'Thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng vẫn khó mua NƠXH'

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, với mức thu nhập chỉ trên dưới hơn 10 triệu đồng/tháng, người lao động phải lo toan đủ mọi khó khăn nên việc tiếp cận một căn nhà, trong đó có nhà ở xã hội là điều ngoài tầm với.

Sáng 24/5, thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương), cho biết những người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và đô thị lớn trên cả nước đều mơ ước có một mái nhà nhỏ để an cư. Tuy nhiên, việc giá nhà, giá tiêu dùng tăng liên tục nhưng tiền lương không tăng khiến việc sở hữu được căn nhà vẫn chỉ là mơ ước.

Vị đại biểu này cho rằng dù có nhiều chính sách được triển khai nhưng với mức thu nhập chỉ trên dưới hơn 10 triệu đồng/tháng, người lao động phải lo toan đủ mọi khó khăn từ tiền ăn, tiền học, viện phí, tiền thuê nhà nên việc tiếp cận một căn nhà, trong đó có nhà ở xã hội là điều ngoài tầm với.

“Giá nhà dù đã gọi là nhà ở xã hội nhưng vẫn vượt quá xa khả năng người lao động, bởi cùng với tiêu chí, quy trình, quy định, thủ tục được xét duyệt đưa ra, nhiều người muốn đăng ký nhưng rồi từ bỏ việc không đủ điều kiện hoặc “gánh” thêm nợ trong cuộc sống vốn đã quá chật vật”, vị đại biểu này cho hay.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân kiến nghị cần có một chính sách nhân văn nếu đi vào cuộc sống sẽ không chỉ giúp người lao động an cư mà còn giúp đất nước phát triển bền vững. Bởi chỉ khi người lao động có chốn đi về ổn định thì họ mới có thể yên tâm lao động, tái tạo sức lao động và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Trong khi đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng còn nhiều điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ, để sản phẩm nhà ở xã hội thực sự đến tận tay những người có thu nhập thấp, những công nhân lao động an cư lập nghiệp.

Theo vị đại biểu này, hiện nhiều người dân có nhu cầu thật nhưng khó tiếp cận được vốn vay. Tuy nhiên, khi tiếp cận được vốn vay thì gánh nặng tài chính lại khá lớn. Điển hình như người mua nhà ở xã hội vay được 500 triệu đồng để mua một căn hộ trung bình với lãi suất là 4,8%/năm trong vòng 25 năm, hàng tháng phải trả là 3,7 triệu đồng, trong đó tiền lãi là chỉ khoảng 2 triệu đồng, chỉ còn lại 1,7 triệu đồng là tiền gốc.

“Nếu là công dân có mức lương đến 8 triệu đồng, họ chỉ còn lại 4,3 triệu đồng để xoay xở chi tiêu cho cả gia đình là rất khó khăn. Do đó, họ chọn phương án thuê nhà trọ để ở thay vì mua nhà ở xã hội”, vị đại biểu này phân tích.

'Thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng vẫn khó mua NƠXH' - Ảnh 1
Thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng khó tiếp cận NƠXH

Cũng theo đại biểu Tuấn, nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay vẫn lệ thuộc vào các nhà đầu tư, trong khi doanh nghiệp lại e ngại vì thị trường đầu ra thiếu ổn định. Điển hình như quy hoạch và quỹ đất triển khai nhà ở xã hội chưa đồng bộ, thủ tục hành chính còn khá rườm rà, phức tạp để các nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội; các chính sách đã ban hành, chỉ thiên về hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, ít quan tâm đến khả năng mua vào xã hội của người dân.

Vì vậy, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị nên cho vay ưu đãi dài hạn từ Quỹ nhà ở quốc gia hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời cấp bù lãi suất hoặc hỗ trợ giá thuê nhà, đơn giản điều kiện cho vay và có thể dùng căn hộ đó để làm tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng nêu quan điểm về việc cắt giảm thủ tục hành chính trong dự thảo Nghị quyết để đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), vị đại biểu này đề nghị bổ sung cơ chế một cửa, một đầu mối để tránh chủ đầu tư phải đi hết sở này đến sở khác làm thủ tục. Cùng với đó, cần quy định luôn tổng thời gian cấp thủ tục cho các dự án nhà ở xã hội là 90 ngày, tránh tình trạng kéo dài.

Để gỡ vướng mắc về giá, đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất tách riêng giá bán và giá thuê mua nhà ở xã hội, đồng thời phân cấp cho chủ doanh nghiệp chủ động xác định giá, còn cơ quan quản lý chỉ tiến hành hậu kiểm.

 

Duy Quang

Theo Vietnamfinance