Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành: ĐBQH đề nghị lùi thời hạn hoàn thành 1 năm
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án có thời gian chuẩn bị là năm 2023 - 2024, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư từ năm 2024 - 2025, thi công từ năm 2025 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2026.
Đề cập đến vấn đề về thời gian triển khai và hoàn thành của dự án tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, dự án này có thời gian chuẩn bị là năm 2023-2024, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư từ năm 2024-2025, thi công từ năm 2025 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2026.
Như vậy, các công việc này sẽ gối đầu lẫn nhau để trong khoảng 2,5 năm, dự án phải hoàn thành toàn bộ công việc từ xây dựng cho đến đưa vào vận hành. Theo đại biểu Trình Lam Sinh, vấn đề này hơi khó khả thi bởi một số lý do.
Cụ thể, hiện giờ đã gần cuối tháng 6/2024, Quốc hội vẫn đang tiếp tục bàn thảo về chủ trương này, trong khi đó, kinh nghiệm triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc khác cho thấy vấn đề giải tỏa, hỗ trợ tái định cư rất phức tạp và sẽ mất thời gian, trong khi dự án này có diện tích đất thực hiện khoảng 1.111ha đất các loại, như đất nông nghiệp, đất rừng, đất thổ cư, đất trồng lúa,... cùng với đó là khoảng 1229 hộ bị ảnh hưởng.
Thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù tái định cư có khối lượng công việc rất lớn, trong khi tờ trình lại đề xuất đất sạch cho toàn tuyến cho cả giai đoạn II, có nghĩa cả 6 làn xe hoàn thiện.
"Như vậy chúng ta phải rất quyết liệt thì mới có hy vọng hoàn thành được công trình trọng điểm này", đại biểu nhấn mạnh.
Về phương thức hợp tác công PPP, đại biểu Trình Lam Sinh cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, dự án này được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó có các dự án thành phần 2, 3, 4 và 5 được thực hiện theo hình thức đầu tư công, riêng dự án thành phần 1 thực hiện theo phương thức đối tác công - tư.
Phần góp vốn của nhà đầu tư là khoảng 12.770 tỷ, chiếm tỷ lệ là 50% tổng mức đầu tư dự án và 65% tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1.
Đồng tình như phương án đầu tư này, nhưng đại biểu Trình Lam Sinh băn khoăn, trong thời gian vừa qua, một số dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cũng đã mời gọi góp vốn theo phương thức đối tác công - tư đã phải hủy bỏ thầu dự án vì nhà đầu tư chưa chứng minh được khả năng huy động vốn tín dụng hoặc nhà đầu tư không tham gia dự án.
Một vấn đề liên quan khác, song song với dự án này thì trên tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14 có 2 dự án BOT, như vậy khi dự án này đi vào vận hành thì chắc chắn sẽ chia sẻ lưu lượng vận tải, vận chuyển của 2 dự án BOT. Dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến phương án thu hồi vốn của có 2 doanh nghiệp của 2 dự án BOT này.
Đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị, Chính phủ báo cáo bổ sung thêm về tính hiệu quả của thời gian triển khai xây dựng và hoàn thiện công trình đến năm 2026 và đề xuất thêm chừng 1 năm, khoảng năm 2027 hay Chính phủ cần có yêu cầu 2 địa phương có dự án này đi qua phải cam kết thật mạnh mẽ trong việc giao mặt bằng thi công nhanh nhất có thể.