Thêm đại gia góp tay hiện thực hóa 'giấc mơ ôtô Việt'

Chủ tịch của Tập đoàn sắp ra mắt xe tự lái là ông Hồ Xuân Năng, một doanh nhân thường được mọi người gọi là Năng

Tập đoàn Phenikaa cho biết ngày 26/3/2021 sẽ tổ chức hội thảo "Công nghệ tự hành và Giao thông thông minh", đồng thời ra mắt xe tự hành thông minh cấp độ 4 "Made-in-Vietnam" đầu tiên tại Việt Nam.

Tập đoàn Phenikaa có tên đầy đủ là CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, được thành lập vào tháng 10/2010, trụ sở hiện đặt tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ông Hồ Xuân Năng là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật của Tập đoàn Phenikaa.

Không gian xanh gần 14ha của trường Đại học Phenikaa, nơi sẽ diễn ra hội thảo ngày 26/03/2021. Ảnh: Phenikaa.  
Không gian xanh gần 14ha của trường Đại học Phenikaa, nơi sẽ diễn ra hội thảo ngày 26/03/2021. Ảnh: Phenikaa.  
 

Ông Hồ Xuân Năng sinh năm 1964 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công, ông trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhưng sau đó, ông Năng đã bước chân sang ngành kinh doanh, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô FORD Việt Nam. Năm 1999, ông Năng đến với Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT.

Cuối năm 2002, Nhà máy Đá ốp lát cao cấp Vinaconex được thành lập theo quyết định của Chủ tịch HĐQT Vinaconex.

Không lâu sau đó, Nhà máy này được chuyển thành CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (VCS) và năm 2005, công ty chính thức đi vào hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 30 tỷ đồng do Vinaconex nắm 60%.

Đến năm 2007, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty. Cũng trong năm này, VCS lên sàn và Vinaconex vẫn là công ty mẹ sở hữu 51% bên cạnh các cổ đông như Vietnam Holding (5%) và CTCP Đầu tư IPA (5%). Sau đó, Vinaconex thoái vốn dần và đến năm 2013 thì thoái hết hoàn toàn.

Ông Hồ Xuân Năng  
Ông Hồ Xuân Năng  
 

Sau khi Vinaconex thoái vốn, VCS đã được đổi tên thành CTCP Vicostone và thực hiện tái cơ cấu, trở thành công ty con của Tập đoàn Phenikaa.

Ngày 31/12/2020, vốn điều lệ của Vicostone là 1.600 tỷ đồng, trong đó ông Xuân Năng nắm giữ 5,8 triệu cổ phiếu VCS (tương ứng tỷ lệ 3,74%) còn Phenikaa sở hữu 84,16%.

Được biết, song song với việc điều hành Vicostone, trong giai đoạn 2015 – 2016, ông Hồ Xuân Năng đã mua 35% cổ phần của Trường Đại học Thành Tây và đến cuối năm 2017 nắm cổ phần chi phối trường đại học này.

Đến tháng 11/2019, Tập đoàn Phenikaa chính thức ra mắt Trường Đại học Phenikaa và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Phenikaa với quy mô 1.000 tỷ đồng. Đại học Phenikaa không hẳn bắt đầu từ số 0, mà đây vốn là Trường Đại học Thành Tây, ngôi trường đã có hơn 10 năm hoạt động.

Ngoài Vicostone, ông Hồ Xuân Năng còn đứng tên tại loạt doanh nghiệp khác là CTCP phát triển thiết bị thông minh Phenikaa, Viện Nghiên cứu & Công nghệ Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa, CTCP Kiểm định và Chứng nhận Phenikaa, CTCP Đầu tư Giáo dục Phenikaa, CTCP Giải pháp Thông minh Phenikaa, CTCP Công nghệ Phenikaa MAAS, CTCP Điện tử Phenikaa, CTCP Thương mại và Chuyển giao Công nghệ Phenikaa, CTCP Phenikaa-X.

Thùy Dung (tổng hợp)

Theo Đất Việt