Cấm lãnh đạo DN ngồi ghế HĐQT ngân hàng: Có hạn chế được sân sau?

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). So với Luật hiện hành, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã hạn chế việc thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng không đồng thời là người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, người quản lý của doanh nghiệp khác.

Trao đổi với Vietnamfinance, Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khóa XIII cho rằng, quy định này sẽ giới hạn quyền đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của những người quản lý TCTD, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm nhân sự đủ năng lực và kinh nghiệm để đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành TCTD, đặc biệt là những chức danh cần nhiều nhân sự. Ngoài ra, những nhân sự cấp cao đều có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng điều hành, quản trị kinh doanh cao, do vậy, nếu chỉ cho phép nhân sự đó làm việc tại một TCTD là lãng phí nguồn lực của xã hội, ảnh hưởng sự phát triển của từng TCTD nói riêng và cả ngành ngân hàng nói chung.

“Hơn nữa, quy định này cũng khác với quy định của Luật Doanh nghiệp. Mặc dù dự thảo Luật có thể có những quy định đặc thù riêng, tuy nhiên, theo nghiên cứu thì chưa có quốc gia phát triển nào có quy định hạn chế về chức danh kiêm nhiệm thành viên HĐQT (ví dụ như Singgapore, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản…). Vì thế, các quy định trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng nên chọn lọc và tuân thủ thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, không quá vì đặc điểm của Việt Nam mà không tính đến những nguyên tắc, chuẩn mực và thông lệ quốc tế”.

Mặt khác, theo các chuyên gia cũng đặt câu hỏi: Quy định này trên thực tế có tránh được việc các quản lý, điều hành can thiệp đến hoạt động của tổ chức tín dụng không? có đưa ra những quyết định có lợi cho doanh nghiệp khác mà họ đang đồng thời quản lý, điều hành không?.

Theo kinh nghiệm làm luật của nhiều nước, là khuyến khích mục tiêu lộ diện, chứ không khuyến khích nó tàng hình, ẩn khuất sẽ khó kiểm soát hơn. Trong khi đó, để hạn chế tình trạng thao túng hoạt động của TCTD nhằm mục đích vụ lợi, cấp tín dụng cho công ty “sân sau”, dự thảo Luật đã có quy định không cấp tín dụng cho công ty doanh nghiệp nếu người quản lý doanh nghiệp đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của TCTD (quy định về người có liên quan).

“Đây mới là mấu chốt vấn đề, còn việc dự thảo Luật có quy định hạn chế thành viên Hội đồng quản trị của TCTD không được đồng thời là quản lý của doanh nghiệp khác là hạn chế quyền đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của những người quản lý TCTD cũng như doanh nghiệp”, ông Hùng bày tỏ.

The ông Hùng, để giải quyết vấn đề giảm triệt để tình trạng thao túng hoạt động của TCTD nhằm mục đích vụ lợi, cấp tín dụng cho công ty “sân sau”, ngoài các quy định của pháp luật rất cần các công cụ kiểm tra, kiểm soát, hoạt động tài chính phải công khai, minh bạch, việc xử lý phải nghiêm. Không nên hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, mà quan trọng là cơ chế giám sát, cơ chể kiểm tra, trong đó có cơ chế giám sát từ xa, giám sát thường xuyên, chứ không chỉ giám sát khi có dấu hiệu hoặc xuất hiện vụ việc.

Do đó, ông Hùng cho rằng, các hạn chế về vai trò quản lý tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng là chưa phù hợp và không sát với thực tiễn thị trường, điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tài chính mà còn ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của tổ chức tín dụng Việt Nam so với các nước trong khu vực. Những sửa đổi này cần phải được xem xét cẩn thận trên cơ sở cân nhắc ưu điểm và khuyết điểm cụ thể bởi ngành tài chính là mạch máu của nền kinh tế.

Kim Thoa

Theo VietnamFinance