Cát xây dựng đắt chưa từng có: Trạm bê tông ‘đứng bánh’, dự án ‘đứng hình’
Tình trạng khan hiếm cát xây dựng tại Đà Nẵng – Quảng Nam đang diễn biến phức tạp, khiến giá tăng cao đột biến, buộc nhiều trạm bê tông thương phẩm phải tạm dừng cung ứng, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Nguồn cát khan hiếm, giá tăng cao
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng đã có báo cáo gửi UBND TP. Đà Nẵng phản ánh tình trạng khan hiếm vật liệu cát xây dựng trên địa bàn.
Theo báo cáo, nhiều nhà thầu thi công đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cát phục vụ san lấp, làm nền móng, lớp đệm và trộn bê tông trực tiếp tại công trường.
Đặc biệt, một số công ty cung cấp bê tông thương phẩm trên địa bàn như Công ty CP Xây dựng và Đầu tư thương mại Việt Hàn – Chi nhánh Quảng Nam, Công ty Đầu tư thương mại Phước Yên… đã ra thông báo tạm dừng cung cấp bê tông ra thị trường.
Trạm bê tông của Vinaconex 25 thông báo ngưng nhận đặt hàng từ ngày 21/5/2025. Còn các trạm bê tông như: Sông Hàn, Sỹ Kiên Mạnh chỉ ưu tiên phục vụ khách hàng truyền thống, đặt khối lượng lớn và đồng thời yêu cầu tăng giá từ 20-30%.

Nguyên nhân chính được xác định là do các mỏ cấp cát cho thị trường Quảng Nam - Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động, hoặc khai thác cầm chừng với sản lượng ít không đủ đáp ứng.
Theo Ban Quản lý dự án, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, việc tạm dừng sản xuất và cung ứng bê tông thương phẩm sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng tới tiến độ thi công, ảnh hưởng đến chất lượng các công trình cũng như làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Theo tìm hiểu, giá cát xây dựng tại khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam tăng “đột biến”, có thời điểm lên đến gần 700.000 đồng/m3, cao gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chủ đại lý vật liệu xây dựng ở phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng cho biết, từ ra Tết tới nay, giá cát liên tục tăng khiến việc kinh doanh cũng gặp khó khăn. Hiện cát trên thị trường chủ yếu là nguồn dự trữ tại các bãi, nếu cần số lượng lớn thì phải báo trước.
Tương tự, chia sẻ về tình trạng khan hiếm và giá cát tăng cao, một chủ bãi vật liệu xây dựng tại quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) cho biết, Đà Nẵng hiện không có mỏ cát nào, toàn bộ nguồn cung cát xây dựng trên địa bàn đều phụ thuộc vào tỉnh Quảng Nam. Khi mỏ cát tăng giá thì buộc đại lý cũng phải tăng theo đề bù chi phí đầu vào.
Yêu cầu kiểm soát chặt giá vật liệu
Trước tình hình giá vật liệu xây dựng tăng nóng, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng cung cấp thông tin cập nhật về việc điều chỉnh giá và tình hình cung ứng vật liệu trên thị trường.
Cụ thể, các doanh nghiệp có điều chỉnh giá phải gửi công văn đề nghị công bố giá mới kèm theo các thông tin chi tiết như lý do điều chỉnh, thời điểm áp dụng và chất lượng sản phẩm sau điều chỉnh. Đồng thời, các đơn vị phải cập nhật bảng giá tại thời điểm thay đổi và định kỳ hằng tháng trước ngày 5, hoặc ngay khi có biến động giá.

Riêng đối với các cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm, yêu cầu báo cáo cụ thể việc có hoặc không điều chỉnh giá trong tháng 5/2025 so với tháng 4/2025, hạn chót nộp hồ sơ là ngày 28/5/2025. Trường hợp không có điều chỉnh giá, các đơn vị cần gửi văn bản xác nhận.
Sở Xây dựng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ theo quy định pháp luật về kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Điều này bao gồm việc cung cấp đầy đủ số liệu, tài liệu phục vụ công tác định giá; chấp hành các biện pháp bình ổn giá; giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại (nếu có) do vi phạm quy định về giá.
Mới đây, liên quan đến việc xử lý chuyển tiếp đối với dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị khẩn trương giải quyết hồ sơ, thủ tục có liên quan đến các dự án khai thác khoáng sản, đảm bảo không làm gián đoạn việc thực hiện dự án nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu, vật liệu cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã có đơn kiến nghị gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam về tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu dẫn đến giá vật liệu tăng đột biến.
Cụ thể, giá cát xây dựng đã tăng lên ở mức 660.000 - 700.000 đồng/m3; giá đất đắp nền đường K98, K95 và giá san nền lên đến 300.000 đồng/m3. Mặc dù mua giá rất cao nhưng nguồn cung rất hạn chế.
Vì vậy, Hội Doanh nghiệp thị xã Điện Bàn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá và có giải pháp tháo gỡ tình trạng vật liệu xây dựng khan hiếm và giá tăng liên tục. Đồng thời, thúc đẩy cấp phép khai thác vật liệu hợp pháp, mở rộng nguồn cung từ các mỏ đủ điều kiện, giảm thủ tục hành chính trong khai thác.
Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng (như các địa phương khác đã làm); chỉ đạo chủ đầu tư các dự án đầu tư công xem xét điều chỉnh các “hợp đồng trọn gói” đã ký thành “hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh” để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng.