Các trường hợp đề nghị ưu tiên cấp sổ hồng
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề nghị UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo giải quyết một số vướng mắc về cấp sổ hồng.
Ngày 26/2, HoREA có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo các dự án bị vướng mắc chưa được giải quyết của các doanh nghiệp bất động sản.
Trong văn bản này, Hiệp hội cho biết, mặc dù Sở TN-MT TP.HCM đã có nhiều cố gắng trong công tác cấp sổ hồng, nhưng vẫn còn khoảng 20.000 căn hộ nhà chung cư chưa được cấp sổ hồng, cần được tiếp tục khẩn trương xem xét giải quyết, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ đầu tư và người mua nhà, trong đó có cá nhân nước ngoài, không để tiềm ẩn điểm nóng về tranh chấp, khiếu kiện đông người.
Cư dân An Gia Star (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) đến trụ sở Công ty An Gia đòi sổ hồng vào năm 2020. Ảnh: VietNamNet |
Chính vì thế, Hiệp hội đề nghị UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo giải quyết một số vướng mắc về cấp sổ hồng. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với trường hợp chủ đầu tư dự án có sai phạm về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, về thế chấp tài sản, nhưng căn hộ mà khách hàng mua vẫn phù hợp với quy hoạch, thiết kế, HoREA đề nghị tách riêng phần sai phạm của chủ đầu tư để xử lý theo quy định của pháp luật và đề nghị UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, vì khách hàng là bên ngay tình, vô can, để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.
Thứ hai, đối với trường hợp chủ đầu tư dự án có thể phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có), thì đây là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với cơ quan nhà nước, không liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của khách hàng mua nhà.
Do đó, HoREA thì đề nghị tách ra xử lý riêng và đề nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư thực hiện một trong số các biện pháp bảo đảm, như sau: Các căn hộ và diện tích kinh doanh mà chủ đầu tư giữ lại, thì chưa cấp sổ hồng và sẽ cấp sau, khi đã có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hoặc chủ đầu tư ký quỹ một khoản tiền bảo đảm. Hoặc chủ đầu tư có văn bản cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) với Nhà nước.
Hiệp hội cũng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở TN-MT, Sở Tài chính xem xét, sớm giải quyết các dự án đã tạm nộp tiền sử dụng đất, để theo quy định tại Khoản 8 Điều 17 Thông tư số 76/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Thông tư số 10/2018/TT-BTC), như sau: “Trường hợp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra thông báo nộp tiền sử dụng đất và tổ chức kinh tế chưa nộp hoặc mới tạm nộp một phần tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước thì tiền sử dụng đất đã tạm nộp (nếu có) được quy đổi ra diện tích đất đã nộp tiền sử dụng đất (đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính) tại thời điểm bàn giao đất thực tế.
Phần diện tích còn lại phải nộp tiền sử dụng đất theo chính sách và giá đất tại thời điểm bàn giao đất thực tế (trường hợp được giao đất thực tế trước ngày 1/1/2005 thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất được xác định tại thời điểm ngày 1/1/2005) và xử lý việc chậm nộp tiền sử dụng đất đối với trường hợp này như sau:
Trường hợp việc chậm nộp tiền sử dụng đất có nguyên nhân chủ quan từ tổ chức kinh tế thì tổ chức kinh tế phải nộp số tiền tương đương tiền chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý thuế phù hợp với từng thời kỳ.
Trường hợp việc chậm nộp tiền sử dụng đất không có nguyên nhân chủ quan từ tổ chức kinh tế thì tổ chức kinh tế không phải nộp số tiền tương đương tiền chậm nộp tiền sử dụng đất. Khoản chậm nộp tiền sử dụng đất được tính từ thời điểm bàn giao đất thực tế tới thời điểm chính thức được thông báo nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo tỷ lệ % thu tiền chậm nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật từng thời kỳ”.
Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị trao đổi, thảo luận với Sở TN-MT về việc không thu thêm tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất làm hồ bơi, vườn hoa, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi… phục vụ trực tiếp cho dự án nhà chung cư và cả cư dân ngoài nhà chung cư, đã thực hiện xác định giá đất theo phương pháp thặng dư và đã được UBND TP ban hành Quyết định về duyệt Phương án xác định giá đất cụ thể và chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất. Bởi lẽ, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố đã xem xét thẩm định, nên có thể không dẫn đến có phát sinh thêm các khoản thu ngân sách nhà nước đối với phần diện tích đất làm hồ bơi, vườn hoa, lối đi nội bộ, bãi đậu xe nổi…
Hiệp hội cũng đề nghị trao đổi, thảo luận với Sở TN-MT về việc cấp sổ hồng cho toàn bộ diện tích tầng hầm, bao gồm cả phần diện tích tầng hầm nằm ngoài ranh diện tích xây dựng khối đế tòa nhà chung cư. Trước hết, là xử lý các trường hợp dự án nhà chung cư đã được UBND TP ban hành Quyết định về duyệt Phương án xác định giá đất cụ thể và chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.
Sau cùng, HoREA đề nghị UBND TP xem xét chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các Sở, ngành khẩn trương xem xét, kết luận các trường hợp dự án có điều chỉnh quy hoạch xây dựng, có (hay không có) phát sinh nghĩa vụ tài chính (bổ sung) và sớm giải quyết các vướng mắc cụ thể của từng dự án, để kịp thời trả lời cho các chủ đầu tư và khách hàng mua nhà.