Cảng biển Đà Nẵng được quy hoạch trở thành cảng biển loại đặc biệt
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Đà Nẵng được quy hoạch trở thành cảng biển loại đặc biệt với quy mô công suất đến năm 2050 đạt 50 triệu tấn/năm.
Cảng Liên Chiểu đóng vai trò cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 804/QĐ-TTg (ngày 8/7/2022) công bố danh mục 34 cảng biển Việt Nam. Trong đó có 2 cảng biển loại đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Cảng biển Đà Nẵng hiện nằm trong 11 cảng biển loại 1, cùng với Cảng biển Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Cần Thơ. Còn lại là 7 cảng biển loại II và 14 cảng biển loại III.
Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc BQL các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu
Riêng về Cảng biển Đà Nẵng, ông Lê Thành Hưng, Giám đốc BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu) cho biết thêm, Cảng biển Đà Nẵng hiện có 3 khu bến: Tiên Sa 5 bến cảng/1.140m tiếp nhận tàu 50.000DWT; Thọ Quang 7 bến cảng /912m tiếp nhận tàu 10.000DWT và Liên Chiểu 4 bến chuyên dùng /471m tiếp nhận tàu 7.000DWT.
Tổng sản lượng hàng hóa qua Cảng biển Đà Nẵng năm 2021 đạt gần 11 triệu tấn, trong đó container 587.597 teus. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua Cảng biển Đà Nẵng giai đoạn 2010 - 2020 đạt gần 10%/năm. Dự báo hàng hóa thông qua Cảng biển Đà Nẵng đạt 23 - 28 triệu tấn/năm 2030 và khoảng 50 triệu tấn/năm 2050. Tiên Sa hiện là khu bến chính đảm nhận 80% sản lượng hàng hóa qua Cảng biển Đà Nẵng.
“Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, Cảng biển Đà Nẵng được quy hoạch trở thành cảng biển loại đặc biệt. Trong đó Liên Chiểu là khu bến chính đóng vai trò cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung; khu bến Tiên Sa sẽ từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu”, ông Lê Thành Hưng cho biết,
Các nội dung nêu trên cũng đã được ông Lê Thành Hưng chính thức báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi Thủ tướng đến thăm, khảo sát thực địa dự án Bến cảng Liên Chiểu nhân dịp vào dự Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 hồi cuối tháng 6 vừa qua. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 435/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung thuộc khu bến cảng Liên Chiểu với tổng vốn trên 3.400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Đà Nẵng.
Giao thông kết nối với cảng Liên Chiểu phải có tầm nhìn xa
Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Lê Thành Hưng nhấn mạnh, Cảng biển Đà Nẵng là cảng biển duy nhất tại miền Trung hiện đã thiết lập 30 chuyến tàu container cập cảng/tuần, trong đó có 7 tuyến nội địa và 23 tuyến quốc tế đi các nước nội Á. Đây là tiền đề quan trọng thu hút các hãng tàu thiết lập tuyến biển xa đi châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi khi các bến Liên Chiểu được đưa vào khai thác
Hiện kết nối giao thông đường bộ, các tuyến cao tốc Bắc - Nam, toàn vùng Tây Nguyên và duyên hải duyên hải miền Trung, các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, Nam Giang, Bờ Y trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây với Cảng biển Đà Nẵng rất thuận lợi và đang tiếp tục được đầu tư hoàn chính. Trên tuyến đường sắt Bắc Nam qua Đà Nẵng sẽ cải tạo ga Kim Liên thành ga hàng hóa sau cảng, có tuyến xếp dỡ đường sắt trực tiếp trong cảng. Như vậy Liên Chiểu là cảng cửa ngõ miền Trung tích hợp được tất cả các phương thức vận tải.
Qua khảo sát quy hoạch tổng thể cảng Liên Chiểu và kết nối giao thông liên vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cảng Liên Chiểu là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt, tiếp nhận tàu trọng tải 100.000DWT và lớn hơn, tàu container từ 6.000 đến 8.000 TEU; quy mô công suất đến năm 2050 đạt 50 triệu tấn/năm.
Vì vậy giao thông kết nối với cảng Liên Chiểu phải được làm trước và phải có tầm nhìn xa. Tuyến đường bộ vào cảng chỉ có 3km thì nên làm 10 – 12 làn thay vì chỉ làm 6 làn, sau này khối lượng hàng hóa tăng cao thì phải mở rộng đường sẽ rất tốn kém và gây ảnh hưởng đến hoạt động của cảng cũng như doanh nghiệp.
Ông Lê Thành Hưng cho hay, BQL dự án đang phối hợp với các cơ quan chức năng bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai kết nối giao thông của cảng Liên Chiểu. Cụ thể, bên cạnh tuyến đường giao thông sau cảng kết nối ra đường Nguyễn Văn Cừ và kết nối đồng bộ với đường ven biển ra đường Nam Hải Vân với quy mô 6 làn xe đã được quy hoạch, BQL dự án đang lập quy hoạch phân khu cảng biển và tính toán theo hướng kết nối đường Tạ Quang Bửu thông qua Nguyễn Phước Chu đến cảng Liên Chiểu.
“Theo đó, sẽ tổ chức phân luồng giao thông 1 chiều vào cảng với 6 làn xe và 1 chiều ra cảng cũng với 6 làn xe. Như vậy vẫn đảm bảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tuyến dường ra vào cảng Liên Chiểu có quy mô 12 làn xe, nhưng tránh được trường hợp dồn vào một đường, bảo đảm lưu thông hàng hóa và không để xảy ra ách tắc giao thông”, ông Lê Thành Hưng cho biết.
Cũng theo ông Lê Thành Hưng, BQL dự án Bến cảng Liên Chiểu đã triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 19 gói thầu của phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.426 tỷ đồng. Hiện tiến độ dự án đang được triển khai thuận lợi, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phấn đấu kịp khởi công dự án trong năm 2022 và hoàn thành vào năm 2025.