Quân. Công ty cho biết sẽ làm 3 dự án ở Trà Vinh, Tân Hương, Vĩnh Long với tổng khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội.
Kỳ vọng tín hiệu khởi sắc
Theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu, thị trường bất động sản đã bắt đầu quá trình hồi phục tích cực từ đầu năm 2024 với nhiều dự án được mở bán trở lại và đạt tỷ lệ hấp thụ cao. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng so với năm trước.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án DKRA Group, nhìn nhận việc các công ty bất động sản đặt kế hoạch doanh thu nghìn tỷ năm 2024 phản ánh sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp về những tín hiệu khởi sắc của ngành. Trong bối cảnh nhiều dự án được tháo gỡ pháp lý, lãi suất thấp, các luật liên quan vừa được thông qua, các doanh nghiệp cũng đặt kế hoạch “táo bạo” trong việc triển khai, bàn giao nhiều sản phẩm khác nhau nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường.
Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý một số doanh nghiệp có quỹ dự án thuộc phân khúc bất động sản nhà ở như căn hộ, đất nền, nhà phố có mức giá hợp lý, phục vụ nhu cầu ở thực thì khả năng sẽ đạt mục tiêu nếu thị trường phục hồi như dự báo. Ngược lại, nếu quỹ dự án phần nhiều đến từ bất động sản nghỉ dưỡng thì sẽ khó “đạt KPI”, bởi phân khúc này còn “ngủ đông” trong dài hạn.
Ngoài ra, ông Thắng cũng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu. Theo báo cáo từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), khoảng 101.000 tỷ đồng trái phiếu cần được đáo hạn trong năm 2024 đến từ ngành bất động sản, chiếm 42% toàn thị trường. Do đó, doanh nghiệp cần thận trọng trong việc triển khai kinh doanh, cân nhắc xu hướng dòng tiền để có thể vừa giải được bài toán nguồn thu vào, vừa xử lý được nợ vay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội vất động sản TP. HCM (HoREA), đánh giá thị trường tuy có những tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn, nhưng vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian tới, ít nhất là trong ngắn hạn khi các quy định mới trong các bộ luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản cần thêm thời gian để “ngấm”.
Ông Châu nói rằng trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp phải giải quyết bài toán khó nhất là vốn, tiếp theo là thị trường. “Chỉ khi nào nhà đầu tư xuống tiền thì thị trường mới hồi phục cơ bản và bền vững”, ông đánh giá.
Mặt khác, ông Châu cũng đặt vấn đề thêm về những khó khăn của thị trường nhìn từ phía người vay, khi lãi suất các khoản vay mới thì thấp nhưng các khoản vay cũ thì vẫn còn cao. Do vậy, ông đề nghị cần có thêm các giải pháp “phi tín dụng” để tháo gỡ cho hoạt động tín dụng liên quan.