CEO Hoàng Quốc Phong: "Tôi cầm cố hai cuốn sổ đỏ của gia đình để lấy tiền duy trì công ty"
Ông Hoàng Quốc Phong, CEO của Công ty cổ phần Truyền thông và Sự kiện Việt Team Group - Đà Nẵng, một CEO trẻ trong làng du lịch, nhưng đã có những chia sẻ về việc ông tìm ra cách tự cứu doanh nghiệp của mình vượt qua bão Covid-19 như thế nào?
Trong ngành du lịch, mỗi đơn vị cung ứng dịch vụ sẽ tạo nên chuỗi mắt xích quan trọng, tạo nên sự thành công của quy trình đoàn tour. Tuy nhiên, với những khó khăn mà ngành du lịch gánh chịu trong thời gian qua, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn. Ông Hoàng Quốc Phong đã chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về những khó khăn mà ông và các cộng sự phải vượt qua trong suốt hơn một năm qua.
Thưa ông, năm qua ngành du lịch toàn thế giới trải qua những khó khăn và đối với Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhiều doanh nghiệp du lịch lâm vào cảnh phải bán công ty, nhiều ông chủ bà chủ phải đổi nghề. Với một đơn vị hoạt động trong ngành du lịch như Việt Team Group đã gặp phải những khó khăn gì?
Ông Hoàng Quốc Phong: Với bất kỳ một doanh nghiệp nào hoạt động trong ngành du lịch trong thời gian qua đều lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về nguồn vốn và tài sản. Nhiều đơn vị không xoay ra nguồn vốn, lâm vào cạn kiệt, phải đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng. Để duy trì hoạt động, thì bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng phải chi phí mặt bằng, vốn vay, lương cho bộ máy, trăm thứ “bà rằn” khác phải chi. Khi đại dịch xảy ra ngành du lịch đứng im, không có hoạt động, không có nguồn thu, vậy mà vẫn phải chi phí duy trì doanh nghiệp nên con số âm là không tránh khỏi... Với một công ty chuyên tổ chức Teambuilding, Event, Media như chúng tôi, đại dịch Covid-19 ví như một cơn “sóng thần”, cuốn trôi hết toàn bộ vốn liếng, công sức gây dựng bao năm.
Để nói về kinh tế, trong năm vừa qua, phải nói là “hãi hùng” không chỉ công ty chúng tôi mà của toàn xã hội. Đối với một công ty cỡ nhỏ, cũng không nằm ngoài quỹ đạo của vòng quay đó, chúng tôi đã có những lúc “khủng hoảng” không biết phải bắt đầu từ đâu, giải quyết như thế nào... Phải nói tình cảnh lúc đó bế tắc!
Những câu hỏi được đặt ra, tiền đâu để giải quyết công nợ? Tiền đâu để giải quyết tiền lương cho anh em?... Trong nghề này, muốn tồn tại, anh phải có “chữ tín”. “Chữ tín” đó như là kim chỉ nan của mọi hành động. Anh muốn thành công ư? thì phải có sự tín nhiệm của anh em, bạn bè và đồng nghiệp. Cũng vì ‘chữ tín” đó giúp tôi kiên cường.
Nếu muốn theo ngành, thì phải bảo vệ “chữ tín”. Tôi còn nhớ câu ca dao của người dân Miền Trung quê tôi: “Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, khó khăn thế nào cũng phải vượt qua. Tôi nghĩ trong gian khó sẽ rèn bản lĩnh của mỗi con người.
Chính vì điều đó, một quyết định liều lĩnh, tôi quyết định cầm cố hai sổ đỏ của gia đình để duy trì công ty, đó là nhà của tôi và của ba mẹ tôi ngoài quê. Nhớ lại thời điểm đó, tôi cám ơn gia đình đã dành niềm tin cho tôi; chứ lấy sổ đỏ của ba mẹ, là mái nhà và cơ nghiệp của một đời người đem đi vay ngân hàng làm ăn, tôi ngày đêm ăn, ngủ không yên. Nhưng thực ra, chính sự khó khăn đó làm nên tôi bây giờ. Khát khao hơn, cháy bỏng hơn trong công việc và tôi cũng cẩn trọng hơn trong mọi tình huống để đưa ra quyết định... Vì nếu sai tôi phải đánh đổi nhiều thứ.
Thời gian vừa qua, mỗi một một doanh nghiệp muốn tồn tại thì doanh nghiệp đó đều phải tìm cách tự cứu mình. Vậy “chiếc phao” để ông đưa công ty thoát khỏi khó khăn là gì? Tôi được biết, trong giai đoạn vừa qua, vấn đề nhân sự luôn là câu chuyện “đau đầu” của doanh nghiệp, tiền lương không có để chi trả, buộc phải sa thải nhân sự, rồi khi có việc thì nguồn nhân lực đã thất thoát. Vậy để giải quyết vấn đề đó, ông đã có những phương án gì để “vượt qua bão” Covid-19?
Trong giai đoạn dịch bệnh, chúng tôi phải áp dụng nhiều biện pháp tức thời, như triển khai hỗ trợ lương cho nhân sự chính, nhân sự cộng tác viên; thực hiện các khóa đào tạo nghề như MC, Marketing, IT miễn phí để cho nhân sự có thêm nhiều kỹ năng và tìm kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch, cũng như chuẩn bị cho sự trở lại của du lịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích nhân sự tìm kiếm thêm các nguồn thu nhập phụ khác. Tuy nhiên, cũng chỉ là biện pháp tạm thời, chữa cháy, chờ đợi sự trở lại của du lịch. Chúng tôi tin, sự trở lại ngoạn mục của ngành, nên càng cố gắng làm việc và bền bỉ cùng nhân viên trau dồi nghiệp vụ.
Với một nghề như truyền thông và sự kiện, nếu không chịu đổi mới, không chịu học tập, trau dồi nghiệp vụ thì sẽ nhanh chóng bị loại ra cuộc chơi một cách ngoạn mục nhất. Nghề này không có những từ “đại khái”, “tạm được rồi”... nếu muốn có vị trí trong ngành du lịch, thì câu nói luôn làm tốt, làm việc bằng cả trái tim và khối óc. Chỉ như vậy, mới được sự tin tưởng của cộng đồng du lịch.
Với một lĩnh vực mà công ty ông đang thực hoạt động có thể gọi là “hot” hiện nay. Các tour đi đều có những chương trình hoạt động để khấy động phong trào cho tour tuyến, đem lại thành công và ấn tượng cho mỗi đoàn đi, nên Event – Teambuilding – Media luôn được các đoàn chú trọng. Đó là chuỗi mắt xích hết sức quan trọng, góp phần vào sự thành công của mỗi tour đoàn đi, ông chia sẻ về hoạt động này của công ty ông?
Việt Team Group chúng tôi hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: Event – Teambuilding – Media, chúng được coi như là một đối tác chính cho các Công ty Lữ Hành trên toàn quốc khi về Miền Trung, khi cần thực hiện các dự án về Teambuilding, Event, Media. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện truyền thông, marketing cho các doanh nghiệp trên địa bàn khu vực miền Trung.
Tiêu chí để tham gia lĩnh vực này thì cơ bản đáp ứng 2 yếu tố: Một là nhân sự phải năng động, sáng tạo, luôn đón đầu xu hướng và đặc biệt là thích nghi với áp lực cực cao. Hai là trang thiết bị, dụng cụ (âm thanh, ánh sáng led, dụng cụ gametool…) phải phong phú đa dạng, chất lượng tốt nhất. Tôi chọn sự kiện, teambuilding đơn giản là tôi thích sự đổi mới, sáng tạo liên tục của ngành này, khiến cho bản thân tôi luôn phải đổi mới theo và phát triển không ngừng.
Ông vừa nói, với những người hoạt động trong lĩnh vực này và trong giới đoàn tour thì chữ tín phải giữ, nếu không giữ được điều đó thì anh không thể quay lại với nghề. Vậy ngoài “chữ tín”, theo ông còn có tiêu chí gì để tồn tại cùng nghề?
Chúng tôi đang theo một ngành, một lĩnh vực mà sân chơi này không dành cho người không năng động, không sáng tạo, không theo kịp xu thế... Bạn muốn theo nghề, ngoài kỹ năng và nghiệp vụ được đào tạo bạn phải có tính sáng tạo, đổi mới phải tiên phong và nhiệt huyết. Nói theo ngôn ngữ đại chúng là bạn phải “cháy” cùng nghề. Nghề này, đào thải rất nhanh, bạn không thay đổi, bạn không bắt kịp xu thế bạn sẽ tụt lại phía sau ngay. Lĩnh vực mới phát triển mạnh tầm 10 năm trở lại đây tại Miền Trung, và nó vẫn là lĩnh vực rất “hot” trong những năm tiếp theo.
Trong giai đoạn hiện nay, ngành du lịch được xem là một trong những ngành bắt buộc phải chuyển đổi số, doanh nghiệp của ông áp dụng chuyển đổi số như thế nào?
Trước đó, (năm 2018) chúng tôi đã triển khai áp dụng công nghệ để quản lý dự án, chat box trực tiếp và tự động chăm sóc khách hàng, quản lý nhân sự bằng các phần mềm; triển khai các công nghệ tiêu chuẩn để ứng dụng trong sự kiện, các app công nghệ để chơi teambuilding. Chúng tôi tối ưu hiệu quả toàn bộ sự kiện chỉ bằng một phần mềm, khai thác tối đa hiệu suất của nhân sự, cắt giảm các công việc bằng tay chân và thay bằng phần mềm, máy móc.
Đà Nẵng là một thị trường quá ưu ái đối với những người hoạt động trong ngành du lịch, được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, nên lượng du khách đổ về Đà Nẵng khá đông. Với một thị trường hoạt động tốt như vậy, ông kỳ vọng gì cho ngành mình?
Hiện chúng tôi có 3 văn phòng và tổng kho dụng cụ, văn phòng chính Đà Nẵng, văn phòng chi nhánh Quy Nhơn và và văn phòng chi nhánh Quảng Bình. Chúng tôi tự tin là đối tác chính cho toàn thể khách hàng là công ty Lữ hành trên toàn quốc về Miền Trung. Chúng tôi vừa khai trương văn phòng chi nhánh ở Quy Nhơn, đây là một thị trường khá tiềm năng, nội lực tốt, bãi biển đẹp… Các công ty Lữ hành đang có xu hướng chuyển dịch điểm đến, họ cần các đơn vị cung ứng dịch vụ tốt và uy tín như chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi tự tin là sẽ cung ứng những dịch vụ tốt nhất cho thị trường.
Năm nay, với những người làm du lịch đều tin sẽ kiểm soát dịch tốt, nên du lịch ổn định trở lại. Tôi tin, trong năm 2021 và các năm tiếp theo Teambuilding và Event sẽ thực sự bùng nổ tại khu vực Miền Trung và Miền Trung sẽ là miền đất màu mỡ của ngành du lịch. Miền Trung có con đường di sản từ Quảng Bình, Huế, Quảng Nam. Với “con đường di sản kỳ diệu” đó sẽ thu hút du khách không chỉ trong nước và quốc tế. Chúng tôi cũng hy vọng năm nay khi có "hộ chiếu vaccinne" thì con đường “miền di sản kỳ diệu” của Miền Trung sẽ sôi động và thu hút du khách nhiều hơn.
Thưa ông, tuổi trẻ ai cũng từng có ước mơ và khát vọng. Vậy một người doanh nhân trẻ như ông cần những tiêu chí gì để đi cùng sự phát triển chung của đất nước? Được biết, trước kia ông xuất thân là một hướng dẫn viên, vì sao chuyển sang lĩnh vực này?
Tôi cũng như bao doanh nhân trẻ khác, luôn muốn xây dựng và góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch và kinh tế đất nước. Theo tôi, cứ “cháy” hết mình cho đam mê, không ngừng thay đổi để đón đầu xu hướng và mang đến những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng đó là những tiêu chí mà bản thân tôi luôn tâm niệm khi hoạt động trong lĩnh vực này.
Trước đây, tôi là một hướng dẫn viên, tôi yêu du lịch. 10 năm trong nghề đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm quý giá. Tuy nhiên, tôi lại cảm nhận bản thân sẽ bứt phá hơn với Event, Teambuilding, vì ở lĩnh vực này tôi mới phát huy hết sở trường của mình, thỏa sức sáng tạo những ý tưởng mới, và quan trọng hơn là tôi muốn xây dựng một đứa con tinh thần của riêng mình.
Xin cám ơn ông!