Cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng: BOT có khả thi?
Hợp đồng BOT có thể làm khó cho chính nhà đầu tư, trong khi chưa chắc giải quyết được ùn tắc ở những cây cầu qua sông Hồng không thu phí.
UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận Công ty Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy trình, quy định.
Là dự án cầu BOT đầu tiên của Hà Nội, cầu Trần Hưng Đạo có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 50%, vốn nhà đầu tư BOT 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm. Tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2022 - 2025.
Trao đổi với Đất Việt về dự án cầu Trần Hưng Đạo, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT hoan nghênh xã hội hóa đầu tư hạ tầng. Với dự án này, nếu vốn Nhà nước đóng góp 50%, vốn nhà đầu tư 50% thì Hà Nội có thể dành một nửa số tiền còn lại để làm việc khác, chẳng hạn xây dựng thêm một cây cầu phía Phúc Xá hay giữa cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy.
Dù vậy, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi Hà Nội dự định xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo loại hợp đồng BOT bởi như vậy trước hết sẽ gây khó khăn cho chính nhà đầu tư trong việc thu phí.
"Tất cả các cây cầu bắc qua sông Hồng trước đây đều không thu phí, bây giờ cầu Trần Hưng Đạo lại định thu phí. Người dân có nhiều lựa chọn khác nhau để qua phía bên kia sông Hồng, họ có thể chọn cầu Chương Dương, cầu Long Biên, Vĩnh Tuy, vậy cầu Trần Hưng Đạo có gì hấp dẫn hơn so với những cây cầu đó? Tất nhiên không thể có chuyện có đường độc đạo từ đường Trần Hưng Đạo dẫn ra rồi lên luôn cầu Trần Hưng Đạo vì như vậy sẽ gây ùn tắc đường Trần Hưng Đạo", PGS.TS Nguyễn Quang Toản đặt vấn đề và nhắc lại chuyện thu phí BOT ở Hà Nội từ trước đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn, như trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài ở đường Võ Văn Kiệt mới hay cao tốc Hà Nội-Hải Phòng dù đẹp nhưng... ế vì nhiều phương tiện chọn quốc lộ 5 cũ để né.
Cũng bởi vậy nghi ngại hình thức hợp đồng BOT sẽ làm khó nhà đầu tư trong việc thu hồi vốn và người dân sẽ né cây cầu mới, vị chuyên gia cho rằng cầu Trần Hưng Đạo khó có thể giảm tải được cho cầu Chương Dương, Long Biên hay cầu Vĩnh Tuy.
"Các nhà đầu tư thường không đề nghị làm BOT mà làm BT (xây dựng-chuyển giao), đổi đất lấy hạ tầng và không thu phí.
Được biết, trước đây UBND TP Hà Nội cũng đã có chủ trương giao Công ty Him Lam nghiên cứu, đề xuất dự án cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức hợp đồng BT. Tuy nhiên, Luật Đầu tư theo phương thức PPP ra đời đã bãi bỏ loại hợp đồng BT. Vì vậy, doanh nghiệp này đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức BOT.
Như vậy, nếu nhà đầu tư tính toán vẫn thu được lợi khi làm theo hình thức BOT thì cũng nên khuyến khích họ, ủng hộ họ vì có nhà đầu tư thì ngân sách đỡ phải bỏ thêm tiền. Nhà đầu tư bỏ ra hơn 4.000 tỷ đồng nên họ sẽ phải lo, chẳng hạn thuê tư vấn đánh giá xem khả năng hoàn vốn như thế nào", PGS.TS Nguyễn Quang Toản nói.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9.000 tỷ đồng, vị chuyên gia cho rằng dự án sẽ không chỉ làm mỗi cây cầu mà còn phải lo giải quyết giao thông ở hai đầu cầu. Theo đó, tương tự như cầu Vĩnh Tuy, ở hai đầu cầu Trần Hưng Đạo sẽ phải xây dựng cầu vượt, đường lên xuống cầu.
Băn khoăn về thiết kế
Liên quan đến dự án cầu Trần Hưng Đạo, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDDI) đã xây dựng 3 phương án thiết kế. Phương án được UBND TP Hà Nội thông qua có tên: Xứ Đông Dương, mang ý tưởng kết nối hiện tại và tương lai, kết nối địa danh lịch sử, các khu vực trung tâm nội đô lịch sử phía Nam với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc sông Hồng. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính của xứ sở đầy màu sắc, sinh động mà Hà Nội là thủ phủ - xứ Đông Dương.
Tuy nhiên, thiết kế này lại gây ra nhiều tranh luận trong giới chuyên môn, nhiều chuyên gia, kiến trúc sư không đồng tình với thiết kế này.
Trao đổi trên báo chí, KTS Phạm Thanh Tùng -Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cầu Trần Hưng Đạo phải mang tính biểu tượng của Thủ đô. Tuy nhiên, ông rất ngạc nhiên khi đơn vị tư vấn lại lấy "xứ Đông Dương" cho kiến trúc của một cây cầu hiện đạo. Ông cho rằng sai lầm về "nhận thức" đối với việc chọn ý tưởng thiết kế kiến trúc bởi không có kiến trúc "xứ Đông Dương" mà chỉ có phong cách kiến trúc Đông Dương do một KTS người Pháp sáng lập.
Cũng chia sẻ với báo chí về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho hay, việc thiết kế cầu cần phải được đặt trong tổng thể quy hoạch chung của Thủ đô và quy hoạch phân khu đã được duyệt. Do đó, đơn vị thiết kế cần phải có cái nhìn bao quát, bám sát vào quy hoạch phân khu để không bị phá vỡ quy hoạch phân khu, không “lạc lõng” trong quy hoạch tổng thể. Đặc biệt phải đảm bảo tính kết nối với các vùng hai bên đầu cầu không chỉ về mặt giao thông mà còn cả về mặt giao thoa văn hóa, hài hòa với không gian kiến trúc tổng thể.
Các chuyên gia cho rằng, cầu Trần Hưng Đạo được xây dựng để phục vụ cả cộng đồng dân cư, cả xã hội, do đó ngoài việc thi tuyển phương án thiết kế theo quy định còn phải lấy ý kiến của cộng đồng. Cần lựa chọn thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhận được sự đồng thuận từ đại đa số các chuyên gia và người dân.