Chặn trục lợi từ các dự án bất động sản núp bóng tâm linh
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng các chính sách, pháp luật đất đai liên quan đến tôn giáo còn nhiều lỗ hổng để trục lợi, các chuyên gia cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) cần nghiên cứu các quy định cụ thể, khả thi, không vì nhạy cảm mà né tránh nhằm quản lý nguồn tài nguyên của nhà nước hiệu quả hơn.
Nhập nhèm du lịch tâm linh
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định tạm dừng thi công xây dựng các công trình, hạng mục chưa đủ điều kiện pháp lý trong phạm vi dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen tại thôn 3, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai.
Liên quan những vi phạm xảy ra tại dự án trên, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trong đó, UBND huyện Đạ Huoai, UBND thị trấn Đạ M’ri chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm tại dự án.
Được biết dự án trên đã thi công trái phép 30 hạng mục kiên cố, gồm đường, nhà ở và các hạng mục khác trong khi quyết định đầu tư được cấp là dự án quản lý rừng. Doanh nghiệp còn đào quả núi dọc quốc lộ 22 để lấy đất, đá san lấp cho dự án, lấp luôn dòng suối Tiên làm ảnh hưởng đến cuộc sống, canh tác của người dân địa phương.
Trên thực tế, hoạt động đầu tư vào các du lịch tâm linh gần đây diễn ra rầm rộ ở nhiều địa phương. Trong các dự án rộng đến cả nghìn ha, lại xuất hiện một công trình tôn giáo với đủ các loại kỷ lục do doanh nghiệp xây dựng.
Nhiều cựu cán bộ tỉnh Khánh Hòa đã bị truy tố liên quan đến dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự
Nếu như “siêu dự án” tâm linh Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình) nổi tiếng với ngôi chùa được cho là lớn nhất thế giới bên cạnh ngôi cổ tự Tam Chúc (huyện Kim Bảng, Hà Nam) thì tại Hải Phòng, dự án làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp có tượng phật cao kỷ lục đến 150m trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino. Còn tại Thái Nguyên, việc xây dựng bảo tháp lớn nhất thế giới cũng được tuyên bố khi đầu tư vào dự án khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18.940ha (gồm diện tích hồ là 2.500ha).
Điểm chung của các quần thể tâm linh này là sự đồ sộ, song chùa hay tháp chỉ chiếm một phần diện tích nhỏ.
Thực tế này đang đặt ra câu hỏi: tại sao để xây dựng quần thể tâm linh lại có cả nhà hàng, biệt thự, casino? Nếu đây là một dự án kinh doanh đơn thuần thì việc doanh nghiệp được cấp hàng nghìn ha đất được thực hiện theo quy trình nào? Liệu rằng số tiền đóng góp vào ngân sách địa phương có tương xứng với hàng nghìn ha đất mà doanh nghiệp được giao?
Chính sách quản lý đất đai bất cập
Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ trình bày tại một hội nghị cho rằng, chính sách, pháp luật về đất đai liên quan đến tôn giáo còn nhiều bất cập. Chỉ thị số 1940 năm 2008 của Thủ tướng là một chỉ thị chuyên biệt về đất đai liên quan đến tôn giáo, nhưng mới chỉ cơ bản tháo gỡ được vấn đề đất đai tồn đọng giai đoạn trước để lại, chưa có hướng giải quyết đối với đất đai tôn giáo phát sinh, trong khi xu thế của tôn giáo là phát triển, nên nhu cầu đất cho mục đích tôn giáo là có thực.
Nhiều chuyên gia cho biết, Luật Đất đai năm 2013 cũng chưa tìm được hướng giải quyết ổn thỏa và lâu dài, còn những điểm khó và vướng như về hạn điền, về giao đất, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có quy định việc tôn giáo sử dụng đất vào các hoạt động an sinh xã hội.
Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng, đi cùng với đó còn là bất cập trong lưu trữ và quản lý hồ sơ đất đai liên quan đến tôn giáo và việc giao đất cho các doanh nghiệp tư nhân để xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh liên quan đến tôn giáo cũng còn nhiều lỗ hổng, cơ quan chức năng còn thiếu chủ động và lúng túng trong giải quyết.
Luật đất đai (sửa đổi) - cần chặn mọi trục lợi
Tại một hội thảo mới đây, đại diện của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc áp dụng chế tài đối với đất đai thuộc các cơ sở tôn giáo là 1 trong 8 nội dung mới và đáng chú ý trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.
Theo đó, dự thảo Luật bổ sung quy định phân định rõ diện tích xây dựng cơ sở thờ tự của các cơ sở tôn giáo với diện tích đất đai còn lại (đất thường, đất kinh doanh). Bên cạnh đó, diện tích đất dùng để xây dựng thờ tự cũng sẽ bị áp trần diện tích (quy định diện tích tối đa được phép xây dựng là bao nhiêu) thay vì để “tự ý” xây dựng tràn lan như nhiều năm qua.
Đối với diện tích đất không thuộc xây dựng cơ sở thờ tự, hoặc đất dùng để kinh doanh thì cơ sở tôn giáo bắt buộc phải đóng thuế đất cho nhà nước.
Một công trình trong khu du lịch sinh thái tâm linh ở Hà Giang bị đình chỉ thi công
Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng, những quy định của dự luật vẫn còn “mờ nhạt”. Theo PSG.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội, tại Mục 2.2 Nghị quyết 18-NQ/TW quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo quy định rất rõ, nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phải phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương.
Do đó, tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần nghiên cứu thêm và bổ sung rất rõ các quy định phải thu những khoản nào, thời hạn thu ra sao, mức thu áp dụng phương pháp nào để tránh làm thất thoát ngân sách và tài sản của nhà nước.
“Cần phải phân định rõ đất tôn giáo và đất kinh doanh du lịch tâm linh. Không vì vấn đề nhạy cảm mà chúng ta né tránh bởi đã xây dựng luật định thì phải rõ ràng, minh bạch và sòng phẳng”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến chia sẻ.