Căn hộ Condotel dù ế ẩm nhưng giá vẫn tăng cao
Dữ liệu của DKRA ghi nhận, dù tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 27-29% tổng nguồn cung trong tháng nhưng giá sơ cấp biệt thự, condotel nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt tại các tỉnh ven biển và khu vực miền Trung.
Thời gian qua, thị trường bất động sản chịu áp lực lớn vì nguồn vốn huy động khó khăn, không chỉ siết tín dụng mà khối lượng phát hành trái phiếu cũng bị sụt giảm. Một trong số các loại hình chịu ảnh hưởng nhất là bất động sản nghỉ dưỡng khi thanh khoản của loại hình này liên tục sụt giảm.
Theo báo cáo của DKRA cho thấy, riêng trong tháng 8, lượng tiêu thụ biệt thự nghỉ dưỡng giảm 41%, còn condotel dù nguồn cung tăng mạnh nhưng cũng chỉ bán được hơn 2 căn so với tháng 7. Dù vậy, nhưng mặt bằng giá bán sơ cấp của các loại hình bất động sản này vẫn tiếp tục tăng từ 2-7% so với tháng trước đó. So với hồi tháng 6, giá phân khúc này đã tăng 7-10%. Trong đó, giá bán sơ cấp condotel dao động trong khoảng 38,4-153,7 triệu đồng/m2, còn biệt thự 7,2-48,4 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, việc tăng giá kèm theo các chính sách chiết khấu, ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, cam kết lợi nhuận... của chủ đầu tư.
Nguồn cung phân khúc condotel tăng 59% nguồn cung, tuy nhiên vẫn ở mức thấp và chỉ tập trung cục bộ tại một dự án ở miền Trung - nơi chiếm tới 83% tổng nguồn cung mới cả nước trong tháng. Trong khi đó, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng chưa có dấu hiệu hồi phục. Lượng biệt thự nghỉ dưỡng được chào bán trong tháng 8 tiếp đà giảm 35% so với tháng trước đó, với 90% nguồn cung đến từ miền Nam và miền Trung.
DKRA dự báo nguồn cung và lượng tiêu thụ có thể tăng, phân bổ chủ yếu tại Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên nếu điểm nghẽn về kiểm soát tín dụng bất động sản nghỉ dưỡng không được tháo gỡ, xu hướng giảm sẽ tiếp tục. Mặt khác, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel, cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ do vướng mắc về pháp lý.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc cân nhắc và xem xét đường hướng cho bất động sản nghỉ dưỡng là điều không thể thiếu.
"Mặc dù Luật Đất đai đang sửa và cũng đã có quan điểm sẽ giải quyết được điểm nghẽn pháp lý cho các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, thực tế sửa như thế nào và liệu có ra được khung pháp lý cho phân khúc này hay không lại là điều không dễ nói", GS Đặng Hùng Võ nhận xét.
Do đây là một hình thức đầu tư mới ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo lợi ích của chủ đầu tư và khách hàng, bên cạnh bổ sung các chính sách thu hút nhà đầu tư một cách hiệu quả.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng dự thảo Luật Đất đai cần quy định rõ chế độ sử dụng đất đối với bất động sản nghỉ dưỡng, đồng thời quy định chuyển tiếp cho các dự án bất động sản có tính chất này trước thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực.
Trước đó, vào đầu tháng 9, cử tri TP.HCM cũng đề xuất luật hóa với loại hình condotel, thanh toán giao dịch BĐS phải qua ngân hàng. Cụ thể, cử tri TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng khi xem xét Đề án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cần "luật hóa" các nội dung của khoản 2 Điều 6 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP tương tự như Luật Nhà ở 2014 đã quy định đối với căn hộ chung cư. Theo đó, các nội dung được cử tri kiến nghị "luật hóa" bao gồm: Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung của condotel; việc xác định diện tích sử dụng căn hộ, diện tích khác trong tòa nhà condotel; hội nghị, quản lý vận hành, bảo trì, kinh phí bảo trì tòa nhà condotel…
Cử tri đã đề nghị bổ sung quy định nội dung giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng vào Điều 6 Nghị định 02. Cử tri cũng đề nghị bổ sung quy định về "đặt cọc" vào 8 loại hợp đồng "mẫu" của phụ lục kèm theo Điều 6 Nghị định 02 quy định về "Hợp đồng kinh doanh bất động sản". Ngoài ra, cử tri TPHCM kiến nghị bổ sung quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng vào Nghị định số 02.
Trả lời cử tri, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định chỉ được quy định chi tiết những nội dung, điều, khoản của Luật giao Chính phủ.
Trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 chưa có quy định hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về "đặt cọc" và "thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng". Do vậy, theo Bộ Xây dựng, chưa có cơ sở xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung các nội dung này vào quy định của Nghị định 02.
Bộ này cũng cho biết, hiện đang được giao cứu nghiên cứu xây dựng dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Các kiến nghị nêu trên của cử tri TPHCM sẽ được Bộ Xây dựng xem xét, nghiên cứu trong quá trình xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi thời gian tới.